Các bác sĩ được huấn luyện để xác định các triệu chứng (ví dụ như sổ mũi, sốt, ho), sau đó phân loại các triệu chứng này thành một số nhóm và đặt cho mỗi nhóm một cái tên (ví dụ như “cảm lạnh”). Cùng với việc chẩn đoán, họ khảo sát và điều trị các triệu chứng. Cũng theo cách như vậy, các triệu chứng tâm thần (hoặc hành vi bất thường) được xác định, phân nhóm, xếp loại và khảo sát để tìm ra điều trị nào hiệu quả. Tiếp cận chẩn đoán này là tiêu biểu ở mẫu hình y khoa (xem trang 27).
Nỗ lực chi li đầu tiên nhằm phân loại hành vi bất thường được tiến hành vào năm 1913 bởi bác sĩ tâm thần người Đức Emil Kraepelin. Sau khi quan sát kỹ lưỡng các bệnh nhân ở bệnh viện, ông gợi ý có 18 dạng rối loạn tâm thần, mỗi dạng có hình thái đặc trưng của triệu chứng (một hội chứng). Mỗi hội chứng có một lộ trình riêng, căn nguyên riêng, và có những kết quả đặc thù.
Công trình của Kraepelin có sức ảnh hưởng lớn. Nó dẫn đến việc phát triển hai hệ thống phân loại nửa sau Thế chiến II (1939-1945). Những hệ thống này vẫn đang được sử dụng rộng rãi đến ngày nay và được gọi là Tiêu chuẩn Quốc tế để Phân loại Bệnh tật, Thương tích, và Lý do Tử vong (International Standard Classification of Diseases, Injuries, and Causes of Death – ICD) và Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê (Diagnostic and Statistical Manual - DSM) (xem trang 15).
Phần kế tiếp trong chương này, chúng ta sẽ xem xét những rối loạn tâm thần phổ biến và quen thuộc nhất, đã được phân loại trong DSM. Chương kế tiếp (xem trang 113-150) sẽ xem xét các rối loạn liên quan đến thời thơ ấu. Các phương pháp điều trị được trình bày chi tiết hơn ở chương 4 và 5 (xem trang 151-196, 197-234).
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Engin Akyurt/Pexels. |
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một nhóm các rối loạn bao gồm sợ hãi không gian tù túng (claustrophobia), xáo động thể chất cùng cực do sợ hãi (hoảng loạn, panic disorder), sợ một vật đặc biệt nào đó (specific phobia), sợ một tình huống xã hội nào đó (social phobia), trải nghiệm lo âu kéo dài, trải nghiệm lại nỗi sợ sau một tai nạn hay chấn thương (rối loạn căng thẳng hậu sang chấn), sợ nhiễm trùng khiến phải loay hoay lau chùi mọi thứ thật tinh tươm (rối loạn ám ảnh - cưỡng bức).
Lo âu là một cảm xúc phổ biến mà mọi người đều trải nghiệm lúc này hay lúc khác. Đó là một cảm giác chung chung gây lo lắng và sợ hãi, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hành vi và tư duy của chúng ta. Nó thường là sự phản hồi tự nhiên trước các hoàn cảnh thách thức, và có thể sắm vai một cơ chế tạo động lực hay cơ chế phòng vệ. Nó có thể thúc đẩy ta học tập để làm bài kiểm tra, và có thể báo động cho cơ thể và các giác quan về một nguy cơ khả dĩ (ví dụ như khi phản ứng lại một tiếng động lớn vào giữa đêm).
Trong một số hoàn cảnh, lo âu có thể cản trở thành tựu. Lo âu khi làm bài kiểm tra đôi khi giúp học sinh làm bài tốt, nhưng nếu lo âu quá nhiều thì việc làm bài sẽ bị cản trở, ngay cả khi học sinh đã biết đáp án.
Các nhà tâm lý thường phân biệt hai dạng lo âu: lo âu trạng thái (state anxiety) và lo âu tính cách (trait anxiety). Họ tin rằng lo âu trạng thái biến động theo hoàn cảnh mà người ta đối mặt. Nó liên quan đến trải nghiệm lo âu trong một thời điểm cụ thể. Lo âu tính cách là tương đối ổn định theo thời gian. Nó hàm ý những người có khuynh hướng lo âu chung chung và dễ phơi nhiễm trước lo âu. Khi lo âu bắt đầu gây khổ sở, ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập xã hội, đi làm hay thậm chí ra khỏi nhà, ta có thể chẩn đoán mình mắc rối loạn lo âu.
Rối loạn hoảng loạn
Rối loạn hoảng loạn (panic disorder) là một dạng lo âu khi ai đó trải nghiệm những rúng động thể chất bất chợt và liên hồi do nỗi sợ gây ra. Các triệu chứng bao gồm thở gấp, chóng mặt, buồn nôn, lo sợ mất kiểm soát. Người hoảng loạn trải nghiệm những triệu chứng này theo từng đợt ngắn, thường là vài phút mỗi lần. Những đợt công kích này thường dẫn đến việc lo lắng từ trước (tức trước khi đợt công kích diễn ra).
Bình luận