Sau khi HĐND TP HCM có văn bản đề nghị UBND thành phố tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, nhiều địa phương đã kiến nghị dừng thu phí như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ.
Nghịch lý chung được các tỉnh thành trên nêu ra là việc thu phí gặp nhiều khó khăn, người dân không đồng tình, hiệu quả không cao. Có địa phương phải sử dụng ngân sách để phục vụ thu phí như tại Hà Nội.
TP Đà Nẵng đã quyết định dừng thu từ ngày 7/7. Lý do HĐND TP Đà Nẵng quyết định dừng thu phí để báo cáo Chính phủ vì người dân không đồng tình, việc thu phí gặp nhiều khó khăn và đặc biệt số phí thu qua từng năm giảm dần.
Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ bỏ thu phí đường bộ với xe máy. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chiều 14/7, tại cuộc họp thường kỳ đánh giá về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy nếu thực hiện không có chế tài xử lý thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả
Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị cho sửa Nghị định số 18 để dừng thu loại phí này.
Tại Cần Thơ, qua quá trình tiếp xúc cử tri ở các quận người dân cũng đề nghị bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy. Vì vậy HĐND TP Cần Thơ đang tổng hợp ý kiến để xem xét có thu tiếp hay không.
Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ra Nghị quyết tạm dừng việc thực hiện nghị quyết ra cách đây hơn 2 năm về mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy tại địa phương trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, phải huy động một lực lượng lớn người đi thu nhưng hiệu quả không cao. Số thu phí giảm dần qua các năm, trong đó năm 2013 thu được trên 9,7 tỷ đồng, năm 2014 giảm còn trên 5,4 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2015 chỉ thu được trên 650 triệu đồng.
Sau 2 năm, Hà Nội cũng muốn dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, vì tại nhiều quận, huyện, tỷ lệ trích lại sau khi thu không đủ trang trải cho bộ máy đi thu. Có quận phải dùng tiền ngân sách để trang trải.
UBND TP Hà Nội cho biết, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy năm 2013 của thành phố chỉ đạt 14% so với dự kiến (55 tỷ/378 tỷ đồng). Mức thu năm 2014 chỉ đạt 36 tỷ đồng (đạt 13,28% kế hoạch). 6 tháng đầu năm 2015, Hà Nội mới thu được gần 3 tỷ đồng, do toàn bộ số thu của các huyện đều được để lại còn các quận đang bắt đầu triển khai công tác thống kê, thu phí.
Báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho hay, Hà Nội phải chi thêm ngân sách phục vụ thu phí đường bộ. Cụ thể, kết quả khảo sát tại phường Cát Linh, quận Đống Đa (Hà Nội) cho thấy, do có số dân đông, nhiều tổ dân phố nên tỷ lệ trích lại từ nguồn thu để phục vụ việc thu phí vẫn không đủ. Vì vậy UBND phường Cát Linh đã phải chi thêm từ nguồn ngân sách phục vụ việc thu phí. Thậm chí, kinh phí bồi dưỡng cho người trực tiếp thu thấp, không có tính khuyến khích động viên.
“Hà Nội đồng tình với đề nghị bãi bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy của TP HCM. Hà Nội ủng hộ nếu trung ương quyết định bãi bỏ quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chia sẻ bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội.
Ngày 14/7, tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND TP, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, kiến nghị bỏ thu phí bảo trì đường bộ với xe máy của cử tri là hoàn toàn chính đáng. Ông Thảo yêu cầu các ban, ngành của Hà Nội phải nghiên cứu kỹ những đề xuất để đáp ứng những kiến nghị của cử tri trong thời gian tới.
Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, năm 2014, phí sử dụng đường bộ thu từ ôtô để đưa vào quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại 8 quỹ địa phương Bộ Tài chính thực hiện thanh tra, tổng số phí sử dụng đường bộ thu từ xe máy mới chỉ được gần 100 tỷ đồng, đạt 22,2% so với kế hoạch.