Ngay từ khi tập đọc, mỗi học sinh tiểu học đều được làm quen với vần thơ Võ Quảng: “Ai dậy sớm / Bước ra vườn / Hoa ngát hương / Đang chờ đón”; hay “Cốc, cốc, cốc / Ai gọi đó? / Tôi là Thỏ / Nếu là Thỏ / Cho xem tai”…
Cứ thế, những câu thơ, trang văn trong trẻo của ông đi vào lòng bao thế hệ thiếu nhi và ở lại.
Những điều tinh khiết dành cho thiếu nhi
Võ Quảng sinh tại làng Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Từ năm 1935, ông học Quốc học Huế. Thời gian này, ông tìm đọc nguyên bản tiếng Pháp những tác phẩm văn chương, triết học.
Võ Quảng tham gia phong trào yêu nước khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông từng bị bắt, trải qua nhiều nhà lao, bị quản thúc, tham gia cách mạng, đảm nhận nhiều trọng trách, những công việc khác nhau. Đến những năm 1955, khi truyện ngắn Cái lỗ cửa được in, sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu được chú ý.
Năm 1957, ông được cử làm tổng biên tập đầu tiên của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Năm 1964, ông làm Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam. Từ năm 1960-1980, ông làm ủy viên Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương.
Tập thơ Ai dậy sớm của tác giả Võ Quảng. |
Không chỉ sáng tác, Võ Quảng còn tham gia dịch thuật. Ông phỏng dịch Truyện Đông Ky-sốt (Hiệp sĩ Don Quixote) và Người anh hùng rừng Séc Vút (Robin Hood - Hiệp sĩ rừng xanh). Ngoài ra, Võ Quảng cũng viết kịch bản phim hoạt hình.
38 tuổi, Võ Quảng mới trình làng tập thơ đầu tiên. Nhưng từ đó, toàn bộ thời gian, sức lực, tâm trí của ông dồn trọn vẹn vào những trang văn, dòng thơ, những bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi.
Nhà văn Võ Quảng từng nói: “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”.
Ông coi người cầm bút viết cho thiếu nhi cũng giống một nhà giáo dục. Bởi vậy, cả cuộc đời ông dành trọn “những gì đẹp đẽ, tinh khiết nhất cho thiếu nhi”.
Tác giả Ai dậy sớm nhiều lần thể hiện quan điểm khi sáng tác cho lớp trẻ. Ông từng viết: “Một tác phẩm viết cho các em có giá trị cao khi nào cũng phản ánh được sinh động thực tế cuộc sống, tâm hồn của các em và khi nào cũng phải viết đúng đối tượng. Muốn viết tốt cho các em phải có vốn sống về các em, am hiểu các môn tâm lý, sinh lý”.
Từng là Tổng biên tập NXB Kim Đồng - đơn vị chuyên làm sách thiếu nhi - Võ Quảng rất chú trọng tới yếu tố mỹ thuật của sách.
Ông nêu quan điểm: “Sáng tác cho các em không thể quên vấn đề minh họa. Vẽ đối với các em không chỉ là vấn đề trình bày, mà nó thuộc về nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Nó quan trọng ngang với viết. Kinh nghiệm ở các nước, vẽ cũng như viết cho các em cần phải đi vào chuyên nghiệp”.
Bộ ấn phẩm kỷ niệm 100 năm sinh Võ Quảng. |
Tri ân cây đại thụ viết cho thiếu nhi
Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Võ Quảng (1920-2020), NXB Kim Đồng thực hiện bộ sách 5 cuốn, gồm những tác phẩm đặc sắc của ông và những bài chân dung, phê bình viết về ông.
Bộ sách không chỉ cho thấy sự nghiệp của nhà văn lớn, mà còn là sự tri ân với tác giả đã hết lòng vì sự nghiệp văn học.
Những bài thơ giản dị, ngộ nghĩnh trong tập Ai dậy sớm phù hợp hơn cả với lứa tuổi mầm non, những năm đầu tiểu học. Cuốn sách tuyển chọn những bài thơ được nhớ nhiều nhất của Võ Quảng khi viết cho thiếu nhi như: Mầm non, Chị Chổi tre, Anh Đom đóm, Chú Voi con…
Tập thơ được in màu toàn bộ với những tranh minh họa đầy cảm xúc của họa sĩ Chu Linh Hoàng. Thiên nhiên rực rỡ sắc màu và thế giới loài vật sống động trong thơ Võ Quảng một lần nữa lại được hiển hiện trong những bức tranh được trau chuốt từng nét vẽ.
Trang sách trong tập Ai dậy sớm. |
Không chỉ quen thuộc với thiếu nhi qua những bài thơ, Võ Quảng còn một mảng sáng tác quan trọng khác là truyện đồng thoại. Truyện đồng thoại Võ Quảng gồm 21 câu chuyện đồng thoại hay nhất của nhà văn với những minh họa màu nước được in đẹp, trang trọng.
Những câu chuyện nhỏ nhắn, ngắn gọn với các con vật làm trung tâm như chú Trâu xe, anh Cút lủi, Sáo sậu, cá Giếc, Mèo…
Ở mỗi câu chuyện về loài vật ấy, nhà văn luôn sử dụng một không gian, một tuyến nhân vật, một tình huống truyện và từ đó rút ra bài học. Các câu chuyện gần gũi, gửi gắm bài học đạo đức cần thiết giúp bạn đọc nhỏ nhận thức và rèn luyện về lòng tốt, sự chăm chỉ, sự chân thật…
Cuốn sách được viết với văn phong tiếng Việt trong sáng, cùng minh họa màu nước của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn.
Quê nội gồm hai tác phẩm Quê nội và Tảng sáng mang bóng dáng quê hương, tuổi thơ của nhà văn. Sách không chỉ viết cho các thế hệ thiếu niên hôm nay, mà còn là cho cả biết bao thế hệ từng qua tuổi thiếu niên cùng đọc. Đó là bộ tác phẩm viết về thế hệ trẻ thơ từng trải qua Cách mạng tháng Tám. Tới nay, Quê nội đã tái bản lần thứ 19.
Sách Truyện đồng thoại Võ Quảng. |
GS Phong Lê nhận định về bộ tác phẩm: “Trong vườn văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam từ sau 1945, tôi chưa thấy có ai, cuốn sách nào viết hay và sinh động, tha thiết đến thế về cuộc đổi đời vĩ đại đã diễn ra vào tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam như trong bộ sách […] của Võ Quảng”.
Nhà văn Alice Kahn trong lời tựa bản dịch Quê nội sang tiếng Pháp viết: Khi giới thiệu quyển truyện Quê nội của Võ Quảng, người ta bảo ông "đây là loại Tom Sawyer của Việt Nam".
"Từ lâu, tôi rất thích tác phẩm Tom Sawyer. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng, tôi cảm thấy còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn”, nhà văn Alice Kahn viết.
Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Võ Quảng là sách tuyển chọn những đồng thoại hay nhất viết cho thiếu nhi của nhà văn như: Ngày Tết của Trâu xe, Những chiếc áo ấm, Trăng thức, Anh Cút Lủi, Mắt Giếc đỏ hoe…
Nhà văn Đoàn Giỏi từng nhận xét về truyện đồng thoại của Võ Quảng: “Đọc truyện anh Võ Quảng viết cho các em, tôi có cảm tưởng như mình trẻ lại, lùi về từ những ngày thơ với tất cả rung động, bồn chồn… ở mọi niềm vui, cũng như nỗi buồn của số phận từng nhân vật từ người lớn cho đến trẻ thơ… Sức mạnh nào của ngòi bút Võ Quảng đã tác động sâu xa đến tâm hồn người đọc như thế? Cũng có thể còn nhiều yếu tố khác, nhưng tôi nghĩ cái chính là tâm hồn và con người tác giả”.
Bộ ấn phẩm kỷ niệm 100 năm sinh Võ Quảng lần này có một cuốn đặc biệt là Võ Quảng - một đời thơ văn. Đây là tuyển tập thơ, văn, phê bình, chân dung giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về văn nghiệp, cuộc đời Võ Quảng. Sách do tác giả Châu Tấn (con trai nhà văn biên soạn).
Phần thứ nhất của sách là những tác phẩm thơ văn tiêu biểu nhất của Võ Quảng. Phần thứ hai tập hợp nhiều bài viết về văn học thiếu nhi của Võ Quảng. Nhà văn Võ Quảng đã có những bài viết tổng kết, định hướng, chia sẻ quan điểm về phương pháp sáng tác cho thiếu nhi.
Phần thứ ba của sách tuyển chọn những bài viết về con người, trang văn Võ Quảng. Ở đó, nhà văn hiện lên qua đánh giá của những cây bút như Nguyễn Tuân, Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Hà Ân, Phong Lê…