Khi đàn chuột bắt đầu xuất hiện ở New South Wales và Queensland cuối năm 2020, cư dân tại đây hăng hái như thể họ bước vào một cuộc chiến.
Người ta khi đó nói về lập chiến lược chống chuột, đặt những cái bẫy vô cùng tinh vi, hay gia cố nhà cửa để chống lại kẻ thù nhỏ bé nhưng tạo ra vô vàn phiền toái.
Sáu tháng đã qua, số lượng chuột một lần nữa tăng mạnh trở lại, bất chấp hàng nghìn tấn thuốc diệt chuột đã được sử dụng, đó là chưa kể một trận lụt kinh hoàng quét qua khu vực bờ Đông đất nước.
Chuột giờ đây không còn là kẻ thù cần tận diệt, chúng dường như đã trở thành những đám mây lông rậm màu đen phiền toái di chuyển khắp nơi mà người dân phải học cách chung sống, theo Guardian.
Ác mộng
Cơn ác mộng mà Australia đang trải qua được gọi là "dịch chuột", do những đàn chuột nhà với số lượng khổng lồ gây ra.
Chuột nhà do người châu Âu mang tới Australia năm 1788. Từ đó đến nay, dịch chuột đã một số lần xảy ra ở Australia mỗi khi điều kiện thuận lợi, với tần suất ngày một dày.
Năm nay, tình hình trở nền trầm trọng tới mức chính quyền bang New South Wales phải công bố gói cứu trợ khẩn cấp 50 triệu USD cho người dân chống lại dịch chuột, trong đó có tiền nghiên cứu thuốc diệt chuột, khoản hỗ trợ thuốc diệt chuột và bẫy chuột đến 1.000 USD cho mỗi doanh nghiệp nhỏ và 500 USD cho mỗi hộ dân.
Xác chuột chết trong kho của nông dân ở Walgett. Ảnh: Guardian. |
Nhưng với nhiều người dân, khoản hỗ trợ không là gì so với những thiệt hại mà đàn chuột gây ra.
"Chúng tôi đi xa 4 tuần và nhờ người thân kiểm tra nhà mỗi ngày. Có một thời gian khoảng 4 ngày không ai tới xem xét, và trong 4 ngày đó, chúng đã tràn hết vào trong nhà", Louise McCabe, cư dân ở thị trấn Tallimba, cho biết.
Khi người thân được McCabe nhờ kiểm tra mở cửa, hàng nghìn con chuột đã ở phía bên trong.
"Chúng đã nhai nát tấm thảm mới mua, ăn cả sàn gỗ. Lò nướng bị chúng phá hỏng. Chúng ăn cả lớp cách nhiệt bên trong máy rửa bát", McCabe nói.
McCabe sau đó phát hiện chuột làm tổ bên trong gối trên ghế salon, bò vào các tủ bếp, phá hủy các mạch điện. Thiệt hại tổng cộng lên đến 30.000 USD.
Đỉnh điểm là khi người phụ nữ bỏ đống quần áo dình nước tiểu chuột vào trong máy giặt. Khi quay lại, cô phát hiện xác một con chuột đã trương phềnh bên trong lớp kính.
Trong khi đó, một nông dân tên Ben Storer sống ở Walgett, cho biết 800 ha lúa miến của ông đã bị đàn chuột phá hoại, thiệt hại tới 200.000 USD. Chuột tấn công mọi nơi trong trang trại của Storer, từ nhà chứa ngũ cốc, máy xay xát cho tới đường ống lọc nước của bể bơi.
Ở cao điểm của dịch chuột, hàng nghìn con chuột chết được tìm thấy mỗi khi ông Storer dùng máy xay để xay số ngũ cốc ông thu hoạch.
Đặt mồi là biện pháp duy nhất có thể được triển khai ở quy mô lớn để kiềm chế số lượng của đàn chuột. Vì thế, tại các thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mùi nước tiểu và xác chuột chết nồng nặc khắp nơi. Cư dân địa phương miêu tả mùi xác chuột thối rữa đến mức "không thể chịu nổi".
"Với thuốc độc, chúng ta có thể giết 100.000 con chuột một đêm. Nhưng sáng hôm sau, 200.000 con khác sẽ quay lại", ông Storer cho biết.
"Không ai hiểu được dịch chuột cho đến khi đã trải qua. Không ai hiểu được mùi hôi thối tột cùng, đồ nội thất bị phá hoại. Chuột ăn hết lớp cách nhiệt trong hệ thống điều hòa, ăn dây điện trên mái nhà, ăn mòn các bộ phận trong bảng mạch điện", John Southon, hiệu trưởng trung học Trundle Central, cho biết.
Hy vọng mùa đông
Trong khi cư dân địa phương dường như đã từ bỏ cuộc chiến chống chuột, nhà chức trách New South Wales đã vào cuộc. Các chuyên gia cho biết họ đã thành công sáng chế một loại thuốc diệt chuột có thể đảo chiều cuộc chiến hiện nay.
Loại thuốc diệt chuột mới sử dụng chất hóa học siêu độc có tên bromadiolone đang được chính quyền New South Wales xin giấy phép sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo loại thuốc này có thể gây nguy hiểm cho các loài vật bản địa ăn phải xác chết của chuột.
Steven Henery, chuyên gia về chuốt của Cơ quan Khoa học và Nghiên cứu công nghiệp Australia, cho biết mùa đông sắp tới sẽ là cơ hội để con người chấm dứt dịch chuột hiện nay.
"Tôi hy vọng mùa đông sẽ làm chậm tốc độ sinh để của loài chuột, và sẽ chỉ còn số lượng rất ít chuột sống sót", ông Henery cho biết.
Ông Henery cảnh báo một trong những lo ngại thực sự là đàn chuột có số lượng sống sót qua mùa đông ở mức cao, và nếu điều kiện thời tiết thuận lợi vào mùa xuân sau đó, chúng sẽ bắt đầu sinh trưởng mạnh trở lại.
Nông dân đốt cánh đồng sau khi thu hoạch để phá hủy nguồn thức ăn của đàn chuột. Ảnh: Guardian. |
"Vào tháng 8, các nông dân cần đi ra cánh đồng của họ, xem xét dấu hiệu đàn chuốt phá hoại. Nếu như phát hiện bất cứ dấu hiệu nào, khi đó họ sẽ phải ra tay tiêu diệt chúng, trước khi mùa sinh sản đến", ông Henery cho biết.
Mọi chiến lược diệt chuột của con người sẽ chỉ có thể làm giảm số lượng chuột ở mức độ nhất định. Các chuyên gia cho biết, để có thể chiến thắng dịch chuột, con người sẽ phải chờ đợi vào sự giúp sức của những hiện tượng tự nhiên thực sự khủng khiếp đối với loài chuột.
"Số lượng rất lớn cá thể chuột tương tác với nhau làm tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh. Khi hiện tượng này xả ra cùng lúc chúng hết thức ăn, chúng sẽ đổ bệnh và bắt đầu ăn thịt lẫn nhau, ăn thịt những con non. Đó là khi toàn bộ hệ thống sinh trưởng của chúng sụp đổ", ông Henery cho biết.
Nhưng cho tới khi ngày đó đến, con người sẽ phải tiếp tục lắp bẫy, đặt mồi, và cầu nguyện thời tiết sẽ trở nên lạnh giá khắc nghiệt.
"Tôi chỉ còn biết cầu cho trời lạnh đến đóng băng. Đó là tất cả những gì có thể làm lúc này", McCabe nói.