Khi chúng ta xem xét các hoạt động của trí óc, dường như chúng ta cần phải xem xét toàn bộ những quá trình trí não như ngôn ngữ, trí nhớ và thậm chí cả chính ý thức. Trước tiên ta hãy xem làm thế nào mà não tiếp nhận thông tin từ tín hiệu bên ngoài để ta có thể tương tác với thế giới - nói cách khác là cơ chế hoạt động của cảm giác và tri giác.
Làm thế nào để não tiếp nhận thông tin từ thế giới xung quanh và biến nó thành tri giác? Làm thế nào mà chúng ta có thể nghe một bài hát trên đài radio, xem một trận bóng đá trên TV, hiểu một người bạn đang nói gì trong điện thoại - và thực tế là thường làm đồng thời nhiều việc như vậy cùng một lúc.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
Khi chúng ta xem xét mức độ phức tạp của những quá trình này, thật ngạc nhiên là chúng ta có thể tiếp nhận nhiều thông tin như vậy. Những sợi lông rất mảnh trong tai trong của chúng ta đáp ứng với thay đổi áp suất không khí, nhờ đó ta nghe được. Tế bào nhạy ánh sáng ở đáy mắt chúng ta đáp ứng với các photon để chúng ta thấy được. Đầu dây thần kinh rất nhạy ở đầu ngón tay chúng ta đáp ứng với cảm nhận bàn phím khi chúng ta gõ chữ.
Có những vùng đặc biệt trên não cho phép chúng ta kiểm soát dây thanh đới để chúng ta nói được. Bằng cách nào đó chúng ta tổng hợp được tất cả những tín hiệu dường như rời rạc này để tạo ra nhận thức có tính tích hợp, để ta có thể hành động, phản ứng, và sinh tồn trong một thế giới đầy rẫy thông tin.
Chúng ta có xu hướng xem những chức năng tri giác này là hiển nhiên đến mức muốn biết cách chúng vận hành, ta chỉ có thể so sánh với trường hợp chúng không còn hoạt động bình thường. Lấy ví dụ trường hợp nổi tiếng của bệnh nhân P. T., một người đàn ông bị tổn thương não vĩnh viễn, gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện đồ vật.
Điều này khiến cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn vì là một nông dân, ông có đàn bò rất lớn và phải chăm nom rất nhiều ruộng đất. Vì thế ông cần biết mình đang ở đâu và xung quanh có gì. Thường thì ông sẽ đi đến một khu vực khá xa trong trang trại của mình, sửa hàng rào, và rồi khi ngẩng đầu lên thì không nhận ra mình đang ở đâu.
Tệ hơn, khi đến giờ vắt sữa, có lúc ông nhận ra mình đang vắt sữa một con bò đực. Điều phiền toái nhất là P. T. không còn nhận ra những người xung quanh. Người phụ nữ nấu ăn sáng cho ông là một người lạ hoàn toàn. Ông thấy được bà ấy đứng bên bếp, chiên trứng và thịt lợn muối như người bình thường.
Ông thậm chí có thể mô tả hành vi của bà ấy khi bà đi ngang qua bếp để lấy dĩa cho ông. Ông chỉ đơn giản là không biết bà là ai – cho đến khi bà cất lời. Một khi nghe giọng nói, các manh mối mới trở nên rõ ràng, và ông sẽ chợt nhận ra rằng người phụ nữ đó là vợ mình.
P. T. bị một chứng bệnh gọi là rối loạn nhận biết thị giác (visual agnosia). Nhà thần kinh học người Anh Oliver Sacks (sinh 1933) đã mô tả một trường hợp tương tự trong đó một người đàn ông không thể phân biệt được khuôn mặt của vợ mình với cái mũ cho đến khi nghe giọng của bà.
Điểm chung của hai trường hợp này là cả hai bệnh nhân đều có thị giác bình thường. Bác sĩ nhãn khoa và thợ làm kính mắt cho biết mắt của họ hoạt động bình thường - ánh sáng đi vào tế bào nhạy sáng ở đáy mắt được chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh để gửi đến não một cách bình thường. Tuy nhiên não không hiểu gì cả.
Đây không phải là rối loạn cảm giác; chúng là rối loạn tri giác. Ở bệnh rối loạn nhận biết thị giác, chỉ mỗi tín hiệu thị giác là chưa đủ để giúp người bệnh nhận biết, mà cần phải kết hợp hình ảnh với các tín hiệu khác - âm thanh, xúc giác, khứu giác và có lẽ cả vị giác nữa - mới có thể giúp người bệnh nhận ra toàn bộ sự vật trước đó không thể nhận biết.
Những rối loạn nhận biết khác - thính giác (mất khả năng nhận ra âm thanh quen thuộc) và xúc giác (mất khả năng nhận ra đồ vật quen thuộc qua cầm nắm) - đều có thể được hỗ trợ nếu người bệnh được cung cấp thêm thông tin thị giác.
Bình luận