Khi mọi người đều ở trong nhà để tránh cái rét dưới 0 độ và những lớp tuyết rơi dày, bà Kim vẫn tiếp tục công việc hàng ngày của mình trong con hẻm nhỏ. Ở tuổi 81, bà lượm lặt giấy vụn và rác thải có thể tái chế để kiếm sống.
Hàng ngày, bà đi bộ vài lần quanh thành phố, thu nhặt hơn 100 kg rác để mang đến kho rác bán với giá 100 won/kg. Mỗi ngày bà kiếm được khoảng 10.000 won, tức là chưa đầy 12 USD sau những chuyến đi nặng nhọc vậy.
Đó là khoản tiền quá ít ỏi để sống trong thành phố phát triển và đắt đỏ bậc nhất châu Á này. Tuy nhiên, với khoảng 3 triệu người cao tuổi ở Hàn Quốc sống trong cảnh đói nghèo, đây là cách họ sống quãng đời còn lại.
Bữa ăn đạm bạc với cơm và súp của bà Kim, 81 tuổi, làm nghề thu gom rác ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Channel News Asia. |
"Tôi làm việc vì tôi cần mua thuốc và thức ăn. Nếu đói quá, tôi sẽ uống nước và mua đồ ăn rẻ tiền rồi tiếp tục làm việc", bà Kim nói. Bà thường chi khoảng 2.000 won (2,4 USD) cho một bát cơm với súp đạm bạc.
Theo cuộc điều tra năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Hàn Quốc, gần một nửa số người già trên 65 tuổi sống trong nghèo đói. Nhiều người phải vật lộn với cảnh sống cô độc và phiền muộn tuổi già.
Người cao tuổi hiện chiếm 13% dân số Hàn Quốc. Con số này dự kiến sẽ đạt 60% vào năm 2060. Những người chỉ trích nói rằng nếu vấn đề nghèo đói ở người già tiếp tục bị bỏ quên, điều này sẽ để lại hậu quả thảm khốc lên nền kinh tế và phúc lợi xã hội.
Thế hệ hy sinh
Sự hồi sinh của Hàn Quốc từ sau Thế chiến để trở thành cường quốc công nghiệp được coi là phép màu kinh tế.
Sự thịnh vượng của quốc gia này là "trái ngọt từ thành quả lao động chăm chỉ" của thế hệ người cao tuổi hiện nay. Giờ đây, họ vẫn không ngừng làm việc. Những người già làm nhân viên bảo vệ hay thu gom rác quanh các tòa nhà của thủ đô Seoul đã trở thành cảnh tượng thường thấy.
Đó là số phận của một "thế hệ bị quên lãng", những người phải trải qua giai đoạn khó khăn và không được hưởng những lợi ích kinh tế thu được sau đó.
"Họ đã đổ tất cả mồ hôi và nước mắt để làm nên đất nước này vậy mà giờ họ lại sống khổ sở khi về già. Họ là nạn nhân của thời kỳ gian khó", Giáo sư Lee Ho-Sun của Đại học Soongsil Cyber, chuyên gia nghiên cứu về phúc lợi người cao tuổi, nói với Channel News Asia.
Phần lớn thế hệ này trải qua giai đoạn vàng của độ tuổi lao động khi khủng hoảng tài chính năm 1997 xảy ra khiến 2 triệu người mất việc làm.
Nhiều người cũng là nạn nhân của sự phân biệt đối xử về tuổi tác trong văn hoá Hàn Quốc. Họ buộc phải nghỉ hưu sớm và bị thay thế bởi những công nhân trẻ tuổi và rẻ tiền hơn.
Lương hưu cơ bản chỉ được đưa ra vào cuối những năm 1980 với khoản trợ cấp 200.000 won/tháng (khoảng 250 USD). Các nhà phê bình chỉ ra rằng những nỗ lực xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cho thế hệ tiên phong là quá ít và quá muộn màng.
Tại quốc gia có tuổi thọ trung bình trên 80 năm, những người cao tuổi buộc phải tìm cách tự giúp mình.
"Người cao tuổi Hàn Quốc nhận thức rằng họ cần thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước và không bao giờ trông đợi đất nước làm điều gì cho họ. Vì vậy, họ chỉ tự chấp nhận khó khăn của mình dù có cay đắng đến đâu", Giáo sư Ho nói.
Sống độc lập với con cái
Giống như những người già nghèo khổ khác, bà Yim, 86 tuổi, một người thu gom rác, không còn giữ liên lạc với con cái.
Sau khi bị tách khỏi gia đình trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, bà lang thang khắp đất nước làm việc trong các trang trại và dọn dẹp nhà cửa.
Bà Yim đã làm việc chăm chỉ để nuôi 5 đứa con. Tất cả đều chuyển tới thành phố khác sinh sống sau khi kết hôn. 3 năm trước, chồng bà qua đời, bà Yim một lần nữa không còn nơi nương tựa.
"Khi các con gái đến thăm tôi, chúng thường đến cùng một lúc rồi tất cả lại cùng đi. Các cháu ngoại thì không thích tới vì ở đây có gián", bà nói.
Theo lời khuyên của bạn bè, bà Yim bắt đầu công việc thu gom rác cho "đỡ nhàm chán", lý do phổ biến cho những người cao tuổi làm công việc này.
Những người già làm nhân viên bảo vệ hay thu gom rác quanh các tòa nhà của thủ đô Seoul đã trở thành cảnh tượng thường thấy. Ảnh: Channel NewsAsia.
|
Thực tế, bà Yim thà làm việc vặt để kiếm sống còn hơn nhờ vả người khác giúp đỡ. Bà sợ trở thành gánh nặng cho con cái và những người xung quanh.
Sinh ra trong thời buổi khó khăn, nhiều người cao tuổi nghĩ rằng họ đã không thể nuôi nấng con cái chu đáo nên không xứng đáng được đền đáp. "Làm sao tôi có thể yêu cầu chúng giúp đỡ khi vợ chồng tôi trước đây đã không thể hỗ trợ bọn trẻ", bà Yim nói.
"Các con gái nghĩ rằng tôi vẫn khỏe nhưng mỗi khi về nhà, lưng tôi đau và tôi thấy ê ẩm khắp người. Tôi nói mình vẫn khỏe vì không muốn làm chúng lo", bà Yim nói.
Tự giúp mình
Cùng suy nghĩ với bà Yim, bà Kim đã thuê trọ trong căn phòng giá rẻ vì không muốn làm phiền con cái. Nhận thấy sức khỏe ngày càng xấu đi, bà biết mình không còn sống được bao lâu nên đã chuẩn bị trước.
"Khi ăn, tôi không thể tiêu hóa và bị nôn mửa. Con trai bảo tôi tới bệnh viện nhưng tôi nói tôi không muốn đi. Tôi biết nếu đến đó tôi sẽ nằm chờ chết", bà nói.
Bà Kim nói mình đi nhặt rác là để chuẩn bị tiền viện phí sau này. Bà dường như không biết chương trình Bảo hiểm Chăm sóc Dài hạn của chính phủ nhằm hỗ trợ chi trả hóa đơn y tế cho người cao tuổi nghèo từ năm 2008. Các cá nhân sẽ đăng ký và được theo dõi trước khi gia nhập vào hệ thống này.
"Thế hệ này không có khái niệm về phúc lợi xã hội. Họ không biết làm thế nào để yêu cầu giúp đỡ, họ có thể được giúp đỡ đến đâu và ai có thể giúp họ", Giáo sư Ho nói.
Yang Seung-Jo, người đứng đầu Ủy ban Y tế và Phúc lợi của Quốc hội, cho biết: "Trước đây, chúng tôi có thể yêu cầu các gia đình giải quyết vấn đề của người già trong gia đình họ. Nhưng bây giờ, những người ở độ tuổi 30 và 40 thậm chí không thể tự nuôi sống bản thân với thu nhập của mình".
Theo ông Yang, với tình hình suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 10,4%, tình trạng nghèo đói ở người cao tuổi không có vẻ lạc quan.
"Những người trẻ cần kiếm tiền và đóng thuế cho quỹ hưu trí của họ. Nếu họ không thể đóng góp vào nền kinh tế và không thể chăm sóc cha mẹ thì vấn đề này sẽ rất khó được giải quyết", ông nói.
Tuy nhiên, Giáo sư Ho cho rằng chính phủ cần nhìn nhận phúc lợi xã hội "không chỉ như một lời hứa, mà là một nghĩa vụ" và người già cần được chăm sóc không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần.
Ông Shin cũng nói thêm rằng việc những người cao tuổi bị xe cộ đâm chết khi đang thu gom giấy vụn có thể giúp mọi người hiểu họ đang sống ra sao và thúc đẩy Quốc hội sửa đổi các chính sách hiện hành.
Đối với bà Kim, đó là tương lai bà chưa từng nghĩ tới vì nó quá xa vời với cuộc sống ảm đạm hiện tại của bà.
"Tôi sẽ tự chăm sóc mình đến chừng nào có thể. Sau đó, tôi sẽ tới bệnh viện, chết ở đó mà không nói cho các con tôi biết. Tôi vẫn luôn tâm niệm như vậy", bà nói.