JS Oh, từng là giáo viên tiểu học ở Seoul, đã vật lộn với nỗi cô đơn kể từ khi ly hôn và nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, điều này giải tỏa phần nào sau khi người phụ nữ 59 tuổi gặp người đàn ông lớn hơn bà 4 tuổi thông qua Couple.net - một ứng dụng hẹn hò của Hàn Quốc giúp con cái tìm bạn đời cho cha mẹ.
“Khi con gái mua phiếu ứng dụng hẹn hò, tôi rất háo hức khi được gặp một người bằng tuổi mình. Tôi đã gặp anh ấy hai lần và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi trò chuyện về nhiều điều, điều đó giúp tôi vơi đi nỗi cô đơn”, bà Oh - người sống một mình với hai chú chó - cho biết.
Những người Hàn Quốc lớn tuổi đang phải chịu đựng những hệ quả xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của đất nước cùng với biến động xã hội trong những thập niên gần đây. Điều này dẫn tới sự rạn nứt ngày càng trầm trọng trong cấu trúc gia đình truyền thống do chính phủ chưa có sự hỗ trợ đầy đủ, theo Financial Times.
Không chỉ là vấn đề về kinh tế
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc từ lâu đã chứng kiến tỷ lệ người già nghèo đói và tự tử cao nhất trong các nước phát triển.
"Mặc dù sống với con cái đã trưởng thành, tôi thường cô đơn và muốn gặp ai đó trong một thời gian dài", JW Kim, một nhân viên văn phòng 56 tuổi, cho biết.
Con trai của Kim đã mua cho bà dịch vụ của Couple.net sau khi nhận tháng lương đầu tiên tại một công ty nhà nước. Bà đã hẹn hò với hai người đàn ông.
“Người đàn ông đầu tiên có dáng vóc hơi nhỏ, còn người đàn ông kia trông như có thể lừa gạt tôi. Họ đều không phải là mẫu người của tôi, nhưng tôi vẫn rất vui khi gặp họ”, bà Kim nói. “Ý nghĩ được hẹn hò với ai đó một lần nữa khiến trái tim tôi xao xuyến. Bạn quên đi nỗi cô đơn, chờ đợi một cuộc hẹn và cảm thấy hạnh phúc, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi”.
Lee Woong-jin - chủ tịch nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò Sunoo, điều hành Couple.net - cho biết: “Chúng tôi đang nhận được rất nhiều yêu cầu từ những người ở các thành phố lớn như Seoul và Busan, thậm chí ở Mỹ, khi ngày càng có nhiều gia đình hạt nhân và người già sống một mình. Chúng tôi thậm chí còn có một khách hàng nam 93 tuổi đang tìm kiếm một cuộc hẹn”.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống chỉ còn 0,84 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ. Năm 2020, dân số xứ sở kim chi lần đầu ghi nhận sụt giảm. Số lượng người Hàn Quốc trên 65 tuổi sẽ tăng từ 8,53 triệu người vào năm 2021 lên 17,22 triệu người vào năm 2040, và có thể chiếm 43,9% dân số vào năm 2050, theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.
Nhiều người Hàn Quốc lớn tuổi bị bỏ rơi bởi những đứa con đã lớn, những người phải tập trung vào con cái và sự nghiệp của họ. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia cho biết đô thị hóa nhanh chóng, sự cạnh tranh gay gắt để giành vé vào đại học và công việc trả lương cao khiến nhiều người Hàn Quốc lớn tuổi bị bỏ rơi bởi những đứa con đã lớn, khi chúng phải tập trung vào con cái và sự nghiệp của chính mình.
"Sự chuyển đổi từ gia đình mở rộng (đại gia đình) sang gia đình hạt nhân diễn ra quá nhanh", Kim Jin-soo, giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Yonsei, cho biết. "Mọi người không có thời gian, về cả mặt thể chất và tâm lý, để chuẩn bị cho sự thay đổi. Những thay đổi này còn được kết hợp bởi tuổi thọ kéo dài và sự bất bình đẳng ngày càng tăng".
Thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với người nghèo, người lớn tuổi. Ước tính Hàn Quốc có 43,4% người cao tuổi sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2018, đạt tỷ lệ cao nhất trong OECD.
Nhiều người buộc phải nghỉ hưu ở độ tuổi 50. Họ chỉ nhận được khoản lương hưu cơ bản hàng tháng của nhà nước là 300.000 won (256 USD) và phải tự trang trải nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe.
Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã tăng mức lương hưu cơ bản của nhà nước từ 200.000 won, trong khi các ứng cử viên tổng thống trước cuộc bầu cử vào năm 2022 tuyên bố sẽ đưa ra các chính sách cấp tiến để chống lại tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng.
Tuy nhiên, các học giả nói rằng nếu chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế sẽ không giải quyết được sự cô đơn đang tồn tại trong cuộc sống của người nghèo, hay kể cả ở những ai có cuộc sống dư dả.
“Nhiều người già tự sát vì các vấn đề tài chính, chẳng hạn như bệnh tật, vì họ vẫn phải tự trả một phần lớn hóa đơn y tế", giáo sư Kim nói. "Nhưng một lý do lớn khác nữa là họ cảm thấy cô đơn".
Shin Kwang-young - giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang - cho biết: “Khi đất nước phát triển về kinh tế, ý thức đoàn kết trong gia đình ngày càng yếu khiến người già cảm thấy cô đơn, lẻ loi và suy yếu ý chí sống".
Đảo ngược xu hướng
Sự kết hợp giữa các chương trình nhà nước, sáng kiến xã hội dân sự và nâng cao nhận thức cộng đồng - thể hiện qua quyết tâm của giới trẻ Hàn Quốc trong việc giúp cha mẹ cho cuộc sống mới - đã làm dấy lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho xã hội đang già hóa nhanh chóng.
Các nhóm chính phủ và xã hội dân sự đã bắt tay vào thực hiện một loạt các sáng kiến, bao gồm hoạt động địa phương do nhà nước tài trợ, gọi điện thường xuyên cho người cao tuổi và gây dựng sự tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Vào năm 2018, gần 44% người cao tuổi ở Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo đói, đạt tỷ lệ cao nhất trong OECD. Ảnh: Nikkei Asia. |
Khả năng tiếp cận với thuốc trừ sâu cũng đã bị hạn chế. Đây thuộc một phần chiến lược nâng cao rào cản thực tế đối với việc tự tử.
Song Dae-gyu thuộc Tổ chức Phòng chống Tự tử Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến xu hướng giảm dần - tỷ lệ tự tử của người già ở độ tuổi 70 là 62,5 trên 100.000 vào năm 2015, nhưng hiện đã giảm còn 38,8”.
Kwon Dae-young là người điều hành một doanh nghiệp xã hội ở vùng nông thôn tỉnh Gyeongsang chuyên đào tạo và thuê phụ nữ cao tuổi sản xuất hàng thủ công truyền thống. Ông nói dự án bắt đầu như một phương tiện để giải quyết các vấn đề tài chính của họ, nhưng sau đó chuyển sang tập trung vào việc giảm bớt cảm giác bị cô lập.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng những người bà đã dành cả cuộc đời làm nội trợ dễ bị xa lánh và trầm cảm hơn nhiều so với những người đàn ông lớn tuổi", ông Kwon cho biết. "Chúng tôi không chỉ giao cho họ việc gì đó để làm, mà họ còn cảm thấy mình được trao địa vị như một nhân viên, có chức danh, tạo cảm giác thân thuộc. Họ có thể kiếm lợi nhuận và giao tiếp với khách hàng của mình".
Đối với chủ tịch Lee, nhu cầu "bùng nổ" đối với ứng dụng Couple.net minh họa cho quy mô rộng lớn trong vấn đề cô đơn của người già, cũng như quyết tâm giải quyết vấn đề này của nhiều người trẻ Hàn Quốc.
"Trước đây, các bậc cha mẹ thường đăng ký dịch vụ hẹn hò cho con cái. Bây giờ, xu hướng đã đảo ngược", ông nói.