Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 11/2019, thị trường Việt Nam ghi nhận 32 công ty được cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán, với hơn 20 đơn vị là các ví điện tử đang hoạt động. Ba “ông lớn” ví điện tử là MoMo, Moca và ZaloPay đang chiếm đến 90% thị phần tại TP.HCM và Hà Nội, theo khảo sát của Cimigo.
Theo đó, đơn vị này cũng cho biết, trung bình mỗi ngày, người dùng thực hiện 1,6-2,2 giao dịch với giá trị trung bình trung bình 230.000 – 274.000 VND/giao dịch. Quy mô dịch vụ, các chương trình ưu đãi, nỗ lực xây dựng giao diện thân thiện, mở rộng hệ sinh thái cũng như liên kết các đơn vị cung ứng nhiều lĩnh vực là những điểm cộng giúp ví điện tử ngày càng phổ biến với người dùng.
Tất cả người dùng ví điện tử phải xác thực tài khoản ví để đảm bảo vấn đề bảo mật. |
Từ đó, thói quen dùng ví điện tử cho nhiều giao dịch dần hình thành, đồng thời, công cụ thanh toán này ngày càng chứng minh được mức độ tiện lợi của mình đối với khách hàng. Các yêu cầu quản lý về tăng cường đảm bảo an toàn cho người dùng do đó cũng ngày càng được chú trọng hơn.
Trên thị trường, một số ví điện tử hàng đầu cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để chống lại các yếu tố gian lận như yêu cầu người dùng ngoài việc liên kết ví với tài khoản ngân hàng còn phải cung cấp các thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, ảnh chụp chân dung… Các biện pháp này gần đây cũng đã được cụ thể hóa thành quy định bắt buộc của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch, an toàn cho quá trình thanh toán.
Theo đó, Thông tư 23/2019 do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối năm 2019 đã luật hóa các yêu cầu về người dùng ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng và xác thực tài khoản.
Để thực hiện yêu cầu này, cá nhân mở ví điện tử cần cung cấp các giấy tờ như căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (với cá nhân là người nước ngoài) và liên kết tài khoản ngân hàng của mình với tài khoản ví điện tử.
Các chuyên gia cho biết việc định danh khách hàng là cần thiết nhằm đảm bảo thanh toán an toàn, bảo vệ quyền lợi người dùng. |
Các tổ chức cung ứng ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với các ngân hàng để bảo đảm hồ sơ mở ví và tài khoản liên kết của khách hàng là đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định.
Theo luật sư Bùi Tường Vũ, việc yêu cầu người mở ví điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân là cần thiết. Bởi ví điện tử là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, do đó, nhà cung ứng dịch vụ cần thông tin cụ thể để xác thực người dùng, tránh tình trạng 1 cá nhân mở hàng chục tài khoản ví với mục đích vi phạm pháp luật.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc định danh ví điện tử tương tự xác minh thông tin khách hàng khi mở tài khoản ngân hàng. Hai hình thức này đều phục vụ mục đích thanh toán. Vì vậy, việc định danh là yếu tố bắt buộc để cơ quan quản lý có thể quản lý và kiểm soát rủi ro xảy ra trong hoạt động thanh toán.
Cụ thể, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán từng chia sẻ, riêng với giao dịch điện tử, điều lo ngại nhất là không xác định được danh tính người dùng, từ đó dễ xảy ra hành vi lợi dụng để hoạt động thanh toán bất hợp pháp.
Theo lãnh đạo Vụ thanh toán, việc yêu cầu người dùng cung cấp thông tin để định danh nhằm mục đích kiểm soát hoạt động thanh toán của các ví điện tử. Đồng thời, việc yêu cầu định danh khách hàng là một cách để cơ quan quản lý bảo vệ quyền và lợi ích của hàng triệu người dùng.
“Các ví điện tử bắt buộc phải đảm bảo tiêu chí về an toàn, bảo mật, nếu không đủ điều kiện như quy định thì không thể tham gia”, ông Dũng nhấn mạnh.