Randy Gardner đã thức trắng 264 giờ liên tục để phá kỷ lục thế giới. Ảnh: LIFE. |
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1963. Trong lúc tìm ý tưởng cho dự án hội chợ khoa học, Randy Gardner và bạn thân Bruce McAllister (17 tuổi) đã quyết định lập kỷ lục là người thức lâu nhất thế giới. Khi đó, kỷ lục này do một DJ ở Honolulu nắm giữ sau khi thức 260 giờ, tương đương gần 11 ngày.
Quyết định liều lĩnh đánh cược cả sức khỏe
“Ban đầu, chúng tôi muốn tìm hiểu liệu không ngủ, con người có tạo ra siêu năng lực. Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng không có cách nào làm được điều đó”, McAllister nói với BBC trong cuộc phỏng vấn năm 2018. Vì vậy, cả hai đã quyết định thử không ngủ để xem ảnh hưởng của việc thiếu ngủ đến khả năng nhận thức và thành tích trên sân bóng rổ.
Họ đã tung đồng xu để quyết định ai là người phải thức để làm thí nghiệm. Kết quả là McAllister thắng. Nhưng sự ngây thơ của hai chàng thanh niên thể hiện rõ trong cách họ lên kế hoạch quan sát quá trình Gardner không ngủ, BBC nhận định.
Trong suốt quá trình thì nghiệm, Randy Gardner không dùng bất kỳ chất kích thích nào nhưng cần phải có bạn bè xung quanh để giữ mình tỉnh giấc. Ảnh: LIFE. |
“Chúng tôi như hai đứa ngốc. Tôi cũng thức cùng Gardner để theo dõi cậu ấy”, McAllister nhớ lại. Sau đó, hai anh chàng nhận ra rằng họ cần thêm người tham gia nên đã nhờ một người bạn khác có tên Joe Marciano để giúp đỡ.
Ngay sau khi Marciano tham gia, nhà nghiên cứu về giấc ngủ William Dement từ Đại học Stanford đã đến. Nhà nghiên cứu đọc được thí nghiệm của Randy Gardner và Bruce McAllister trên một tờ báo ở San Diego. Ông ngay lập tức muốn tham gia.
“Vào thời điểm đó, tôi có lẽ là người duy nhất trên thế giới thực sự thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ. Bố mẹ Gardner rất lo lắng điều này sẽ gây hại cho cậu ấy, vì vẫn chưa ai kết luận liệu con người có chết nếu mất ngủ thời gian dài hay không”, William Dement nói.
Sau vài ngày thí nghiệm, Gardner vẫn lạc quan và có vẻ không bị suy sụp nặng nề. Tuy nhiên, ngày tháng trôi qua, những thí nghiệm được thực hiện trên cơ thể Gardner đã mang lại nhiều kết quả bất ngờ.
Hậu quả vẫn còn sau 50 năm
Sau 3 ngày không ngủ, anh chàng bắt đầu gặp vấn đề về khả năng tập trung và mất trí nhớ ngắn hạn. Gardner còn được cho là mắc chứng ủ rũ, hoang tưởng và ảo giác.
Gardner mắc chứng hoang tưởng, ảo giác sau 3 ngày không ngủ. Ảnh: LIFE. |
Họ kiểm tra vị giác, khứu giác và thính giác của anh và phát hiện ra rằng khả năng nhận thức và cảm giác của anh đã bị ảnh hưởng. "Đừng bắt tôi ngửi thấy mùi đó, tôi không thể chịu được mùi đó”, Gardner nói trong lúc thực hiện thí nghiệm.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khả năng chơi bóng rổ của Gardner lại được cải thiện. “Thể chất cậu ấy rất khỏe mạnh. Vì vậy, chúng tôi luôn cố giữ cậu ấy thức bằng cách chơi bóng rổ, chơi bowling hay những việc tương tự. Nếu nhắm mắt lại, cậu ấy sẽ ngủ ngay lập tức”, McAllister kể lại. Thời gian ban đêm còn khó khăn hơn vì không có việc gì để làm. Họ đã phải trải qua khoảng thời gian khủng khiếp bởi phải luôn giúp Gardner tỉnh táo.
Vào lúc đó, giới truyền thông bắt đầu chú ý của đến thí nghiệm của 2 thanh niên. Nó trở thành một trong những câu chuyện được xuất hiện nhiều nhất trên báo Mỹ thời bấy giờ. Song, qua ngòi bút phóng viên, cuộc thí nghiệm được miêu tả như một trò đùa, trong khi họ đã rất nghiêm túc và thành công. Cuối cùng, sau 264 giờ không ngủ, kỷ lục thế giới đã bị phá vỡ. Cuộc thí nghiệm kết thúc.
Nhưng thay vì nghỉ ngơi tại nhà, Gardner được đưa đến một bệnh viện hải quân để theo dõi sóng não. “Sau khi hoàn thành, cậu ấy ngủ liền tù tì 14 giờ và chỉ thức dậy bởi vì phải đi vệ sinh. Đêm đầu tiên, tỷ lệ giấc ngủ ở trạng thái REM (ngủ mơ) đã tăng vọt. Vào đêm hôm sau, nó giảm nhẹ và vài ngày sau lại trở lại bình thường”, McAllister nhớ lại.
Kết quả của Gardner từ bệnh viện kết luận rằng “bộ não của cậu ấy đã hoạt động suốt thời gian qua”. Khi một phần não ngủ, một phần còn lại sẽ thức. Gardner chia sẻ: “Tôi chỉ ngủ được hơn 14 tiếng. Tôi nhớ khi tỉnh dậy, tôi thấy choáng váng nhưng không đến mức choáng váng hơn người bình thường.
Hậu quả để lại sau cuộc thí nghiệm là chứng mất ngủ kinh niên. Ảnh: BBC. |
Lúc đầu, chàng trai dường như không bị ảnh hưởng gì sau cuộc thí nghiệm. Tuy nhiên, sau đó, ông thừa nhận rằng mình đã mắc chứng mất ngủ không thể chịu đựng được trong hàng thập kỷ. "Tôi cảm thấy tồi tệ mỗi khi rảnh rỗi. Mọi thứ xung quanh khiến tôi khó chịu, cảm giác cứ như đang tiếp tục cuộc thí nghiệm tôi đã làm cách đây 50 năm”, Gardner năm 60 tuổi tâm sự.
Ông cho biết mình không thể ngủ được. Ông nằm trên giường thao thức 5-6 tiếng mới có thể vào giấc nhưng chỉ khoảng 15 phút sau lại thức giấc. “Tôi tự an ủi bản thân rằng chuyện này sẽ qua thôi, nhưng mọi thứ không dễ dàng như vậy”, Gardner nói. Chia sẻ với NPR, ông bày tỏ mình rất hối hận về thí nghiệm bồng bột ngày xưa.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.