Một nửa làm đầy thế giới là tập truyện ngắn gồm 19 tác phẩm được tuyển chọn từ một cuộc thi viết về phụ nữ do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM tổ chức.
Các tác phẩm này đã vẽ nên chân dung, những vấn đề mà người phụ nữ trong xã hội hiện nay phải đối mặt.
Được sự đồng ý của NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM, Zing trích đăng một số truyện trong sách.
Thoan vốn là cô gái miền xuôi ven biển. 17 tuổi, cô quen, yêu và theo người đàn ông lái máy cày hơn mình mười tuổi phiêu dạt tới vùng thung sâu này.
Ngày đó, bố mẹ Thoan từng khóc hết nước mắt vì con gái. Nhà Thoan là lương dân, quyết định về nhà chồng, cô buộc phải cải đạo.
Tình yêu đã vượt lên tất cả, Thoan cam chịu cực khổ để được ở bên người đàn ông này. Cu Hiếu ra đời năm Thoan tròn 18. Vài tháng sau, bố Hiếu về với ông bà tổ tiên, để lại cho hai mẹ con khoản nợ lớn cùng chuỗi dài cơ cực phía trước.
Cũng từ lúc chồng mất, Thoan như trở thành một con người khác. Chiếc máy cày - công cụ lao động duy nhất nuôi sống cả gia đình được chồng Thoan để lại.
Nhiều lúc vì túng quẫn, Thoan đã tính bán đi. Thoạt nghĩ, để lại cũng chẳng làm gì được, trong khi Thoan lại là phụ nữ chân yếu tay mềm, khó có thể bắt con trâu già bằng sắt ấy nghe theo ý mình trên những đồi đất trơ cằn đá sỏi này. Nhưng Thoan đã quyết định và đã làm được.
Bà mẹ góa vừa tròn đôi mươi trở thành người đàn bà lái máy cày duy nhất trong cả cái vùng thâm sơn cùng cốc rải rác ba, bốn trăm nóc nhà với hàng ngàn đỉnh đồi.
Sau gần chục năm lái máy cày, bà quả phụ ở tuổi sắp sửa ba mươi trở thành tay cự phách nhất nhì trong vùng. Những món nợ trước đó do bố chồng và chồng để lại dần được trả hết. Về cuộc sống hàng ngày, ba mẹ con bà cháu không quá nhiều lo lắng.
Cô đã có một khoản kha khá để lo cho thằng Hiếu đi học, cũng như bà mẹ chồng già thường xuyên đau yếu. Riêng cuộc sống hạnh phúc riêng sau gần chục năm ở góa, Thoan vẫn chưa dám nghĩ đến. Cô không muốn cảm thấy có lỗi với người chồng đã khuất núi.
Dịp mùa thu, Thoan nhận được công cày ở những khoảnh ruộng lớn dưới thung, ngay cạnh khe Kèm. Ngoài Thoan ra, cũng có một vài tổ máy khác, hầu hết là đàn ông.
Có một lần, đang giữa buổi trưa, sau khi ăn vội bữa cơm mang theo, Thoan xuống khe Kèm tắm rửa.
Cô nhẹ nhàng chuồi xuống lòng khe như một con rái cá. Nước khe Kèm về mùa thu trong vắt, có thể nhìn thấy bàn chân chạm đáy cùng những cọng rong đuôi chồn phe phất.
Khi Thoan đang mải mê theo đuổi những ý nghĩ vẩn vơ thì có tiếng sột soạt từ phía ruộng ngô. Thiêm - người đàn ông trong một vài lần Thoan có lướt qua - đứng sững như trời trồng ngay mé nước.
Thoan vội vàng lên bờ, ôm chặt chiếc áo lao động và lao vào những ruộng ngô xanh mơn mởn. Mặt đỏ lựng vì giận dữ hoặc xấu hổ. Phía sau người đàn ông mới quen vẫn đang tạc tượng chính mình.
Sau lần ấy, mỗi lần xuống khe Kèm tắm, Thoan đều mong ngóng một ánh nhìn, hay một tiếng sột soạt phía vô hình nào đó. Mỗi lần như thế, cô lại cảm thấy dằn vặt trước những ý nghĩ tội lỗi của mình.
Sách Một nửa làm đầy thế giới. Ảnh QM. |
Cũng những lần sau đó, dù có phải lem luốc dầu mỡ vì sửa máy cày hay không, cứ đến giờ nghỉ trưa, Thiêm lại đi về khúc khe vô định. Thoan vẫn ngượng ngùng và bẽn lẽn như vậy. Vẫn dáng chạy tất tưởi cùng đôi tai đỏ lựng.
Từ đó, Thoan bắt đầu tìm hiểu khéo về Thiêm. Ba mươi hai tuổi, một thân một mình gà trống nuôi con. Dù hiền lành như cục đất, Thiêm từng đi tù 5 năm vì một lý do ít người biết đến.
Vợ anh chết trong trận lũ rừng cách đây hàng chục năm về trước. Con trai duy nhất cũng ngang tầm tuổi Hiếu. Nhà Thiêm ở tả ngạn, ven con khe Kèm này. Vào một đêm giữa rằm, mới nhập nhoạng tối mà vầng trăng đã như mâm vàng lơ lửng trên nền trời xám. Thoan cố cày đêm cho xong nốt khoảnh ruộng bù công để ngày mai chủ đất gieo ngô vụ mới.
Khi cô hoàn thành đường cày cuối cùng, Mặt trăng cũng đã chênh chếch mé đồi già. Thấy trong người bí bức, Thoan định bụng xuống khe Kèm tắm. Cả cánh đồng thung sâu, không một bóng người.
Thoan lao xuống lòng khe nhẹ nhàng như vầng trăng ẩn mình giữa chùm mây lớn. Có tiếng rột roạt tiến lại gần. Thoan bắt gặp ánh nhìn của Thiêm.
Thoan chạy lên bờ. Nhưng không phải để ôm chiếc áo bạc màu, cáu bẩn. Cô ôm chầm lấy Thiêm. Vòng tay anh chắc nịch, siết lại.
Không hiểu sao, câu chuyện Thoan quen biết Thiêm đến tai bà mẹ chồng trái tính. Từ hôm đó, bà cấm cô con dâu đi cày cánh đồng mạn dưới.
Trừ những lúc đi nhà thờ, cứ ở nhà ngồi bên bậu cửa, bà cụ vừa nhai trầu phèn phẹt vừa chửi rủa cô con dâu không ngớt mồm. Nào là người đàn bà lăng loàn, không giữ đạo hạnh. Mất nết, thất tiết, báng bổ thần thánh, chúa trời. Nào là quen quân vô đạo, vào tù ra tội.
Nhiều khi trong những cơn đau mê dại, người phụ nữ dùng chính sự bất hạnh của bản thân để soi chiếu cuộc đời. Họ không muốn người phụ nữ khác hạnh phúc hơn mình. Vốn quen với tính tình bà cụ, Thoan cũng không để tâm đến. Cô vẫn lặng lẽ làm việc nhà và dạy Hiếu học bài. Bao nhiêu năm nay, bà cụ vẫn ám ảnh việc một ngày nào đó con dâu sẽ đi bước nữa.
Một ngày sát Tết, Thiêm đánh con min-khơ chở theo thằng con trai cùng đôi gà sống đến nhà Thoan. Thiêm và Thoan xin phép bà cụ về chuyện của hai người. Điều lạ là bà không hề đồng ý, hay phản đối.
Cũng chả nói câu gì, chỉ lẳng lặng đi đến ban thờ thắp hương cho người chồng quá cố cùng đứa con trai độc đinh đoản mệnh. Xong bà lẳng lặng đi vào buồng trong.
Mùa xuân năm ấy, Thoan và Thiêm cưới nhau. Hôm đó, mẹ chồng Thoan ở lại nhà thờ cả ngày. Mùa thu, Thoan sinh cho Thiêm một đôi công chúa xinh xắn, mắt đen lay láy như những hạt đỗ rừng.
Đầy tháng, vợ chồng Thoan đưa hai con gái nhỏ lên nhà thờ đá nhờ mẹ chồng làm lễ rửa tội. Dù dọn về nhà Thiêm, Thoan vẫn không bỏ đạo.
Thiêm thiết kế hẳn cho vợ một gian thờ Chúa ngay trong ngôi nhà của anh, sát cạnh với ban thờ ông bà tổ tiên. Thiêm cũng sửa sang cơi nới thêm hai gian buồng rộng rãi với ý định sẽ mời mẹ chồng cũ của Thoan về sống cùng để tiện thăm nom các cháu.
Vốn côi cút từ bé nên Thiêm xem bà cụ như mẹ ruột của mình vậy. Những con người bất hạnh tựa vào nhau mà làm nên hạnh phúc.
Và chính niềm hạnh phúc của Thoan đã dần cảm hóa bà cụ, giúp bà hồi tâm chuyển ý dọn về ở hẳn trong gian buồng sát vách phòng cu Hiếu và đứa con riêng của Thiêm.