Chiều 18/7, ông Võ Thành Nhơn ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc (Kiên Giang) ra chợ Dương Đông mua hải sản và rau cải. Vị Hiệu trưởng Trường Mầm non - Tiểu học Thành Nhơn thấy hàng hải sản dồi dào, chỉ mặt hàng rau, củ là hết.
Bình ổn thị trường
Theo ông Nhơn, do người dân có tâm lý sợ thiếu hàng khi nhiều tỉnh khu vực phía Nam áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nên người dân đảo ngọc Phú Quốc đổ xô ra chợ gom hàng vào chiều tối 17 và sáng 18/7.
“Hành lá cháy hàng, một số rau thiết yếu cũng khan hiếm vì người dân mua dự trữ để sử dụng vài ngày. Hết hàng nhưng không sao, ngày mai tàu trong đất liền chạy ra, rau sẽ đầy chợ. Chiều nay các tiệm thuốc tây còn đông người chứ trong chợ đã vắng trở lại”, ông Nhơn nói.
Chợ Dương Đông của TP Phú Quốc đã vắng người vào chiều 18/7. Ảnh: Nhật Tân. |
Người dân Phú Quốc cũng cho rằng thị trường ở đảo ngọc đã bình ổn trở lại khi biết chợ truyền thống và siêu thị mở cửa bình thường trong 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Cá thu ở Phú Quốc có lúc giá 250.000 đồng/kg nhưng chiều 18/7 chỉ còn 150.000 đồng/kg.
“Cá rìa lớn giá 60.000 đồng/kg, cá ngừ 60.000 đồng, cá róc đỏ 100.000 đồng/kg. Bà con an tâm, hàng thủy sản đầy chợ, giá ổn định”, ông Nhơn chia sẻ.
Tại Sóc Trăng, vài giờ trước khi toàn tỉnh này áp dụng Chỉ thị 16, phóng viên Zing ghi nhận lượng người vào chợ rau, củ, quả trung tâm TP Sóc Trăng chỉ còn 1/3 so với tối 17/7. Giá cà chua, cải xanh, hẹ bông… giảm nhẹ từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Các chuỗi siêu thị của nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng cũng vắng người. Coopmart và Bách Hóa Xanh đều có ghế cho khách hàng ngồi giãn cách để khai báo y tế và chờ đọc số thứ tự để vào siêu thị mua hàng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Xử lý nghiêm vi phạm niêm yết giá
Tại tỉnh An Giang, Bí thư Thị ủy Tân Châu Huỳnh Quốc Thái cho biết địa phương đã tuyên truyền chiều rộng lẫn chiều sâu nên người dân ý thức được việc hạn chế ra đường và đi chợ để góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thị xã Tân Châu đang áp dụng Chỉ thị 16 nhưng cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện cho người dân vào chợ, siêu thị và đảm bảo hàng hóa được lưu thông tốt.
Người dân thực hiện việc khai báo y tế và rửa tay sát khuẩn trước khi vào siêu thị tại thị xã Tân Châu, An Giang. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, địa phương này có 72 chợ bố trí đều khắp tại 8 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Thời gian qua các chợ hoạt động khá hiệu quả, hàng hóa phong phú, dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, góp phần quan trọng vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh.
Để đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt phương án cung cấp hàng hóa thiết yếu. Các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tăng cường tối đa lượng hàng hóa, khai thác hết công xuất hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích hiện có và thành lập các chợ dã chiến (nếu cần thiết).
Sở Công Thương Hậu Giang đã chỉ đạo địa phương bố trí những điểm bán hàng bình ổn giá tại trung tâm các xã, phường, thị trấn có chợ bị giãn cách hoặc phong tỏa. Địa phương phải nắm bắt tình hình cung cầu, hàng hóa và diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời triển khai phương án đảm bảo hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân.
Chiều 18/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi ký văn bản gửi các sở, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng giao giám đốc Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương yêu cầu ban quản lý chợ, các cơ sở, hộ kinh doanh bách hóa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại… khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Hệ thống Coopmart ở các tỉnh miền Tây hướng dẫn khách hàng khai báo y tế rồi đi theo thứ tự, giãn cách vào siêu thị. Ảnh: Việt Tường. |
Tại các địa điểm mua bán, kinh doanh, giao dịch phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; bán hàng hóa đảm bảo đủ tiêu dùng của người dân, tránh trường hợp thu gom, tích trữ hàng hóa gây khan hiếm, sốt giá, hướng dẫn người dân giữ khoảng cách trong mua bán; vận động, giải thích người dân mua hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, không tích trữ.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ giá cả thị trường và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm về giá (niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết), chất lượng hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để tăng giá bán bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.