Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân có được hoàn lại phí bảo trì đường đã đóng?

“Địa phương nào dự kiến dừng thu phí bảo trì đường bộ xe máy thì phải chịu trách nhiệm về con đường do địa phương đó quản lý".

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã trao đổi với báo giới như vậy xung quanh việc đề xuất dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

- Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Ông có thể cho biết, ý kiến của các tỉnh, thành phố với việc này thế nào?

- Đã có 32 địa phương phản hồi về việc có nên thu phí bảo trì đường bộ với xe máy hay không. Trong số các ý kiến này thì Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bỏ thu phí xe máy.

TP HCM và Hà Nội là 2 thành phố có nguồn thu ngân sách lớn, nguồn thu từ xe máy không đáng kể nên họ cũng không muốn thu. Ngoài ra, Đà Nẵng và Khánh Hoà cũng dự kiến sẽ dừng thu phí xe máy.

- Ông có thể cho biết rõ các địa phương gặp những khó khăn nào khi tiến hành thu phí bảo trì đường bộ xe máy?

- Hiện nay, việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đang gặp nhiều khó khăn. Một phần do chế tài chưa đủ mạnh và chưa rõ ràng nên có hiện tượng người nộp, người không nộp dẫn tới nhiều người dân cảm thấy không công bằng.

Mặt khác, khi giao quyền chủ động thu cho địa phương thì mỗi nơi lại ban hành một loại phiếu thu khác nhau, dẫn đến việc không thuận lợi cho người nộp phí, người dân không biết phải cầm những giấy tờ gì ra đường.

Việc thu phí bảo trì đường bộ xe máy hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Việc thu phí bảo trì đường bộ xe máy hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Thêm nữa, mô hình thu của các địa phương chưa đồng bộ, có nơi giao cho phường xã có nơi giao cho thôn xóm. Càng xuống thấp bản thân những người đi thu phí cũng không nắm được chính sách của Nhà nước để phổ biến, nên người dân không nộp tiền.

Vừa rồi, các đoàn ĐBQH và người dân, báo chí đa phần không ủng hộ duy trì việc thu phí nên Hội đồng Quỹ đã họp và Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này về việc dừng thu phí đường bộ đối với xe máy.

- Vậy nếu dừng thu phí thì những nơi đã thu rồi liệu có hoàn trả lại cho người dân để đảm bảo tính công bằng?

- Phí xe máy không thu về Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương mà các địa phương tự thu và tự chi. Hiện nay, mặc dù địa phương chủ động thu chi để bảo trì đường bộ nhưng các địa phương đều kêu rất khó khăn.

Ngay như Hà Nội và TP HCM bảo bỏ thu phí xe máy nhưng vẫn có văn bản đề nghị Quỹ hỗ trợ tiền để bảo trì đường.

Hiện tại, chưa biết có dừng thu phí xe máy hay không vì còn chờ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp nếu dừng thu thì việc này sẽ thuộc trách nhiệm của địa phương, sau đó Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cũng như Bộ GTVT sẽ có ý kiến để người nộp phí và cơ quan Nhà nước có sự đồng thuận, đảm bảo sự công bằng cho người dân.

Kiến nghị Chính phủ dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy

Sau TP HCM, nhiều tỉnh, thành muốn bỏ thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy vì số tiền thu được không đáng kể, trong khi phát sinh thêm bộ máy, chi phí.

- Có ý kiến lo ngại nếu không đóng phí bảo trì xe máy đồng nghĩa với việc thiếu tiền để duy tu bảo trì đường bộ và người dân sẽ phải chấp nhận đi trên đường xấu. Ông đánh giá về ý kiến này như thế nào?

- Một năm Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương phải bảo trì 18.000 km đường quốc lộ với kinh phí khoảng 20.000 tỷ/năm. Trong khi đó, nếu không tính đến phí xe máy, mỗi năm chỉ có khoảng 6.000 tỷ, trong đó 3.000 tỷ từ thu phí ô tô, 3.000 tỷ từ Ngân sách Nhà nước như vậy mới đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu.

Tại các địa phương, mỗi năm có khoảng 300.000 km đường từ cấp tỉnh trở xuống cần bảo trì, nhu cầu lớn nhưng kinh phí cũng chỉ đáp ứng khoảng 30-40%/năm nên việc dừng thu phí xe máy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo trì.

Địa phương nào dự kiến dừng thu thì phải chịu trách nhiệm về con đường mình quản lý, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, ngân sách tỉnh phải tự bỏ ra để sửa chữa.

Mỗi năm chúng tôi cần chừng đó tiền mà Quỹ chỉ đáp ứng được có 30%, do vậy không thể ngay lập tức các con đường được sửa, mà phải tập trung vào các con đường huyết mạch trước, rồi mới triển khai các con đường khác.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/250812/nguoi-dan-co-duoc-hoan-lai-phi-bao-tri-duong-da-dong-.html

Theo Vũ Điệp/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm