Thành phố này đi vắng khỏi anh
em gửi xe
gửi mình vào buổi chợ
bên hàng xóm đôi lần nghe tiếng vỡ
nhắc em trở về cho kịp bữa cơm
***
Em trốn mình trốn khỏi một mùi thơm
chai nước hoa phảng phất nỗi buồn
không thuộc về người đàn bà mất ngủ
khi em thức anh có còn ở đó nữa
thành phố này đi vắng khỏi nhau chưa?
***
Khi mất ngủ em sợ những sợi dây
sợ con đường gọi chân mình đi lạc
sợ sớm mai tiếp sau ngày tháng nhạt
sợ bóng đèn hiu hắt sưởi ngã tư
***
Thành phố này đi vắng khỏi nhau chưa?
giấc em mơ không thoát khỏi điều khiến em thao thức
mỗi ý nghĩ về nhau là hai lần phạm lỗi
đêm càng khuya càng cạn đến ban ngày
***
Anh ban ngày đến cạnh cả ban đêm
em choàng tay định ôm chồng lại sợ
chạm vào ý nghĩ là bóng anh
bên người đành chung thuỷ
người đã yêu em đến cả cái không ngờ...
***
Lần nào mua áo cũng là đau
em đứng mãi trước size người vắng mặt
hai cỡ áo ướm trong mắt em cùng vừa vặn
mua tấm này... xa xót tấm áo kia
***
Có lần em hỏi một mầm cây
cùng mất ngủ cạnh hàng rào những điều tự nhủ
em chợt biết mỗi lần nảy hạt
có toác mầm nào chẳng đớn đau đâu!
***
Có lần em hỏi bóng cây
luôn ngả bóng vẫn không thể hai miền toả mát
lặng lẽ để đêm về mờ nhạt
xanh bên này đành xơ xác mảnh vườn kia
***
Thành phố này đi vắng khỏi nhau chưa?
ai sống với người đàn bà mất ngủ
ai sống với từng đêm tự thú
hai con người mới đủ một tình yêu
***
Em sống cạnh nỗi buồn xa lạ
với chính mình như một kẻ không quen
khi nhắm mắt anh về trong dằn vặt
mong lúc mở mắt ra như giờ đón con về
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Nếu phải gọi tên ấn tượng còn đọng lại thật ám ảnh sau khi đọc bài thơ Người đàn bà mất ngủ của Miên Di, thì đó chính là nỗi xót xa. Nỗi xót xa của em, của anh, của một người nào đó giờ bên em, của một thành phố đi vắng khỏi đời nhau, của những cơn mơ nhòa lẫn bóng hình, của những ý nghĩ chạm vào nỗi sợ. Miên Di nhạy cảm với phần cắt cứa ấy để gọi dậy trong thơ mình nỗi xót xa không bao giờ lành lại.
Có tách mầm nào chẳng đớn đau? Trong mỗi lời thơ của Miên Di, ta đều nhận ra những mảnh vỡ sắc nhọn, ngổn ngang, dằn vặt. Từ nghĩ suy đến thao thức, từ những ngày nhàn nhạt, hiu hắt, nhắm mắt lại hay mở mắt ra, chỉ có nỗi xót xa vây kín cuộc đời em. Giờ đón con về có phải là một niềm cứu rỗi, hay chỉ ken dày thêm những mảnh vỡ trên con đường gọi bước chân mình đi lạc?
'Dù thế nào, anh cứ đến gõ cửa đời em'
Ký ức cất giữ cuộc đời con người và đôi khi cựa mình trở dậy trong mơ. Bài thơ "Dù thế nào, anh cứ đến gõ cửa đời em" của Lê Vĩnh Tài là một lần ký ức trở về như thế.
Tạ Anh Thư hiện sống và làm việc tại Bình Dương. Bài thơ “Chỉ trăng non thấy buồn” in trong tập “Người lạ” năm 2017.
Chuyện gì thực sự đã xảy ra tại thảm kịch Everest 1996?
Gần 30 năm trôi qua, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh nguyên nhân dẫn đến thảm kịch Everest khiến 8 nhà leo núi bỏ mạng hồi tháng 5/1996.