Bận rộn với công việc văn phòng, Phạm Minh Thúy (28 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) thừa nhận rất lười nấu nướng. Chị hài lòng với lựa chọn đặt thức ăn qua ứng dụng để tiết kiệm thời gian, tiện lợi công việc.
Song một tuần gần đây, Thúy cho biết có phần lung lay quan điểm khi vật giá tăng vọt. Cước phí đặt món tại các quán yêu thích của chị cũng bất ngờ lao nhanh khiến người phụ nữ suy nghĩ lại việc nấu ăn tại nhà.
Không riêng Thúy, trong bối cảnh vật giá leo thang, giá xăng nhiều lần lập "đỉnh", giới sinh viên, người nội trợ, nhân viên văn phòng cho biết họ phải điều chỉnh lại mức chi tiêu để thích nghi với hoàn cảnh.
Cân nhắc chi trả hợp túi tiền
Gần đến giờ nghỉ trưa, Phạm Minh Thúy dành ra ít nhất 20 phút để đặt món ăn. Thúy cho hay sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy là do chị phải cân nhắc chọn quán có nhiều ưu đãi.
“Có hôm thèm canh bún, tôi đặt ngay tô 34.000 đồng; thế nhưng khi nhìn lại, giá giao hàng lên 37.000 đồng cho 5,4 km, phí ship đắt hơn tô bún, tôi bỏ cuộc luôn. Tôi đành chọn món khác để có thể áp mã giảm giá hoặc tôi rủ thêm đồng nghiệp đặt cùng để giảm tiền giao hàng”, Thúy chia sẻ.
Song, trước tình trạng giá cả dịch vụ lẫn tiêu dùng tăng, việc đặt điểm tâm qua ứng dụng trở nên áp lực, Thúy cho biết đang cân nhắc việc tự nấu ăn mang theo để chủ động chi phí hơn.
“Nhìn chung, lúc này thứ gì cũng tăng giá, trước đây tôi đổ xăng 50.000 đồng đi được 5 ngày đến một tuần, giờ chắc đi được 3 hôm phải đổ tiếp. Chưa kể, mình còn chi trả nhiều khoản khác không riêng tiền ăn uống. Việc các ứng dụng thu cước cao hơn cũng hợp lý; tuy nhiên, cá nhân tôi sẽ giảm sử dụng để tiết kiệm hơn”, người phụ nữ nói.
Làm việc tại một công ty truyền thông, Lê Thanh Hiền (ngụ quận 4) cho biết hay đặt thức ăn qua Grab. Trước thông tin ứng dụng đặt xe, đồ ăn ưa thích tăng cước phí kể từ ngày 10/3, Hiền cho rằng cần so sánh giá giữa nhiều hãng để cân nhắc lựa chọn dịch vụ rẻ hơn cho hợp túi tiền.
Lê Thanh Hiền có thói quen sử dụng đặt xe và thức ăn qua ứng dụng. Ảnh: Thư Trần. |
Trong khi đó, Thế Cường (sinh viên năm 3, Đại học Văn Lang TP.HCM) cho biết đã giảm tần suất đi xe công nghệ cũng như đặt thức ăn qua app gần đây. Do tình hình chung xăng tăng, Cường cho rằng không thể trách giá cước các dịch vụ tăng. Tuy nhiên, theo nam sinh này, cước phí hiện tại ở các hãng công nghệ vẫn ở mức chấp nhận được.
“Vừa rồi, tôi đặt xe hai chiều cho quãng đường từ nội thành ra Bình Chánh. Trong đó, lần ra Bình Chánh là 66.000 đồng lúc 18h, lần từ Bình Chánh vào nội thành là 46.000 đồng lúc 13h, chỉ khác khung giờ đặt xe. Nếu so với giá xăng hiện nay thì tôi thấy mức này khá rẻ”, Cường so sánh.
Trước thông tin cước dịch vụ từ xe công nghệ tăng lên do xu hướng thị trường, Cường mong muốn mức tăng vẫn trong tầm kiểm soát. Nam sinh cũng chọn tự đi chợ, nấu ăn tại nhà để tiết kiệm.
Thay đổi thói quen
Chị Bùi Ngọc Anh (34 tuổi, nội trợ, ngụ quận 10) cho biết đã chuẩn bị tâm lý khi thị trường mỗi lúc càng tăng giá. Để chi tiêu hợp lý, chị Ngọc Anh giảm số lần đi chợ trong tuần và cân nhắc chọn thực phẩm có giá tốt hơn ở nhiều cửa hàng khác.
“Mình hỏi đến giá bó rau còn tăng. Người bán họ cũng toàn than giá bị đội lên. Giờ mình ăn đến đâu, mua đến đó, giá thực phẩm tăng nhưng cũng đâu thể nhịn ăn. Cá nhân tôi sẽ xem nơi nào bán rẻ hơn thì mua, tiết kiệm vài nghìn vẫn là tiết kiệm”, chị Ngọc Anh cho hay.
Nguyễn Thị Thúy An (25 tuổi, freelancer) thường dành thời gian làm việc tại quán cà phê. Hơn một tháng qua, cô cho biết đã chi tiêu vượt quá mức hoạch định vì xăng tăng.
"Mỗi ngày, tôi chi trung bình 120.000-150.000 đồng tiền cà phê để ngồi làm việc. Ngoài ra, chi phí cho 3 buổi ăn trong ngày tiết kiệm nhất cũng 130.000 đồng. Xăng đổ đầy bình trước đây chỉ khoảng 80.000 đồng, giờ cỡ 120.000 đồng và tôi cũng cảm giác xe mình rất mau hết xăng...", An nói.
Nhiều người tại TP.HCM ưa thích làm việc tại quán cà phê. Ảnh: Thư Trần. |
Nhận thấy mức chi bất hợp lý so với thu nhập, An cho biết cô đã giảm ngồi làm việc ở quán cà phê. Thay vào đó, một tuần, cô chỉ thay đổi không gian làm việc 2-3 ngày, từ chối nhiều buổi hẹn không cần thiết và suy nghĩ về việc nấu nướng.
Còn chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ quận Gò Vấp, chuyên viên lĩnh vực vận tải đường thủy) cho biết vẫn thường dùng taxi công nghệ gặp gỡ đối tác. Song, do nhà ở xa cơ quan (quận 7), chị vẫn chọn xe máy để di chuyển đến nơi làm việc.
Trước tình hình xăng tăng giá và chưa có dấu hiệu chững lại, người phụ nữ đành thay đổi thói quen di chuyển. “Trong khi thu nhập của mình không tăng, thậm chí bị cắt giảm lương thì giờ thị trường xăng dầu tăng giá chóng mặt, ảnh hưởng đến tất cả mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ… Nếu cước phí taxi đội lên nhiều quá, tôi sẽ chọn đi xe máy. Còn nếu giá xăng tăng cao hơn, có thể tôi chuyển sang đi xe buýt chẳng hạn”, chị Huyền lên kế hoạch.
Ông Dũng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết thu nhập bị ảnh hưởng nhiều kể từ khi xăng tăng. Ảnh: Thư Trần. |
Chỉ hơn một tháng, người dân TP.HCM liên tiếp chứng kiến giá xăng dầu không ngừng lập "đỉnh mới". Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết ngay sau ngày điều chỉnh giá 1/3, giá xăng dầu đã biến động mạnh.
Dự đoán giá xăng trong nước tăng 2.100-2.400 đồng/lít, tức tiến sát mốc 30.000 đồng/lít. Từ nay đến ngày 11/3, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng trong nước sẽ không dừng ở mức tăng 2.100-2.400 đồng/lít.
Để kìm giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế kiến nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn hoặc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Bùi Xuân Vũ, hiện nay Bộ Tài chính kiến nghị giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng nhưng giá dầu thế giới đang tăng rất cao. "Xăng trong nước dự báo tăng hơn 2.000 đồng/lít nhưng chỉ giảm 1.000 đồng/lít thì 'không thấm vào đâu'", ông nhìn nhận.