Sáng 28/11 là lần thứ 7 trong hơn 2 tuần qua, chị Lê Thúy An (27 tuổi, quận 1) phải đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM để làm hồ sơ cấp lại giấy phép lao động cho cấp trên người Tây Ban Nha.
Chị An dự tính phải đến ít nhất 2 lần nữa mới hoàn thiện hồ sơ. Dù đã tìm hiểu kỹ các giấy tờ cần có, chị vẫn phải quay lại nhiều lần vì các lý do như ghi sai thông tin, thiếu chữ ký, con dấu...
Dù vậy, chị An tỏ ra hài lòng về thái độ làm việc của cán bộ và lý giải việc phải đi lại nhiều lần là do hồ sơ phức tạp.
Người dân Vĩnh Phúc ký trên bàn ký điện tử và nhận “Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả” qua tin nhắn. |
"Mấy anh chị ở đây hướng dẫn rất nhẹ nhàng. Phần lớn hồ sơ của tôi phải chạy qua sở này cơ quan kia. Ví dụ, trong hồ sơ có giấy phép thành lập doanh nghiệp do Sở Công Thương quản lý. Khi làm sai, tôi lại phải qua đó sửa. Cứ chạy qua, chạy lại khắp TP như vậy đấy", chị An nói.
Chị cho rằng việc phải đi lại nhiều để làm thủ tục hành chính là do thiếu liên kết giữa các cơ quan chức năng và hạn chế trong thực hiện các thủ tục qua mạng.
Người phụ nữ này không phải trường hợp duy nhất đi lại nhiều lần để hoàn thành thủ tục hành chính tại TP.HCM.
Theo báo cáo kết quả khảo sát "Đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn TP.HCM năm 2018" do Viện Nghiên cứu phát triển TP thực hiện mới đây, có 8,81%, tương đương 1.300 trường hợp, người dân phải đi lại trên 3 lần để giải quyết công việc.
Cá biệt, có người phải đi hơn 20 lần để hoàn tất thủ tục hành chính, tập trung tại các sở, ngành (29%), dịch vụ đất đai (18%) và dịch vụ đăng ký kết hôn (21%).
Khảo sát về tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu cho thấy có 143 trường hợp (0,96%) được ghi nhận.
Xét riêng từng khu vực, khối quận, huyện có tỷ lệ gây phiền hà, sách nhiễu cao nhất (66 trường hợp), gấp 2 lần tỷ lệ bình quân chung tính trên toàn địa bàn. Tình trạng vòi tiền hay gợi ý về "sân sau" cũng được phát hiện, tập trung ở lĩnh vực đất đai (2,34%) và xây dựng (5,09%).
Có 47 trường hợp (0,32%) nhận định cán bộ có biểu hiện gợi ý nộp thêm tiền ngoài quy định, tập trung ở dịch vụ đất đai.
"Đáng nói, 17/47 người dân trên vẫn đánh giá sự hài lòng chung ở mức 7 trở lên (trên thang điểm 10) dù ghi nhận hiện tượng cán bộ gợi ý nộp thêm tiền. Điều này chỉ báo khuynh hướng chấp nhận hiện tượng tiêu cực như một phần tất yếu của quy trình giải quyết thủ tục hành chính", báo cáo nêu.
Tỉ lệ trả lời công chức trực tiếp giải quyết vụ việc có biểu hiện sách nhiễu. Đồ họa: Báo cáo nghiên cứu. |
Một điểm tích cực được báo cáo chỉ ra là người dân đánh giá tỷ lệ cơ quan trả lời đúng hẹn ở mức cao (95,54%). Cao nhất ở khối phường, xã và thấp nhất ở khối quận, huyện.
Kết quả này dựa trên khảo sát ngẫu nhiên 14.833 người tại 22 sở, ban, ngành và 24 quận, huyện ở TP.HCM. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6/2019.