Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hàng quán đóng cửa lúc 21h - khách bức xúc, nhân viên khó xử

Chủ quán và khách hàng ở Hà Nội hụt hẫng khi phải đóng cửa trước 21h. Trong khi đó chuyên gia cho rằng virus không hoạt động theo giờ nên việc đóng cửa sớm không có nhiều ý nghĩa.

hang quan dong cua truoc 21h ha noi anh 1

20h40 ngày 8/3, Nguyễn Minh Khánh (sinh năm 1997) và bạn gái rục rịch rời quán cà phê Ban Công (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước khi nhân viên phục vụ thông báo cơ sở này chuẩn bị đóng cửa.

Cả hai tỏ ra tiếc nuối khi phải ra về sớm hơn dự định. Trước đây, những cuộc hẹn hò của họ thường kéo dài đến hơn 22h.

“Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi muốn đưa bạn gái đi chơi lâu hơn một chút nhưng quán đóng cửa sớm quá. Giờ về thì cũng lỡ cỡ vì vừa mới ra đường lúc 20h. Có lẽ tôi sẽ yêu cầu đồ uống mang đi và bánh rồi ra bờ hồ ngồi”, Minh Khánh nói.

Không biết ngồi đâu sau 21h

Tối 8/3, hàng quán Hà Nội đông nghịt do người dân đổ ra đường để ăn uống và mua sắm dịp Quốc tế Phụ nữ.

Trên phố Gầm Cầu, con phố nổi tiếng với những hàng lẩu, nướng ăn đêm, từ 20h40, các chủ hàng đã thông báo không nhận khách. Một số bàn phía ngoài vỉa hè được yêu cầu thanh toán sớm. Khách vừa đứng lên, một nhân viên nhanh chóng bê chồng bát đĩa đi rửa và cất ngay chiếc bàn nhựa vào trong. Nguyên nhân được họ lý giải là 21h quán phải đóng cửa để tuân thủ theo yêu cầu phòng, chống dịch của chính quyền thành phố.

“Chỉ được chậm một chút để dọn dẹp thôi, nếu để khách ngồi muộn là có công an phường đến nhắc nhở và xử lý ngay”, chị Thủy, chủ quán chuyên về đồ nướng, vừa nói vừa tranh thủ dọn dẹp.

Trong khi đó, dù chưa tới 21h, Chu Thúy Quỳnh cùng 2 người bạn ở quận Tây Hồ thất vọng khi đi tìm đồ ăn nhưng đã bị 2-3 cửa hàng từ chối do “đến quá muộn”.

Quỳnh cho hay mình tan làm và trở về nhà lúc 19h. Sau khi tắm rửa thay đồ xong lúc 19h45, cả nhóm bắt đầu ra phố để ăn uống nhưng đến nơi đều bị từ chối do các quán sắp đến giờ đóng cửa. Phương án được Quỳnh đưa ra là về nhà và gọi ship đồ ăn bởi gần như chẳng con nơi nào có thể ngồi lại lúc này.

hang quan dong cua truoc 21h ha noi anh 2

Tuấn Quang Vũ cùng bạn gái đi dạo sau khi quán cà phê chuẩn bị đóng cửa. Ảnh: Hồng Quang.

Tại một tiệm cà phê trên phố Đinh Liệt, Tuấn Quang Vũ (sinh năm 1998, ở Hoàng Mai) cùng bạn gái đi ăn bữa tối ở ngoài nhân dịp 8/3. Trước những tin tức về con số F0 kỷ lục qua từng ngày, cậu bạn cho biết mình không lo lắng nhưng cũng không chủ quan. Vũ chọn vị trí ngồi không quá sát, có khoảng trống với nhóm khách khác.

Biết quán phải đóng cửa trước 21h, Vũ cho hay không còn cách nào khác bởi chiều nay, cậu và bạn gái vẫn đi làm. Phải về sớm, có chút thất vọng nhưng đôi bạn cho biết sẽ cùng nhau đi dạo thêm.

Virus không hoạt động theo giờ, quan trọng nhất là ý thức người dân

20h25, Nguyễn Huy Hoàng, quản lý tiệm cà phê Ban Công (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thông báo nhân viên pha chế những đơn cuối cùng và ngừng nhận khách.

“Anh thông cảm, bên em đã dừng nhận khách bởi 21h quán đóng cửa rồi ạ”, chàng quản lý nói với một số khách hàng cố nán lại ở những bàn phía ngoài, nơi có tầm view nhìn ra phố cổ.

Hoàng cho hay nhà hàng do anh quản lý luôn tuân thủ quy định về phòng, chống dịch. Trước đây, tiệm cà phê được phép mở cửa tới 2h sáng cùng với các hàng quán trên phố Tạ Hiện. Tuy nhiên, từ ngày có dịch, giờ mở cửa được thu ngắn lại tới 23h và hiện là 21h.

hang quan dong cua truoc 21h ha noi anh 3

Một nhóm bạn lựa chọn trở về nhà bởi họ không biết nên đi đâu sau 21h. Ảnh: Hồng Quang.

So với thời gian trước, hiện doanh thu cửa hàng giảm gần một nửa. Lý do được Hoàng đưa ra là phần lớn khách hàng có thói quen bắt đầu buổi ăn tối hoặc uống cà phê vào khoảng 20h-20h30. Trong khi đó, để hoàn tất việc đóng cửa lúc 21h, cửa hàng phải ngừng nhận khách trước đó 35 phút và thực hiện thanh toán, dọn dẹp lúc 20h45.

"Rõ ràng, việc này giới hạn lượng khách và làm người trải nghiệm dịch vụ cảm thấy không thoải mái", anh nói và cho hay từng có những vị khách vừa vào ngồi chưa đầy 20 phút nhưng quán vẫn phải mời về.

Trong khi đó, Vũ Minh Đức, chủ một quán ăn nhanh trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), cho hay anh mong muốn chính quyền sẽ nới lỏng thêm thời gian bán hàng.

“Sau một thời gian dài kiệt quệ vì dịch, chúng tôi muốn được tăng thêm 1-2 tiếng bán buổi tối bởi đây là thời gian có doanh thu cao nhất. Việc đảm bảo phòng dịch nếu đã thực hiện nghiêm đến 21h thì thêm 2 tiếng không khác gì nhau”, anh Đức cho hay.

hang quan dong cua truoc 21h ha noi anh 4

Hàng quán tại tòa nhà hàm cá mập không còn một bóng khách nhưng đường phố vẫn đông đúc người qua lại lúc 21h15. Ảnh: Hồng Quang.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá việc quy định hàng quán đóng cửa trước 21h là quá sớm và không có nhiều ý nghĩa trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nga lý giải virus SARS-CoV-2 không hoạt động theo giờ, nguy cơ lây nhiễm trước và sau 21h không khác nhau. Hơn nữa, hiện nay hầu hết người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ, tiến tới coi Covid-19 là bệnh lưu hành, do vậy chính quyền Hà Nội cần xem xét nới lỏng thời gian hoạt động của hàng quán thêm 1-2 giờ để đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân và góp phần phục hồi cho hoạt động kinh doanh, tiêu dùng.

“Khách hàng khi đi ăn cần tránh tiếp xúc quá gần với người lạ, hàng quán cần đảm bảo thông thoáng, sát khuẩn và phòng dịch cho nhân viên đầy đủ”, ông Nga khuyến cáo và nhấn mạnh thêm ý thức của người dân là điều quan trọng nhất trong phòng, chống dịch.

Khi nào có thể coi Covid-19 như bệnh thông thường?

Với đề xuất cho F1, F0 làm việc, dừng công bố số ca mắc Covid-19 mỗi ngày, có người mong muốn Covid-19 sớm được coi là bệnh thông thường, nhưng có ý kiến cho rằng “chưa đến lúc”.

Hồng Quang

Bình luận

Bạn có thể quan tâm