Giống như nhiều nước trên thế giới, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang tìm cách sống chung an toàn với Covid-19, trước áp lực kinh tế ngày càng tăng và một làn sóng virus mới tiềm ẩn trong mùa đông, theo Washington Post.
Cả hai nước đều không áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, mà cố gắng cùng tồn tại với virus từ lâu. Họ theo đuổi một mô hình đối phó với Covid-19 không quá lỏng lẻo nhưng cũng không quá khắt khe, dựa trên sự hợp tác của công dân - vốn đã quen với việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội để đối phó với các dịch bệnh đường hô hấp trước đây.
Các doanh nghiệp ít nhiều đều tự nguyện đóng cửa sớm để giúp ngăn chặn virus.
Cách tiếp cận này không phải luôn hoàn hảo và cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều tình huống, đặc biệt là với biến chủng Delta.
Dù tình trạng lây lan của virus đang gia tăng, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang nới lỏng hạn chế đối với các cuộc tụ họp xã hội khi tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ gia tăng. Hai nước cũng nghiên cứu việc triển khai “hộ chiếu” vaccine và các sáng kiến khác để khuyến khích hoạt động kinh tế.
Cử tri ở Tokyo, Nhật Bản đeo khẩu trang nghe bài phát biểu hôm 19/10 của một ứng cử viên trong cuộc bầu cử quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Trả lại cuộc sống bình thường cho dân
Bắt đầu từ tuần này, Hàn Quốc nới lỏng giới hạn về số lượng người có thể tụ tập ở địa điểm riêng từ 6 lên 8 người. Các quán cà phê, rạp chiếu phim, địa điểm hòa nhạc và nhà hàng sẽ được phép mở cửa muộn hơn so với những tháng gần đây.
Những thay đổi này diễn ra khi các quan chức y tế Hàn Quốc chuẩn bị chuyển sang chiến lược “sống chung với Covid-19” vào tháng 11. Giới chức nước này cho biết họ coi tuần cuối của tháng 10 là "bước đệm" để "từng bước phục hồi cuộc sống thường ngày”.
Tuần trước, chính phủ Hàn Quốc thành lập Ủy ban Hỗ trợ Phục hồi Cuộc sống gồm 40 cố vấn từ các ngành nghề, đến từ cả khu vực công và tư nhân, để lên kế hoạch dần trở lại trạng thái bình thường, bao gồm “hộ chiếu” vaccine.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Kyum, đồng Chủ tịch ủy ban, cho biết: “Chúng tôi sẽ biến Covid-19 thành một căn bệnh có thể kiểm soát và không còn là nỗi sợ hãi nữa, nhằm trả lại cuộc sống bình thường cho người dân”.
Các quan chức cho biết mục tiêu là nới lỏng giới hạn đối với những người được tiêm chủng đầy đủ. Người mắc Covid-19 không triệu chứng và bệnh nhân dưới 70 tuổi có triệu chứng nhẹ được yêu cầu ở nhà. Chính phủ tập trung theo dõi các trường hợp bệnh nặng và số ca tử vong.
Nước này không loại bỏ yêu cầu đeo khẩu trang.
Đến tháng 11, Hàn Quốc dự kiến có 70% trong số 52 triệu người dân được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Tính đến ngày 20/10, khoảng 66,8% dân số đã nhận đủ hai liều vaccine và 78,4% người dân được tiêm ít nhất một liều.
Một tấm biển nhắc nhở người dân về các biện pháp phòng ngừa Covid-19 ở Goyang, Hàn Quốc, ngày 20/10. Ảnh: AP. |
Các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết dù họ không ra lệnh phong tỏa hoàn toàn, nước này kiểm soát đại dịch thông qua việc xét nghiệm rộng rãi, truy tìm liên lạc và các phương pháp điều trị. Giới chức Hàn Quốc khẳng định phần lớn người dân tuân theo các quy định giãn cách xã hội.
Xem Covid-19 như bệnh đặc hiệu
Tại Tokyo, cuộc sống đang trở lại bình thường sau gần 6 tháng ban bố tình trạng “khẩn cấp” do Covid-19. Không có lệnh phong tỏa chặt chẽ trên diện rộng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tự nguyện đóng cửa sớm. Cư dân nghiêm túc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay và sẵn sàng đo nhiệt độ khi được yêu cầu.
Hiện tại, quán bar và nhà hàng vẫn mở cửa đến khuya. Ngã năm Shibuya nổi tiếng đã tấp nập người qua lại.
Sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, chủ yếu do biến chủng Delta gây ra, số ca mắc Covid-19 ở Nhật Bản đã giảm mạnh. Hiện nay, chính phủ đang dần mở rộng các dịch vụ để khuyến khích người dân đi du lịch và chi tiêu.
Riêng tại Tokyo, số ca dương tính theo ngày đã giảm đáng kể, từ mức cao nhất là hơn 4.000 ca vào tháng 8 xuống chỉ còn 36 ca vào ngày 19/10.
Tỷ lệ tiêm chủng tăng lên nhanh chóng trong những tháng gần đây, và 68,8% dân số Nhật Bản đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 20/10. Hầu hết người cao tuổi đều được chủng ngừa.
Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết về những yếu tố có thể đóng vai trò làm giảm số ca Covid-19 như xu hướng hiện nay ở Nhật Bản, bên cạnh việc tiêm chủng.
Du khách chụp ảnh tại Cung điện Gyeongbokgung, Seoul, ngày 11/10. Ảnh: Shutterstock. |
Kenji Shibuya, chuyên gia dịch tễ học và là giám đốc nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo, tin rằng sự sụt giảm số ca mắc Covid-19 cho thấy virus có thể thay đổi theo chu kỳ đạt đỉnh và giảm dần trong khoảng 2 tháng.
“Việc phong tỏa hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp, hay các biện pháp hà khắc, sẽ khác nhau giữa các nền văn hóa. So với Anh hoặc châu Âu, các nước Đông Á đặc biệt khắt khe trong việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”, Shibuya nói.
Ông cũng cho rằng có thể tồn tại một đặc điểm chưa được biết đến về virus corona dẫn đến sự suy giảm số ca nhiễm ở Nhật Bản, vì tương tác xã hội ở nước này chưa bao giờ hoàn toàn dừng lại. Ông cảnh báo một làn sóng dịch bệnh khác có thể đang đến, đặc biệt là trong những tháng mùa đông.
Vị chuyên gia nói: “Bây giờ chúng ta cần xem xét tiến tới coi Covid-19 như dịch bệnh bình thường (thay vì đại dịch)”.
Ngày 15/10, tân Thủ tướng của Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố biện pháp giúp các cơ sở kinh doanh khôi phục nguồn doanh thu, sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm âm tính để cho phép người dân vào nhà hàng và các cơ sở khác.
Chính phủ mới cũng đồng thời kích thích người dân chi tiêu thông qua việc phát động các chiến dịch khuyến khích du lịch trong nước.
“Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để chống lại virus corona và đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Chúng tôi cũng phải xây dựng một hệ thống kinh tế xã hội mới cho thời kỳ hậu corona”, Thủ tướng Kishida nói tại một cuộc họp báo.