Ông Azim Alhajaa nhận được một email trả lời chung chung từ Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum vào ngày 16/5. Nội dung email như "một viên đạn bắn trúng vào tim Alhajaa", rằng hộ chiếu của gia đình ông để lại ở đó để làm thủ tục cấp thị thực đã bị tiêu hủy, theo Washington Post ngày 23/5.
Vợ con ông Alhajaa đã hy vọng rời khỏi Sudan và cùng ông đến thành phố Columbus (bang Ohio, Mỹ), nơi ông sinh sống 5 năm qua. Việc rời khỏi Sudan càng trở nên cấp bách trong những tuần gần đây khi các phe phái tranh giành quyền kiểm soát bằng bạo lực, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn chết người và khủng hoảng nhân đạo lên tới đỉnh điểm.
Các thành viên gia đình ông Alhajaa ngồi trong một quán ăn tự phục vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum với hộ chiếu của họ khi chờ đợi các cuộc phỏng vấn vào tháng 3. Ảnh: Washington Post. |
"Đại sứ quán Mỹ (tại Sudan) đã trói tay chúng tôi và đẩy chúng tôi xuống địa ngục. Tôi cảm thấy chúng tôi không được đối xử như con người", một công dân Sudan 59 tuổi nói với Washington Post.
Tiêu hủy hộ chiếu nhằm đề phòng rơi vào tay người xấu
Nhiều người cũng rơi vào tình trạng tương tự gia đình ông Alhajaa.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận các nhà ngoại giao nước này đã tiêu hủy một số lượng hộ chiếu không xác định trước khi sơ tán khỏi Sudan vào tháng trước.
Trong email mà ông Alhajaa nhận được nêu rõ: "Quy trình vận hành tiêu chuẩn trong quá trình thu hẹp nhân sự là thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không để lại bất kỳ tài liệu, hoặc thông tin nào có thể rơi vào tay người xấu và bị lạm dụng".
Quyết định này đã gây ra làn sóng phẫn nộ và sợ hãi đối với nhiều người dân Sudan trong và ngoài nước. Họ cáo buộc Washington có cách tiếp cận nhẫn tâm gây ra những tổn hại, thay vì cố gắng trả lại tài liệu một cách an toàn hoặc đưa ra giải pháp thay thế.
Vào tháng 3, gia đình ông Alhajaa đã trao hộ chiếu cho Đại sứ quán trong bước cuối cùng của quy trình xin thị thực Mỹ kéo dài một năm.
Thông tin hộ chiếu đã bị tiêu hủy vào tháng 4 đã làm tiêu tan hy vọng của họ. Ông Alhajaa cho biết điều làm ông tổn thương nhất là Washington đã không đưa ra giải pháp cho mớ hỗn độn mà họ đã để lại cho gia đình ông.
Đại sứ quán Mỹ đóng cửa vào ngày 15/4, sau khi giao tranh nổ ra giữa tướng lĩnh của các phe đối địch ở Sudan. Bạo lực chết người và khủng hoảng nhân đạo đã tàn phá quốc gia có khoảng 45 triệu dân này. Gần như tất cả dịch vụ công cộng đã ngừng hoạt động, bao gồm cơ quan hộ chiếu Sudan, cơ quan có thể cấp các giấy tờ mới.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy những chiếc máy bay IL-76 đang bốc cháy tại Sân bay Quốc tế Khartoum ở Khartoum, Sudan ngày 16/4. Ảnh: Maxar Technologies. |
Anh Ibrahim Mohamed, 27 tuổi, một kỹ sư phần mềm ở Khartoum, đang trong quá trình xin thị thực du học và có hộ chiếu bị tiêu hủy, nói với Washington Post: "Đại sứ quán Mỹ đã sơ tán người của họ và để chúng tôi tự quyết định số phận của mình. Họ có vẻ như không quan tâm đến chúng tôi chút nào. Họ thậm chí không trả lời email hoặc cuộc gọi điện thoại của chúng tôi".
Ibrahim chia sẻ anh không đòi hỏi nhiều, anh đã sống trong nhiều tuần mà không có điện hoặc không có thức ăn và nước uống ổn định. Các thành viên trong gia đình Ibrahim đã trốn tới Ai Cập nhưng anh vẫn mắc kẹt. Anh nói: "Tôi chỉ muốn lấy lại hộ chiếu hoặc bất kỳ giấy tờ thông hành nào để đi đến một nơi an toàn hơn, bên ngoài khu vực nguy hiểm".
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa phản hồi về vấn đề này, theo Washington Post. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói: "Vì môi trường an ninh không cho phép chúng tôi trả lại những hộ chiếu đó một cách an toàn, chúng tôi đã làm theo quy trình để tiêu hủy chúng thay vì bỏ lại chúng mà không được đảm bảo an toàn".
"Chúng tôi nhận thấy rằng việc thiếu giấy tờ thông hành là một gánh nặng đối với những người muốn rời khỏi Sudan. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngoại giao với các nước đối tác để tìm ra giải pháp", ông Patel nói thêm.
Một chính sách đã có tiền lệ
Ngay cả trước cuộc xung đột mới nhất, các dịch vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Sudan đã bị cắt giảm và tồn đọng kể từ đại dịch Covid-19.
Một công dân Sudan sống ở Mỹ, người phát biểu với điều kiện giấu tên để bảo vệ tình trạng thị thực của mình, cho biết anh đang vận động các đại diện quốc hội thay mặt cho 10 cá nhân và gia đình cũng biết rằng hộ chiếu của họ đã bị phá hủy.
Nhiều chính phủ đã sơ tán các nhà ngoại giao vào khoảng thời gian Washington thực hiện động thái này. Một số hộ chiếu bị khóa bên trong các Đại sứ quán trống rỗng, chủ nhân của những hộ chiếu đó vẫn không thể tiếp cận được chúng.
Kể từ tháng 3, hơn 200.000 người đã trốn khỏi Sudan, hầu hết bằng cách đường bộ, đến các nước láng giềng và nhiều người khác đã phải di dời trong nước, theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc.
Đại sứ quán Pháp cũng đã tiêu hủy các hộ chiếu đang giữ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Pháp, người phát biểu với điều kiện giấu tên theo quy định của cơ quan, nói rằng các nhà ngoại giao Pháp đã tiêu hủy tất cả tài liệu do đại sứ quán nắm giữ có chứa dữ liệu cá nhân ngay khi chúng không còn nguyên vẹn.
Chính sách này không phải là không có tiền lệ. Các quan chức tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul (Afghanistan) cũng từng xé nhỏ hộ chiếu trong cuộc sơ tán hỗn loạn để rời khỏi nước này khi Taliban giành lại Afghanistan vào năm 2021.
Người Kurd Syria sơ tán khỏi Sudan đến thành phố Qamishli do người Kurd kiểm soát, ở miền bắc Syria ngày 22/5. Ảnh: Reuters. |
Bà Emma DiNapoli, một chuyên gia về tội ác chiến tranh có trụ sở tại London (Anh) tập trung vào Sudan, cho hay có rất ít khả năng người Sudan xin thị thực Mỹ sẽ bị đe dọa bởi hai bên tham chiến (đến mức hộ chiếu của công dân Sudan ở Đại sứ quán phải bị tiêu hủy). Cả hai bên tham chiến ở Sudan đều tham gia vào các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra do Mỹ thúc đẩy.
"Các chính phủ đã làm việc rất tích cực để đưa công dân của họ rời khỏi Sudan, nhận thức rõ ràng tình hình nghiêm trọng và có thể xảy ra như thế nào, nhưng sau đó đã không thực hiện các bước khác như chúng ta đã thấy ở Ukraine. Chẳng hạn như tạo ra các tài liệu thay thế và cấp thị thực cho kế hoạch sơ tán", bà Emma nói.
Đánh cắp hộ chiếu
Trong những tuần kể từ khi cộng đồng quốc tế rời Sudan, nhiều hộ chiếu được giữ tại các đại sứ quán Trung Quốc và Tây Ban Nha ở Sudan đã bị chủ nhân của chúng lấy lại bằng những con đường khó tin.
Vào cuối tháng 5, sau khi vận động hành lang cấp trên, các nhân viên Sudan tại Đại sứ quán Trung Quốc đã được phép thành lập các điểm phân phối xung quanh thành phố. Khi giao tranh tạm lắng, mọi người đã đến những điểm này để nhận hồ sơ.
Cuối tuần qua, nhiều người đã đột nhập vào Đại sứ quán Tây Ban Nha ở Khartoum và đánh cắp hộ chiếu. Thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội và chưa thể xác minh được. Hiện vẫn chưa rõ ai đã đột nhập đại sứ quán và những gì đã bị lấy đi.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, phát biểu với điều kiện giấu tên theo quy định của cơ quan, đã không phủ nhận thông tin nhưng cho biết qua email rằng các quan chức không thể xác nhận tình trạng của Đại sứ quán Tây Ban Nha do thiếu thông tin đáng tin cậy.
Anh Mahir Elfiel, 40 tuổi, nói với Washington Post hôm 23/5 rằng anh đã nhận lại hộ chiếu từ Đại sứ quán Tây Ban Nha vào sáng hôm đó sau khi trả tiền cho một người đàn ông mà anh tìm thấy trên Facebook khoảng 30 USD để lấy hộ chiếu. Trong vòng vài giờ, anh Mahir khởi hành đến biên giới Ai Cập.
Nguy hiểm luôn rình rập
Ông Alhajaa cho biết ông vẫn lo lắng rằng mỗi ngày có thể là ngày sống sót cuối cùng của gia đình mình. Vợ ông và 6 người con (độ tuổi 7-28) đã chạy trốn các máy bay chiến đấu có vũ trang và bom để rời Khartoum đến một ngôi làng yên tĩnh hơn.
Ông đã không gặp họ trong 5 năm, kể từ khi ông rời Sudan tới Mỹ cùng với con gái.
Alhajaa đã mất nhiều năm chống chọi với bộ máy quan liêu và vật lộn suốt thời gian dài để xử lý trường hợp nhập cư của gia đình ông vốn đã tạm dừng từ khi xảy ra đại dịch.
Trong những tháng gần đây, Alhajaa cho biết ông đã cảm nhận được các điều kiện ngày càng tồi tệ ở Sudan và đã cố gắng tăng tốc hoàn thành các thủ tục nhập cư chỉ để rồi mọi nỗ lực của ông đều bị phá hủy.
“Không có sự biện minh nào cho các thủ tục này, đó là những thủ tục chết chóc. Bây giờ gia đình tôi đang bị mắc kẹt và tôi không thể làm bất cứ điều gì để giúp họ", ông Alhajaa nghẹn ngào.