Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người đứng trong mưa'

Quy luật nhân quả đã không xảy ra ở một số truyện ngắn của nhà văn Hữu Tiến. Đó cũng là chuyện bình thường, bởi lẽ cuộc sống vốn dĩ như vậy.

Người đứng trong mưa (ảnh minh họa).

Người đứng trong mưa là tập truyện ngắn của nhà văn Hữu Tiến, gồm những tác phẩm được ông chọn lọc, kể cả đã in và chưa in trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương.

Con người nơi vùng quê thay đổi

Hữu Tiến là người viết về nông thôn khá thành công ở Cao Bằng, cả về văn xuôi và thơ. Hầu hết truyện ngắn trong Người đứng trong mưa đều viết về nông thôn miền núi, nơi có những cánh rừng xanh ngát, núi đá cao sừng sững, những con đường ngoằn ngoèo, dòng sông thơ mộng...

Song, cùng với sự phát triển kinh tế, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, tốc độ đô thị hóa khiến nông thôn dần thay đổi. Cùng đó, con người cũng thay đổi.

Truyen ngan Nguoi dung trong mua anh 1

Tập truyện ngắn Người đứng trong mưa.

Truyện ngắn Hòn đá nàng tiên tiêu biểu cho những con người cơ hội. Lăng yêu Ngần, hai người tính sẽ đến với nhau khi mùa lúa chín. Hai người thường hẹn nhau ở hòn đá trên sông, nơi có con chim đánh dấu màu đỏ vào để người dân biết được mùa lũ năm nay nước cao hay thấp mà phòng tránh.

Hoẳn cũng thầm yêu Ngần. "Quân sư" Rảy đã bày cách cho Hoẳn nói dối bố, bảo Lăng xung phong đi bộ đội. Tin con trai và cũng muốn địa phương vượt chỉ tiêu đăng ký, bố Hoẳn đăng ký Lăng vào danh sách, trong khi ông biết rõ Lăng là con liệt sĩ, con một.

Lăng đi và không bao giờ về nữa. Ngần mất người yêu, đến với Hoẳn. Để trả ơn "quân sư", giám đốc sở Hoẳn đã đầu tư máy móc, tiền bạc cho Rảy khai thác cát trên sông.

Khi biết vợ vẫn còn nặng tình, lưu luyến hòn đá có nhiều kỷ niệm với Lăng, Hoẳn đã lệnh cho Rảy tìm mọi cách đánh sập hòn đá xuống sông.

Người ta nói "gieo gió ắt có ngày gặt bão". Nhưng đọc hết truyện ngắn này, bạn đọc không thấy Rảy, Hoẳn gặp phải cơn bão nào. Cô Ngần ngày xưa và bà Ngần hiện tại cũng không biết âm mưu giữa Rảy và Hoẳn.

Những điều xấu xa bị chôn vùi, không được hé lộ. Nói như Martin Luther King (1929- 1968), mục sư, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa, bởi những việc làm và hành động của những kẻ xấu, mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.

Trong truyện này, lòng tốt và lương tâm trong con người Hoẳn, Rảy đã không được đánh thức. Tác giả để người đọc tự suy ngẫm mà không chịu hé lộ bí mật giữa chồng và “quân sư” đã đẩy người yêu cô gái đi chiến trường và mãi mãi không trở về? Đây là câu chuyện phản ánh thực tế xã hội, khi thói vô cảm của con người xuất hiện ở nhiều nơi.

Ở một khía cạnh khác, Hữu Tiến cũng rất thành công khi khắc họa rất rõ nét về người phụ nữ miền núi. Người phụ nữ xuất hiện trên trang viết của nhà văn ở những cảnh huống, góc độ khác nhau. Dù ở hoàn cảnh nào, người phụ nữ cũng chịu thương, chịu khó, vượt lên số phận.

Trong truyện ngắn Người đứng trong mưa, Ngần là công nhân hạt giao thông, khát khao được làm mẹ. Gặp người đàn ông tên Khảo, lái xe đi thu mua trúc, cô đã có ý định quan hệ tình cảm với anh. Nhưng khi tĩnh tâm lại, cô biết Khảo không trân trọng mình, chỉ xem là chỗ để anh ta giải tỏa những ngày xa vợ con.

Những số phận

Nhà văn Hữu Tiến có nhiều kinh nghiệm trong việc dẫn dắt câu chuyện. Thủ pháp mà ông thường hay sử dụng là lối kể chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Hiếm có câu chuyện được xây dựng theo trật tự thời gian. Lối kể chuyện đan xen đã giúp tác giả gặt hái không ít thành công.

Một điểm trùng hợp trong tập truyện Người đứng trong mưa mà người đọc dễ nhận ra là tên nhân vật trong các truyện khác nhau.

Ngần trong truyện Ba người là phụ nữ đa đoan, thăng trầm, cuối cũng tìm được người đàn ông cảm thông, sống hạnh phúc.

Ngần trong Hòn đá nàng tiên là cô gái xinh đẹp, lấy chồng cơ hội, lên đến giám đốc sở. Cô không lo nghĩ về tiền bạc nhưng lại không biết bí mật giữa Hoẳn và Rảy.

Ngần trong truyện Người đứng trong mưa là công nhân giao thông khát khao có được đứa con, nhưng rồi cô lấy công việc làm vui sống.

13 truyện ngắn gắn với những số phận con người miền núi. Quy luật nhân quả đã không xảy ra ở một số truyện. Nhưng, đó cũng là chuyện bình thường, bởi lẽ cuộc sống vốn dĩ là vậy.

Tình yêu và lẽ sống của nhà văn Võ Quảng

Nhà văn Võ Quảng đã dành những điều tốt đẹp nhất cho thiếu nhi. Ông để lại hàng trăm bài thơ, nhiều truyện đồng thoại, truyện dài, đồng hành cùng những thế hệ bạn đọc.

Nông Quốc Lập

Bạn có thể quan tâm