Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông 67 lần hiến máu

Gần 30 năm qua, ông E không chỉ hiến máu đều đặn theo định kỳ mà còn vận động vợ con, láng giềng và đồng nghiệp làm việc nhân đạo để cứu người.

Lớn lên ở vùng trồng cây ăn trái Thạnh Hòa của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), 27 năm trước, ông Trần Văn E được một người bà con xin máu khi chị này phẫu thuật tại TP HCM.

Lần đó, anh thanh niên 25 tuổi vã mồ hôi khi nhìn thấy máu trong cơ thể mình chảy ra quá nhiều. Tuy nhiên, ông E không thể từ chối việc cho máu vì những người họ hàng khác không đủ điều kiện trong khi mạng sống của người thân đang được tính bằng giây.

Ông Trần Văn E. Ảnh: Việt Tường.

"Năm ấy, tôi đưa đứa em họ đi trị bệnh ở Sài Gòn. Lúc phẫu thuật, ngân hàng máu của bệnh viện đã hết loại máu em tôi cần. Bác sĩ nói, muốn cứu đứa em thì mọi người phải thử máu và tôi là người duy nhất được chọn để truyền máu. Sợ lắm nhưng phải cố nén lo lắng", ông E kể.

Sau lần hiến máu đầu tiên, ông E thấy sức khỏe bình thường, không bị đau đớn như người nông dân này từng nghĩ. Một năm sau đó, đoàn thanh niên địa phương vận động những người trẻ tuổi trong xã hiến máu tình nguyện và ông E tham gia.

Năm 1993, ông E được làm Bí thư Chi đoàn ấp thì việc hiến máu tình nguyện của ông được thực hiện đều đặn theo định kỳ 3 lần/năm. Thấy anh Bí thư Chi đoàn thường xuyên hiến máu, những thanh niên vốn sợ bị lấy máu đã bắt đầu mạnh dạn đăng ký làm việc có ý nghĩa. Những năm sau đó, phong trào hiến máu tình nguyện được nhân rộng hơn nữa ở Thạnh Hòa khi ông E làm Bí thư Xã đoàn.

"Vận động hiến máu là việc của Hội chữ thập đỏ nhưng Xã đoàn cũng làm tích cực. Tôi và các bạn Đoàn viên thấy bản thân mình lành lặn, có đầy đủ sức khỏe nên phải giúp đỡ những người không được như mình, họ cần máu để giành lại sự sống", ông E chia sẻ.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, ông E tiếp tục đi hiến máu lần thứ 67. Không chỉ có người chồng, vợ ông E là bà Mai Thị Lắm - Phó hiệu trưởng trường Mẫu giáo Thạnh Hòa cũng hiến máu được 7 lần.

Bà Lắm cho biết, lần hiến máu đầu tiên rất lo lắng, sợ mất máu nhiều sẽ đau và ngất xỉu. Tuy nhiên, được chồng động viên và ông E luôn ngồi bên cạnh khiến bà Lắm an tâm.

"Lúc tôi hiến máu lần đầu khi đang làm hiệu trưởng. Chồng tôi nói, lãnh đạo không mạnh dạn hiến máu thì làm sao vận động giáo viên trong trường làm việc nhân đạo được. Nghe anh ấy khích lệ tinh thần nên tôi đi hiến máu và con trai 23 tuổi cũng hiến máu gần chục lần", bà Lắm nói.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng ông E kỷ niệm chương vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo. Ảnh: Việt Tường.

Theo thống kê của ông E, 27 năm qua, ông vận động được khoảng 300 người hiến máu. Trong đó, có khoảng 20 người hiến máu 35 lần.

"Để hiến được những giọt máu có chất lượng, tôi dặn người thân, bạn bè và đồng nghiệp rằng, phải ăn uống đầy đủ, giữ tinh thần cho thoải mái trước khi được lấy máu và kiêng rượu bia, thuốc lá vài ngày", ông E nói.

Trò chuyện với Zing.vn, ông Đặng Việt Hiểu, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa cho biết, ông E đúng là tấm gương nhân đạo điển hình, xứng đáng được biểu dương trong phong trào hiến máu tình nguyện. Thấy ông E thường xuyên làm việc có ý nghĩa, ông Hiểu với nhiều cán bộ khác trong xã cũng hiến máu tình nguyện.

Năm 2007, ông E vinh dự đại diện cho tỉnh Hậu Giang được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mời ra Hà Nội vinh danh người hiến máu tình nguyện và tham gia hành trình "Trái tim Việt Nam". Đến nay, ông có hơn trăm giấy khen, bằng khen và kỷ niệm chương từ cấp xã đến Trung ương. Năm 2015, ông được UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện.

"Làm Bí thư Xã đoàn vài năm, tôi chuyển sang làm cán bộ nông nghiệp. Cuối năm 2015, tôi xin nghỉ việc Nhà nước để về chăm sóc vườn cây ăn trái vì các con đi làm, đi học nên không ai chăm sóc vườn cam", ông E chia sẻ. 



Việt Tường

Bạn có thể quan tâm