Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lần đầu tiên AI thắng con người trong trò chơi mê cung

Máy tính đã đánh bại con người ở nhiều môn đấu trí như poker, cờ vây, cờ vua. Giờ đây, chúng còn có thể rèn luyện để vượt qua chúng ta trong các trò chơi thực tế.

AI chỉ mất 6 giờ để hoàn thành trò chơi, nhanh hơn con người 6%. Ảnh: Canva.

Theo Bloomberg, các nhà nghiên cứu tại ETH Zurich đã tạo ra một robot AI có tên CyberRunner. Nó đã chiến thắng con người trong trò chơi mê cung nổi tiếng Labyrinth.

Cụ thể, robot trí tuệ nhân tạo đã điều khiển một quả bóng kim loại nhỏ xuyên qua mê cung bằng cách nghiêng bề mặt của nó, tránh các lỗ trên bảng, làm chủ món đồ chơi chỉ trong 6 tiếng đồng hồ.

CyberRunner là một trong những AI đầu tiên đánh bại con người trong các cuộc thi đấu vận động trực tiếp, tác giả của bài nghiên cứu - Raffaello D'Andrea và Thomas Bi - cho biết.

Trong thí nghiệm, robot của họ sử dụng hai núm điều khiển trò chơi. Điều này đòi hỏi kỹ năng vận động tinh và khả năng định hướng không gian đa chiều. Bản thân trò chơi mê cung còn yêu cầu người chơi phải tư duy chiến lược, quyết định nhanh chóng và hành động chính xác.

Theo Bloomberg, CyberRunner học hỏi thông qua trải nghiệm và sử dụng thuật toán máy học để chơi trò chơi giỏi hơn. Sau đó, nó dần nảy ra các chiến lược và thậm chí thành thạo cách sử dụng bàn tay vận động.

Trong quá trình này, điều bất ngờ là nó đã phát hiện ra mẹo “gian lận” bằng cách bỏ qua một vài phần trong mê cung. Các nhà nghiên cứu đã phải can thiệp và buộc nó không được đi đường tắt để đến đích.

AI thang con nguoi anh 1

CyberRunner là một trong những AI đầu tiên đánh bại con người trong các cuộc thi đấu vận động trực tiếp. Ảnh: ETH Zurich.

Sau khi rút kinh nghiệm từ những sai lầm và cố gắng gian lận trong trò chơi, robot đã hoàn thành tất cả nhiệm vụ chỉ trong 6 giờ. Con số này ít thời gian con người cần để giành chiến thắng. Theo các nhà nghiên cứu, kết quả của robot AI vượt trội hơn 6% so với kỷ lục nhanh nhất từng ghi nhận bởi con người.

Thành công này được công bố trong một bài báo khoa học hôm 19/12. Họ đã xây dựng robot của mình dựa trên tiến bộ trong lĩnh vực học tăng cường dựa trên mô hình (model-based reinforcement learning). Đây là một kỹ thuật của học máy. Trong đó, AI học cách hành xử trong môi trường thực tế bằng cách thử và mắc lỗi sai.

“Chúng tôi tin rằng đây là nơi thử nghiệm lý tưởng cho nghiên cứu về máy học và AI trong thế giới thực”, giáo sư Raffaello D'Andrea chia sẻ.

Theo các nhà nghiên cứu, robot công nghiệp đã làm các nhiệm vụ sản xuất lặp đi lặp lại, đòi hỏi độ chính xác trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng khả năng thay đổi nhanh chóng tùy theo tình huống thực tế như CyberRunner là một bước tiến mới.

Hệ thống AI này có thể suy nghĩ, học hỏi và tự phát triển trong các nhiệm vụ cần vận động thể chất. Đây vốn là những tác vụ được cho rằng chỉ có thể đạt được nhờ trí thông minh của con người.

Nhà nghiên cứu D'Andrea cho biết họ sẽ chia sẻ kết quả nghiên cứu lên một nền tảng nguồn mở để mọi người nhìn thấy tính khả thi của nó. “Trong tương lai sẽ sớm có hàng nghìn hệ thống AI thử nghiệm hợp tác, giao tiếp và chia sẻ các phương pháp hay nhất”.

Dự án nguồn mở của Raffaello D'Andrea và Thomas Bi hiện đã có sẵn trên trang web của họ với giá 200 USD. “Khi hàng nghìn CyberRunner bước ra thế giới thực, chúng sẽ có thể tham gia vào các cuộc thử nghiệm quy mô lớn. Trong khi đó, chúng vẫn học tập và rèn luyện”, tác giả robot CyberRunner khẳng định.

Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào

Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm