AP dẫn lại báo cáo cho biết khi bị phát hiện, người đột nhập "đội chiếc mũ vải màu hồng hoặc đỏ nhạt, che một phần tai và gắn vài quả bóng nhỏ bên trên, trông giống như đôi tai chuột".
Một phi công từ phòng điều hành đã nhìn thấy người đàn ông trên đường băng. Chiếc mũ đội đầu đặc biệt khiến anh ta nghi ngờ nên gọi điện cho nhân viên an ninh.
Tổng thanh tra Không quân Sami Said nói: "Chúng tôi không hề biết rằng có một công dân lang thang trái phép trong căn cứ. Ông ta có thể loanh quanh trong đó lâu hơn nếu một phi công không phát hiện ra điểm bất thường".
Theo kết luận điều tra, người đột nhập không có ý định tấn công hay làm hại ai trong căn cứ Andrews. Ông lẻn vào chỉ vì "muốn xem máy bay".
Tổng thống Joe Biden trên chuyên cơ Không lực Một (Air Force One). Ảnh: AFP. |
Căn cứ Không quân Andrews sau đó mở cuộc điều tra nội bộ để xác định nguyên nhân và hạn chế tình trạng tương tự lặp lại. Cuộc điều tra phát hiện ra 3 sai phạm chính, chủ yếu là "lỗi do con người".
Theo báo cáo, nhân viên bảo vệ ở cổng đã xao nhãng và không tuân thủ quy định khi cho phép một chiếc xe đi vào căn cứ mà không kiểm tra giấy tờ.
Tiếp đến, người đột nhập vào được vòng trong của căn cứ vì cổng tự động bị trục trặc kỹ thuật. Ông ta tiến vào đường băng bằng cách chui qua hàng rào chắn.
Sau đó, ông lẻn chiếc máy bay dành riêng cho các quan chức hàng đầu mà không gặp bất cứ trở ngại nào, mặc dù ông ta không đeo phù hiệu cho phép vào khu vực hạn chế.
Sau đó, ông này đã kịp lên chiếc C-40, máy bay phản lực vận tải chủ yếu được sử dụng bởi các thành viên nội các, quốc hội và quân đội cấp cao khác.
Tuy nhiên, Tổng thanh tra Said khẳng định người đột nhập chưa thể tiếp cận Air Force One. Chiếc Boeing 747 chuyên phục vụ tổng thống nằm ở khu vực được canh gác chặt chẽ hơn.
“Khu vực đó đặc biệt an toàn”, ông nói.
Căn cứ Andrews là địa điểm quan trọng nằm ở phía nam thủ đô Washington, D.C. Đây là nơi các nhà lãnh đạo lên máy bay đi công tác chính thức, đồng thời cũng là địa điểm tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia trong chuyến công du đến Mỹ.