"Chỉ mong tuyến metro số 2 sớm khởi động để ổn định cuộc sống", bà Hiền (ngụ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) chia sẻ khi biết thông tin TP.HCM tiếp tục xin lùi tiến độ dự án.
Trong trí nhớ của người phụ nữ 54 tuổi, gia đình đã bàn giao mặt bằng từ hai năm trước. Những ngày đầu gia đình bà Hiền được yêu cầu bàn giao mặt bằng, cả nhà trải qua nhiều lần họp với chính quyền mới đưa ra quyết định giải tỏa gần 40 m2. Căn nhà lùi sâu vào khoảng 10 m.
Gia đình bà Hiền là một trong gần 600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi metro số 2, đến nay gần 500 hộ đã giao lại mặt bằng cho dự án. Những hộ dân được yêu cầu phá dỡ một phần hoặc toàn bộ ngôi nhà.
Sau khi giải tỏa, nhiều căn nhà trở thành "siêu mỏng", có những gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Sau quãng thời gian dài vẫn chưa thấy ngày metro số 2 khởi công, nhiều gia đình trong dự án, vốn có nhà mặt tiền, đã sửa sang lại đoạn đường phía trước để mong kiếm thêm thu nhập.
Trăn trở
Bà Hiền kinh doanh cửa hàng đồ ăn thức uống trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Sau khi bàn giao một phần đất cho dự án, căn nhà chỉ rộng hơn 22 m2 trở nên chật chội so với nhu cầu sử dụng của 5 người lớn.
Gia đình sửa sang lại phần phía trong ngôi nhà, cố gắng tận dụng mặt tiền để buôn bán thêm. "Chờ ngày khởi công mãi không đến, tôi tiếc phần mặt tiền phía trước rộng thoáng. Đoạn đường lâu ngày dần trở nên nhếch nhác, lởm chởm gạch đá. Nếu mà được tiến ra bên ngoài buôn bán thêm chút thì cũng đỡ phần nào cho gia đình", người phụ nữ chia sẻ.
Lâu ngày không sử dụng, người dân thường mang đồ cũ hay rác vứt ở các cột điện trước nhà. Bà Hiền thỉnh thoảng phải đi quét dọn, để tránh bốc mùi và ảnh hưởng đến việc khách vào quán.
"Tôi vẫn mong ngày tuyến metro số 2 khởi công, sớm hoàn thành thì mặt đường phía trước sẽ được tận dụng, có đông khách qua lại hơn", bà Hiền nói.
Người dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám sửa sang nhà cửa sau khi bàn giao mặt bằng. Ảnh: Vân Trang. |
Cũng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, ở quận Tân Bình, ông Tân trăn trở chờ ngày tuyến metro số 2 đi vào hoạt động. Xung quanh nơi ông Tân sinh sống, người dân đã bàn giao mặt bằng.
Căn nhà sau khi bàn giao cho dự án một phần, rộng hơn 25 m2. Dù đã sửa sang đồ đạc, gia đình ông Tân vẫn khó cho thuê mặt bằng vì nhiều khách thấy phần diện tích kinh doanh quá hẹp. Không đành bỏ mặt tiền, ông Tân gắng xoay xở mở một quán giải khát.
"Tôi tận dụng mặt tiền phía trước, dựng thêm vài cái ghế kết hợp cùng không gian trước nhà để buôn bán thêm. Chỉ mong dự án metro 2 sớm khởi công, khu vực này phát triển hơn thì giao thông cũng được thuận tiện", người đàn ông cho biết.
Chờ đợi
12 năm trước, metro số 2, từ chợ Bến Thành đi Tham Lương, dài 11 km, được duyệt với mức đầu tư 1,3 tỷ USD, trở thành tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở TP.HCM, sau metro số 1. Tuyến metro được xây dựng nhằm giải quyết vấn đề kẹt xe ở cửa ngõ phía tây bắc thành phố.
Tuyến tàu điện số 2 đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thu hồi 251.136 m2 và 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 85,2%, trong đó các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Các trường hợp còn lại chưa bàn giao thuộc quận 3, do hệ giá đất cụ thể chưa được phê duyệt, một nửa hộ chưa chấp nhận giá bồi thường.
Tuyến metro dự kiến với 9 ga ngầm, 1 ga trên cao, 1 depot. Đoạn đi ngầm 9,2 km, còn lại chạy trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot (nơi sửa chữa, bảo trì tàu).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư), tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 (năm 2010) là 1,37 tỷ USD được điều chỉnh lên 2,134 tỷ USD do phải điều chỉnh thiết kế cơ sở.
Năm 2012, MAUR kí hợp đồng tư vấn với IC cho dự án, chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn A được thực hiện theo hình thức trọn gói, trị giá gần 13 triệu euro để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu cho các gói thầu chính, giai đoạn B trị giá hơn 31 triệu euro nhằm giám sát thi công.
Việc đàm phán tiến hành đến cuối năm 2019 gặp nhiều trở ngại và đến tháng 3/2022 thì chấm dứt. Chủ đầu tư phải thêm thời gian đấu thầu tìm đơn vị thay thế để làm tiếp các công việc dang dở của tư vấn cũ. Do đó, TP.HCM xin lùi thời gian khởi công tuyến tàu điện ngầm đến năm 2025, hoàn thành năm 2030, chậm thêm 4 năm so với kế hoạch lúc trước.
Sơ đồ tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Đồ họa: Minh Hồng. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm tiến độ dự án metro số 2 đã dẫn tới năm hiệp định vay vốn của các nhà tài trợ hết hạn giải ngân, làm phát sinh chi phí. Trong đó có hai hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hai hiệp định vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và một hiệp định vay Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Trao đổi với Zing, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng nếu kéo dài thời gian triển khai tuyến metro số 2 sẽ dẫn đến việc bị đội vốn.
Ngoài ra, tuyến metro số 2 lùi khởi công đến năm 2025 sẽ ít nhiều ảnh hưởng đời sống dân sinh, nhất là khu vực đoạn đường đi qua; đồng thời tác động đến sự phát triển chung của thành phố trong giai đoạn 2025-2030.
"Hoàn thành xong tuyến metro số 2 cũng chưa xác định chính xác thời gian được đưa vào sử dụng. Việc này ảnh hưởng chung đến kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay", TS Phạm Viết Thuận nói.
Ông Thuận cho rằng khi nhà thầu nước ngoài chấm dứt hợp đồng, chủ đầu tư trở nên bị động và mất thời gian để tìm nhà thầu mới.
"Để giảm thiểu sự chậm trễ, cơ quan thẩm quyền cần xem xét cơ chế nhà thầu liên doanh theo tỷ lệ nguồn vốn đối ứng trong tổng thầu EPC của tuyến metro số 2. Ngoài ra, cũng nên xem xét và khuyến khích sử dụng liên danh nhà thầu trong nước và quốc tế trong tư vấn, thiết kế đến thi công", ông Thuận thông tin thêm.
TP.HCM chuẩn bị khởi công hạ tầng metro số 2
Trong cuộc họp sáng 1/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin thành phố đang đẩy nhanh tiến độ của tuyến metro số 1 và cố gắng hoàn thành trong năm 2023, đồng thời chuẩn bị khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật của tuyến metro số 2 vào cuối năm nay. Lãnh đạo TP.HCM cũng cam kết địa phương sẽ đẩy nhanh thủ tục, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.