Sáng 25/8, trước căn nhà số 69 Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM), nhiều người dân sinh sống xung quanh vẫn còn bàn tán về sự việc đồng hồ nước trong khu vực liên tục bị mất trộm.
Hộ của ông Nguyễn Văn Thuận đã 2 lần bị kẻ gian lợi dụng sơ hở lấy cắp đồng hồ nước, do căn nhà đang sửa chữa thiếu người trông coi, nơi đặt đồng hồ nước lại khuất góc camera.
Sau lần mất cắp vài ngày trước, thợ sửa chữa nhà ông Thuận đã đổ bê tông vào hộp đồng hồ, chỉ chừa khu vực xem số và van khóa, mở nước.
Người dân đổ bê tông vào hộp đồng hồ nước trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Anh Nhàn. |
Chưa mất đồng hồ nước lần nào, nhưng chị Thy (ngụ đường Điện Biên Phủ, quận 3) lo sợ cũng bị mất trộm vì hay thấy một thanh niên khả nghi lảng vảng quanh tuyến đường vào giữa đêm. Người phụ nữ này phải lắp thêm camera vào tuần trước để bảo vệ tài sản.
"Một số hộ dân trên tuyến đường đã bị mất cắp đồng hồ nước. Kẻ trộm thường lựa lúc vắng người, vào những nhà không có bảo vệ rồi lựa góc khuất camera để ăn trộm. Việc này diễn ra thường xuyên khiến người dân trong khu vực rất lo lắng", chị Thy bày tỏ.
Từ đầu tháng 8 đến nay, đã có 72 hộ dân trong khu vực cấp nước quận 1 và 3 báo bị mất đồng hồ nước.
Phía Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành nhận định tình trạng trộm đồng hồ là "có hệ thống". Công an quận 3 đã liên hệ Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành để lấy thông tin, truy tìm kẻ trộm cắp.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Đắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, nhận định việc người dân đổ bê tông vào hộp đồng hồ nước tuy bảo quản được tài sản nhưng sẽ gây khó khi sửa chữa, thay mới đồng hồ.
Sau sự việc các đồng hồ nước "không cánh mà bay", ngành cấp nước sẽ làm việc với công an để phối hợp tìm đối tượng trộm cắp tài sản công. Đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp với phía công an để đảm bảo an ninh cấp nước và một số vấn đề liên quan.
Đồng hồ đo số nước thủ công đang sử dụng cho hơn một triệu hộ dân tại TP.HCM. Ảnh: Anh Nhàn. |
Ông Đắng thông tin thêm hiện TP.HCM có khoảng 1,6 triệu hộ dân sử dụng nước. Nếu thay thế đồng hồ cơ ghi số thủ công bằng đồng hồ tự động sẽ tạo nhiều thuận lợi.
Khi đó, người dân sẽ theo dõi được lượng nước để có phương án tiết kiệm, nhân lực ngành nước cũng không phải đến tận nơi để ghi số thủ công nước như hiện nay. Tuy vậy, giá thay đồng hồ nước thông minh lên tới 2,5 triệu đồng, trong khi đồng hồ thủ công chỉ 600.000 đồng nên ngành nước không đủ nguồn lực.
"Để thay thế cho khoảng 1,6 triệu hộ dân trên địa bàn thành phố thật sự ngành nước chưa thể làm được", ông Đắng nói và cho biết các công ty cấp nước thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã dần thí điểm dùng công tơ điện tử ở một số địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả.