Chiều 9/12, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được khai trương với việc đưa 8 nhóm dịch vụ lên cổng trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ là cơ quan được Thủ tướng giao phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trao đổi với báo chí trước khi khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết các cơ quan đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào vận hành chính thức.
Lợi cho dân, lợi cho cả quản lý Nhà nước
- Thưa Bộ trưởng, Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương trong bối cảnh vấn đề hạ tầng và kết nối thông tin không đồng bộ, dữ liệu của các bộ, ngành còn phân tán. Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã khắc phục khó khăn này thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Phạm Duy. |
- Những năm gần đây, cải cách thủ tục hành chính luôn được Thủ tướng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó trọng tâm là xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia là bước đi rất quan trọng, nhằm kết nối giữa các dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.
9 tháng qua, Văn phòng Chính phủ với trách nhiệm được Thủ tướng giao nhiệm vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trước hết, tập trung rà soát, nâng cấp cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính. Tiếp đến là cùng các bộ, ngành, địa phương tích hợp các dịch vụ công theo hướng cải cách, cách giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, ưu tiên những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì làm trước.
Đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn vì cơ sở dữ liệu quốc gia của chúng ta chưa được hoàn chỉnh. Chúng ta mới chỉ có dữ liệu liên quan đến bảo hiểm, doanh nghiệp nên cần tận dụng những cái đã có như thông tin 85 triệu thẻ bảo hiểm của người dân, số điện thoại di động hay mã số thuế…
Với sự nỗ lực của các cơ quan, sẽ có 8 nhóm vấn đề được triển khai khi khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: Đổi giấy phép lái xe (GPLX), cấp GPLX quốc tế, thông báo hoạt động khuyến mại, đăng ký khai sinh, cấp mới điện hạ áp, cấp mới điện trung áp, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế.
- Vậy khi Cổng dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng những tiện ích gì, thưa ông?
- Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ đảm bảo vấn đề giám sát, tạo ra sự công khai, minh bạch. Người dân chỉ cần ngồi nhà mà không cần đến các cơ quan hành chính, truy cập vào một địa chỉ duy nhất trên Cổng dịch vụ công quốc gia bằng một tài khoản, và tài khoản này có thể dùng để truy cập vào bất cứ cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương nào.
Người dân cũng chỉ cần đăng ký hồ sơ một lần, lần sau sẽ không phải lấy lại hồ sơ đã đăng ký mà chỉ cần khai thác lại, hoặc tận dụng kết nối chia sẻ của dữ liệu mà các cơ quan quản lý đang khai thác.
Ví dụ, tôi sinh ra ở TP.HCM, được Sở GTVT TP.HCM cấp GPLX. Hiện đến thời điểm đổi GPLX nhưng tôi lại đang sinh sống ở Hà Nội. Có Cổng dịch vụ công quốc gia, tôi sẽ không phải quay lại TP.HCM để đổi GPLX mà chỉ cần truy cập luôn cơ sở dữ liệu đã có trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chọn Sở GTVT Hà Nội là nơi cấp đổi GPLX.
Người dân, doanh nghiệp cũng có thể phản ánh những vướng mắc, khó khăn trực tiếp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đánh giá sự hài lòng của mình đối với cán bộ công chức khi thực thi công vụ.
Giao diện của Cổng dịch vụ công quốc gia. |
Về phía cơ quan Nhà nước cũng được rất nhiều thứ. Trước hết là tạo ra kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Thứ hai, tái cấu trúc được quy trình xử lý công việc, giải quyết thủ tục hành chính. Và quan trọng hơn nữa là nâng cao trách nhiệm cũng như chất lượng công việc của cán bộ thi hành công vụ. Từ đó giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện các quy định pháp luật.
Lợi ích tiếp theo là khi có Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Nếu 8 nhóm dịch vụ công được triển khai, tính sơ bộ sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm.
Làm tốt mà tỷ lệ người dùng ít sẽ không thành công
- Theo Bộ trưởng, làm thế nào để người dân đón nhận và sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia một cách tiện lợi, dễ dàng và thu hút được nhiều người sử dụng nhất?
- Theo thói quen, nhiều người dân, doanh nghiệp muốn đến trực tiếp gặp cán bộ thi hành công vụ để có thể được cán bộ trực tiếp hướng dẫn làm thủ tục. Nhưng với yêu cầu của xã hội điện tử, chúng ta cần thay đổi. Mà trước hết cần thay đổi tư duy của người dân và của cán bộ công chức.
Đồng thời, phải tạo sự thân thiện cho người sử dụng, bởi nếu chúng ta chỉ phục vụ tốt, không tháo gỡ để việc giải quyết hồ sơ được nhanh hơn thì người dân, doanh nghiệp sẽ không sử dụng.
Vì vậy, phải tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tạo ra những ứng dụng thân thiện, giản dị cho người dân tiếp cận một cách thuận lợi nhất. Cùng với đó tuyên truyền để người dân hiểu được hiệu quả mà Cổng dịch vụ công mang lại.
Tôi cho rằng hiệu quả, thành công phải được đánh giá bằng lượng người dùng. Nếu chúng ta làm tốt mà tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ít thì chúng ta sẽ không thành công.
Vấn đề này chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, có sự đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, đánh giá về kĩ thuật để chuẩn bị cho khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây cũng là thử thách rất lớn của các cơ quan, đặc biệt là Văn phòng chính phủ khi nhận nhiệm vụ của Thủ tướng giao.
Chúng tôi kỳ vọng sự ra đời của Cổng dịch vụ công quốc gia là điểm nhấn quan trọng cho cải cách hành chính. Đây là một bước đi đúng hướng, phù hợp với thời đại, để tạo ra một hệ thống quản trị thông minh, tạo dư địa cho tăng trưởng cho đất nước.