Đèo Prenn - tuyến đèo trọng yếu ra vào TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) theo quốc lộ 20, hướng từ TP.HCM lên, hiện đã được đóng cửa để phục vụ công tác nâng cấp, mở rộng.
Việc này nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân lẫn du khách trong tương lai, đặc biệt khi cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ được xây dựng trong thời gian tới.
Bất tiện và mất thời gian
Để chuẩn bị cho công tác khởi công, xây dựng, từ ngày 6/2, tuyến đèo Prenn đã được rào chắn tại 4 vị trí để ngăn các phương tiện lưu thông (trừ phương tiện phục vụ công trình, phương tiện của người dân được cấp phép).
Trong ngày đầu tiên thực hiện phong tỏa đèo Prenn, nhiều du khách, thậm chí cả người dân địa phương, bị “rối tung, rối mù” khi có nhu cầu di chuyển lên hoặc xuống tuyến đường cửa ngõ này.
Vị trí di chuyển rẽ từ đường cao tốc Liên Khương (đoạn gần chân đèo Prenn) nối với đường dẫn đến Khu du lịch hồ Tuyền Lâm để đến trung tâm Đà Lạt chưa có bảng hướng dẫn chi tiết trong ngày đóng đèo Prenn. Ảnh: Minh An. |
Theo ghi nhận, dù đã qua 2 ngày cơ quan chức năng phong tỏa đèo Prenn, tại các khu vực cửa ngõ, đường nối dẫn vào đèo hầu như không có bảng hướng dẫn các phương tiện di chuyển theo cách phân luồng mới. Điều này vô hình trung "làm khó" người dân, du khách khi di chuyển vào/ ra khỏi Đà Lạt.
Chị Ngọc Hà, một người dân sống lâu năm ở Đà Lạt, thắc mắc do không thấy bảng hướng dẫn chi tiết cho các phương tiện lưu thông theo hướng từ Đà Lạt xuống đèo từ các nút giao như vị trí đèn giao thông Kim Cúc nên chị vẫn di chuyển đến đầu đèo mới biết đường bị phong tỏa. Sau khi được chỉ dẫn, chị phải vòng ngược lại, di chuyển đến đèo Mimosa để đi xuống.
Tương tự, chị Trần Thanh Hải (du khách TP.HCM) khi nghe tin đóng đèo Prenn cũng phải liên lạc với người quen ở Đà Lạt để hỏi đường di chuyển đến Đà Lạt cho chuyến du lịch sắp tới.
Nữ du khách cho hay chị và gia đình cũng thường xuyên đi Đà Lạt du lịch nhưng hầu như chỉ đi theo hướng đèo Prenn nên không để ý đến tuyến đường khác.
“Sau khi được người quen chỉ dẫn, tôi quyết định sẽ đi theo hướng từ chân đèo Prenn nối vào đường vòng qua hồ Tuyền Lâm để đến trung tâm Đà Lạt, tránh bị vướng xe tải như đi đèo Mimosa. Việc di chuyển khá bất tiện và mất thời gian hơn”, chị Hải nói.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng cũng có nhiều phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện khi đóng cửa đèo Prenn. Tuy nhiên, dù đã cận ngày khởi công dự án, công tác lắp đặt biển báo, hướng dẫn người dân và khách vẫn chưa được kỹ càng.
Ông Võ Ngọc Minh Phát, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, cho biết đơn vị đã nhận được những phản ánh của người dân và du khách.
“Đơn vị đang phối hợp với các bên liên quan để bổ sung bảng chỉ dẫn, biển báo cho người dân nắm bắt thông tin, đồng thời cử thêm lực lượng canh trực ở nhiều chốt để hướng dẫn người dân di chuyển những ngày đầu đóng đèo”, ông Phát cho biết.
Đèo Prenn sẽ có 4 điểm dừng chân, ngắm cảnh
Đèo Prenn là cửa ngõ chính để ra vào Đà Lạt đối với phương tiện di chuyển theo hướng từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuyến đèo này được xây dựng từ những năm 1940 với quy mô thiết kế mặt đường chỉ rộng 7 m với hàng chục đoạn cong, khúc cua hiểm trở.
Ngày 10/2, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ khởi công dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đèo Prenn đã sử dụng hàng chục năm nay.
Người của đơn vị thi công đèo Prenn túc trực và liên tục hướng dẫn người dân di chuyển tại vị trí chốt chặn gần giữa đèo Prenn. Ảnh: Minh An. |
Theo thiết kế, tuyến đèo mới sẽ có chiều dài khoảng 7,4 km, điểm đầu là đoạn kết thúc của cao tốc Liên Khương - Prenn (cổng khu du lịch thác Prenn hiện tại) và điểm cuối là bến xe liên tỉnh Đà Lạt. Sau khi mở rộng, bề rộng mặt đường của tuyến cửa ngõ này được nâng lên thành 12,5 m với quy mô 4 làn ôtô, rộng gấp đôi so với nền đường hiện nay.
Ông Võ Ngọc Minh Phát cho biết ngoài mở rộng gấp đôi so với hiện tại, tuyến đèo Prenn còn được xây dựng 4 điểm dừng chân, ngắm cảnh dọc hai bên.
Tại đây, người dân và du khách có thể dừng xe để chụp hình, tham quan, ngắm cảnh đẹp thơ mộng của rừng thông hai bên đèo. Dọc hai bên đường cũng được bố trí hệ thống chiếu sáng, lề đường có hệ thống cống thoát nước, hành lang an toàn… theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
“Hiện, đã có đơn vị trúng thầu thi công dự án này và thời gian thi công dự kiến khoảng 10-11 tháng. Đến cuối năm 2023, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng”, ông Phát thông tin.
Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt có mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án sẽ góp phần giải tỏa phương tiện ùn tắc khi đi qua tuyến đèo này, nhất là vào các dịp lễ, Tết như hiện nay.
Luồng giao thông hướng từ TP.HCM đi Đà Lạt và ngược lại được chia thành 2 tuyến. Tuyến số 1 từ hướng cao tốc Liên Khương - Prenn lên đèo Mimosa (song song với đèo Prenn) và ngược lại đối với tất cả phương tiện. Với tuyến số 2, các phương tiện (trừ xe tải) di chuyển từ hướng cao tốc Liên Khương - Prenn, rẽ phải qua hầm chui và đi vào đường nối cao tốc với Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, đi theo các tuyến đường trong khu du lịch này để vào trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh: Sở TTTT Lâm Đồng. |
Sau khi đóng đèo Prenn, phương tiện đi lên Đà Lạt sẽ theo hướng đường đèo Mimosa cách đó khoảng 10 km và đường nối từ cao tốc Liên Khương - Prenn vào khu du lịch hồ Tuyền Lâm.
Ngoài ra, tại địa phận tổ dân phố 13, phường 3, TP Đà Lạt, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng phân luồng các phương tiện (trừ xe tải) di chuyển từ hướng cao tốc Liên Khương - Prenn rẽ phải qua hầm chui và đi vào đường nối cao tốc với khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (đường Hoa Đỗ Quyên) và đi theo các tuyến đường trong khu du lịch này để vào trung tâm TP Đà Lạt.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.