Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người di cư và tị nạn khác nhau như thế nào?

Những người tới khu vực khác để mưu cầu cuộc sống tốt hơn là dân di cư, trong khi đối tượng rời quê hương vì xung đột hay ngược đãi thuộc nhóm người tị nạn.

Hàng trăm người nhập cư từ Bắc Phi chen chúc trên thuyền với hy vọng cập bến châu Âu. Ảnh: AP
Hàng trăm người nhập cư từ Bắc Phi chen chúc trên thuyền với hy vọng cập bến châu Âu. Ảnh: AP

Người di cư

Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Anh Oxford, "dân di cư" là người di chuyển tạm thời hoặc vĩnh viễn từ một nơi/khu vực/quốc gia tới địa điểm khác. Người ta có nhiều lý do để di cư như kiếm việc hoặc mưu cầu một cuộc sống tốt hơn. Đó là trường hợp "di dân kinh tế". Ngoài ra, dân di cư còn gồm những người chuyển nơi ở vì lý do gia đình hay học tập. Những người chạy trốn xung đột hay ngược đãi là "dân tị nạn".

Dù thuật ngữ "di cư" mang nghĩa trung lập, nhiều người hiện dùng nó với nghĩa xấu nhằm truyền bá tư tưởng tiêu cực và thành kiến, theo International BTimes.

Trong tháng 8, đài truyền hình tiếng Arab Al Jazeera cho hay, họ sẽ không gọi những người vượt biên qua Địa Trung Hải là "dân di cư". "Định nghĩa di cư đã trở thành một thuật ngữ chung được dùng không chính xác cho cuộc khủng hoảng phức tạp đang diễn ra ở châu Âu", biên tập viên Barry Malone của Al Jazeera giải thích.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đa số người chết đuối khi tìm cách tới bờ biển châu Âu đều trốn chiến tranh, ngược đãi và nghèo đói.

Người ta cũng tranh luận về hai thuật ngữ "dân di cư" và "dân nhập cư". Di cư là hành động di chuyển của người dân từ vùng này sang vùng khác. Trong khi đó, nhập cư là tới quốc gia khác với ý định sống ở đó vĩnh viễn.

Theo thống kê từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), trong năm 2013, khoảng 232 triệu người - tức 3,2% dân số thế giới -  sống ngoài quốc gia nơi họ sinh ra. Tỷ lệ người di cư trong nước đang tăng theo thời gian.

Người tị nạn

Người đàn ông Syria ôm con nhỏ tại nhà ga Munich Hauptbahnhof của Đức sau cuộc bắt giữ của cảnh sát. Ảnh:
Người đàn ông Syria ôm con nhỏ tại nhà ga Munich Hauptbahnhof của Đức sau khi cảnh sát bắt Ảnh: Getty

Những người buộc phải rời đất nước để chạy trốn chiến tranh, ngược đãi hoặc thiên tai được gọi là tị nạn. Công ước về Người tị nạn năm 1951 là tài liệu pháp lý quan trọng để xác định rõ đối tượng nào là người tị nạn, quyền lợi của họ và nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia mà họ xin tị nạn.

Theo Công ước về Người tị nạn năm 1951, đó là đối tượng rời khỏi quê hương do lo sợ bị đàn áp vì lý do sắc tộc, tôn giáo, chính trị hay quốc tịch. 

Một trong những hệ quả rõ ràng nhất từ các cuộc xung đột trên thế giới là số lượng người dân tại các nước bất ổn buộc phải liều mạng vượt biển đang tăng cao. Ít nhất 2.000 người thiệt mạng khi tìm cách vượt qua Địa Trung Hải để tới các nước châu Âu trong năm 2015.

Những người di cư đến châu Âu thuộc đối tượng nào?

Cơ quan Tị nạn của Liên Hợp Quốc cho rằng, người tị nạn là đối tượng chủ yếu tới châu Âu trong 6 tháng đầu năm. "Phần lớn người tới châu Âu trong năm nay, đặc biệt là đến Italy và Đức, xuất phát từ các nước đang chìm trong chiến tranh. Những người tới từ nơi khác chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Họ là những người di cư", New York Times dẫn lời đại diện Cơ quan Tị nạn của Liên Hợp Quốc.

Người tị nạn nộp đơn và đang chờ sự phê chuẩn từ giới chức tại quốc gia mà họ muốn cư trú. Nếu giới chức từ chối đơn xin tị nạn hoặc họ không có tuyên bố bảo vệ khác trong khi chờ quyết định phê chuẩn, người tị nạn phải tự nguyện rời khỏi nước sở tại để trở về quê hương hoặc giới chức sẽ trục xuất họ.

Đức là quốc gia nhận nhiều đơn xin tị nạn nhất thế giới, với khoảng 173.100 đề nghị trong năm 2014. Mỹ xếp thứ hai với 121.200 đơn. Anh sẽ tiếp nhận 31.300 yêu cầu tị nạn mới trước cuối năm 2015. Trong khi chờ chính quyền sở tại chấp nhận đơn, 86% số người tị nạn trên thế giới nương náu tại các quốc gia đang phát triển.

Lối thoát nào cho khủng hoảng nhập cư châu Âu?

Thống nhất về chỉ tiêu tị nạn hoặc thành lập trung tâm xử lý ở châu Phi và Trung Đông là các cách giúp hạ nhiệt khủng hoảng nhập cư châu Âu.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm