Chiều tối 18/6, khi thời tiết còn oi nóng, cơn mưa dông bất chợt đổ xuống TP.HCM trước giờ tan sở.
Phước Nhàn (24 tuổi, quận 10) trên đường từ công ty ở quận Tân Bình về đến nhà không kịp trú mưa, bị kẹt giữa làn xe đông đúc.
Một tuần trở lại đây thời tiết TP.HCM diễn biến thất thường. Ngoài vật dụng là chiếc mũ và áo khoác quen thuộc, cô gái này phải chuẩn bị áo mưa, giày đi mưa dự phòng. Những hôm trời mưa lớn, Nhàn phải nán lại công ty đến hơn 20h mới đạp xe về nhà.
Câu chuyện của nữ nhân viên văn phòng không phải cá biệt, bởi rất nhiều người dân TP.HCM cũng đang vật lộn khi gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày dưới thời tiết sáng nắng, chiều mưa.
Sáng nóng đổ lửa, chiều mưa như trút nước
Ngoài việc đi lại bất tiện, thay đổi thời tiết khiến Phước Nhàn gặp vấn đề về sức khỏe. Chạy xe dưới trời nắng nóng gay gắt vào buổi sáng, đến văn phòng ngồi máy lạnh cả ngày rồi chiều tối "đội mưa" về nhà khiến cô gái thường xuyên bị cảm cúm, sốc nhiệt, uể oải.
Phước Nhàn phải chuẩn bị thêm áo mưa, giày đi mưa mỗi ngày đi làm. Ảnh: NVCC. |
Cùng cảnh ngộ, Lê Ngọc (28 tuổi, quận 3), đang dự định đổi công việc mới vì không chịu nổi thời tiết "đỏng đảnh".
Làm việc liên quan đến tìm hiểu thị hiếu khách hàng cho một hãng nước giải khát, Ngọc phải đi khắp các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê tại TP.HCM. Di chuyển ngoài trời nhiều giờ liền nhưng thời tiết lúc nắng, lúc mưa khiến Ngọc thường đau đầu, mệt mỏi.
Thay vì ra khỏi nhà vào 8h như mọi khi, Ngọc dậy sớm đi làm lúc 7h để tránh trời nắng gắt. Tuy vậy, cô gái không thể về nhà sớm bởi những cơn mưa vào chiều tối khiến đường về nhà thêm nhiều khó khăn.
Vì thế, nữ nhân viên chia sẻ dự tính tìm một công việc văn phòng thay vì thường xuyên di chuyển ngoài đường, vì e ngại sức khỏe không thể đáp ứng.
Ngoài việc thời tiết diễn biến bất thường, vài năm trở lại đây, TP.HCM còn xảy ra mưa đá, lốc xoáy. Trận mưa đá gần nhất xuất hiện vào chiều 12/6, ở khu vực quận Tân Phú, Tân Bình.
Nhiều người chạy xe máy trên đường Tây Thạnh phải dừng lại vì những viên đá có đường kính khoảng 0,5 cm rơi xối xả vào người gây đau rát.
Vì sao thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều?
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết mưa đá thường xuất hiện ở Bắc Bộ do địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở TP.HCM và Nam Bộ do biến đổi khí hậu, nắng nóng sau đó mưa đột ngột.
Theo bà Lan, hiện tượng này xảy ra do mây đối lưu phát triển mạnh. Tại TP.HCM, nhiều ngày trước nắng nóng, oi bức làm cho độ bất ổn định của không khí lớn, hình thành mây giông. Khi mây giông lên tới độ cao nhất định, nước mưa bên trong đám mây ngưng tụ thành nước đá.
Người dân TP.HCM thường xuyên đối mặt với cảnh ngập nước mỗi khi có mưa. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Kim Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Nông Lâm TP.HCM, nhìn nhận trong thời điểm đầu mùa mưa, TP.HCM thường xuất hiện thời tiết cực đoan trên quy mô cục bộ và trong khoảng thời gian ngắn.
Hơn nữa, nhiệt độ không khí tại thành phố vào ban ngày thường rất cao, có nơi ghi nhận nắng nóng cục bộ. Đến chiều và tối, nhiều khu vực xuất hiện mưa rào và dông. Sự thay đổi đột ngột, xáo trộn mạnh trong hệ thống khí quyển có thể dẫn đến sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết như mưa đá, lốc xoáy, mưa nắng thất thường.
"Tình hình biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa và đặc biệt là tình trạng gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. TP.HCM cũng không nằm ngoài những tác động này", ông Lợi giải thích.
Vị chuyên gia này cho rằng biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động bất lợi đến đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là những người yếu thế, khó tiếp cận những nguồn hỗ trợ cần thiết trong trường hợp thiên tai xảy ra.
Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng, Phó phân Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận định biến đổi khí hậu tác động không ít tới sức khỏe người dân TP.HCM.
Mưa lớn gây ngập, thoát nước kém, ứ đọng ảnh hưởng đến vệ sinh và gia tăng dịch bệnh. Nhiệt độ tăng tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng y tế dưới điều kiện biến đổi khí hậu càng gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng nhu cầu cộng đồng nếu chưa có sự chuẩn bị.