Bước vào cây xăng tại số 256 quốc lộ 13 vào sáng 1/11, anh Phạm Văn Hậu (ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) mang theo can, nhưng nhân viên giơ ba ngón tay và nói "chỉ đổ 30.000 đồng".
"Xe hết xăng, tôi đành phải mua xăng đổ vào can. Nhưng tôi đi kiếm mấy nơi, chỗ thì hết hàng, nơi chỉ cho đổ 30.000 đồng. Tôi đành đổ tạm, đến khi xe máy đi lại được thì tính tiếp", anh Hậu nói.
Theo ghi nhận của Zing từ sáng đến trưa 1/11, ở trung tâm lẫn ngoại thành TP.HCM, người dân gặp cảnh khó khăn khi đi đổ xăng. Nhiều cây xăng chăng biển "hết hàng", tạm ngưng ngập hàng, đặc biệt ở trên đường quốc lộ 13, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh... Ngoài ra, một số cây xăng chỉ hoạt động 1-2 trụ bơm, giới hạn số lượng bán ra 30.000-50.000 đồng/xe máy.
Với các quận xa trung tâm, khu vực ngoại thành, tình trạng hết xăng và tạm ngưng bán hàng phổ biến hơn. Dọc tuyến đường Trường Chinh, quận Tân Bình, nhiều cây ngưng hoạt động như cây xăng Comeco ở 49 Trường Chinh... Một số nơi dù không treo biển "hết hàng", song cửa hàng cử nhân viên đợi bên ngoài, chỉ cần thấy người dân vào là xua tay.
Mang can đi đổ
Do tâm lý lo ngại cảnh khan hiếm tái diễn, một số người dân mang theo can lớn tích trữ. Tuy nhiên, nhiều cây xăng từ chối việc mua bằng can, yêu cầu đổ thẳng vào xe máy.
Anh Mạnh Hùng (ngụ quận Tân Bình) mang theo can 5 lít vào đổ xăng nhưng chỉ nhận cái xua tay từ nhân viên. Anh đành sang cửa hàng khác.
Người đàn ông cho biết tối qua, khi đi làm về, anh ghé vào cây xăng trên đường Trường Chinh nhưng đi liên tiếp hai cây đều báo hết hàng. Đi thêm một đoạn, anh tìm được một nơi cho đổ 50.000 đồng.
"Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, tôi mang can, tranh đủ đổ đầy xe máy của người thân luôn", anh Hùng nói.
Anh Phạm Văn Hậu mang bình 6 lít đi mua xăng. Ảnh: Ngọc Trang. |
Dọc theo quốc lộ 13, trên quãng đường chưa đầy 2 km, hai trạm xăng đều thông báo bán giới hạn 30.000 đồng/lượt. Đại diện một cây xăng cho biết, nếu bán thả ga thì buổi chiều có thể sẽ hết hàng, không đủ số lượng bán cho người đến sau.
"Hai hôm nay cửa hàng đều bán cầm chừng thế này. Chị chịu khó đi thêm vài trăm mét nữa, sẽ có cây xăng vẫn đang hoạt động", nam nhân viên chỉ dẫn cho khách, đồng thời cho biết cửa hàng từ chối bán vào can, bình cho khách trong nhiều ngày qua.
Giá xăng tăng
Chiều 1/11, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 380 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.870 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.750 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng 290 đồng/lít lên 25.070 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước. Như vậy, giá xăng trong nước tăng 3 lần liên tiếp sau 4 lần giảm.
Người dân mang can lớn đổ xăng tại một cửa hàng trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình. Ảnh: Ngọc Trang. |
Theo ghi nhận của Zing trong hai ngày 31/10 và 1/11, nhiều cây xăng TP.HCM vẫn hết hàng, hoặc chỉ bán cầm chừng.
Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, liên Bộ chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình. Trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá cũng như điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu...
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về nhiều chủ đề. Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.