Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người cựu chiến binh và cái duyên ông bầu bóng đá nữ

20 năm nay, các thế hệ học trò qua tay ông Kiểm huấn luyện, nhiều người đang là những gương mặt sáng giá của nước nhà.

Từng là một người lính trở về quê hương với hai bàn tay trắng, ông Dương Khắc Kiểm (68 tuổi) quê ở làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín – Hà Nội) đã phải lăn lộn đủ mọi thứ nghề để nuôi sống gia đình. Cho đến năm 1986, khi tình cờ đọc được một tờ báo đưa tin về một đội bóng nữ ở Na Uy giành giải vô địch thế giới, khi ấy ở Việt Nam chưa có bóng đá nữ, ông đã đặt ra một câu hỏi “tại sao con gái trong làng mình lại không thể trở thành các cô gái quần đùi áo số được chứ”. Cái ý tưởng thành lập đội bóng nữ ở làng của ông bắt đầu nhen nhóm từ đó.

Ông Nguyễn Khắc Kiểm, người được coi là “ông bầu” đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam
Ông Nguyễn Khắc Kiểm, người được coi là “ông bầu” đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam.

Năm 1993, khi đó ông Kiểm đang làm phó ban thể thao của xã Nghiêm Xuyên, xã có ý định mở giải, ông được giao cho nhiệm vụ tổ chức và phải nghĩ ra môn thể thao nào phải vừa hào hứng lại vừa văn minh. “Tôi đã nghĩ ngay đến bóng đá nữ, cái ý tưởng mà tôi đã ấp ủ từ nhiều năm trước”, ông nói.

Nhiều người đã phản đối với ý tưởng “điên rồ” của ông, bởi người ta vẫn giữ quan niệm con gái là phải dịu dàng nết na, đi đứng nhẹ nhàng, hơn nữa ăn mặc phải “kín cổng cao tường”, chứ ở đâu ra cái kiểu quần áo thì cộc cỡn, lại còn khua tay múa chân như đàn ông vậy.

Hai năm nay, ngày nào ông Kiểm cũng cùng với các cháu nhỏ trong làng ra sân tập luyện.
Hai năm nay, ngày nào ông Kiểm cũng cùng với các cháu nhỏ trong làng ra sân tập luyện.

Thế rồi xã cũng đã đồng ý cho ông thành lập ra 2 đội bóng mang tên gọi Thanh Xuân và Tuổi Trẻ để phục vụ cho giải thể thao của xã, với sự tham gia của 30 em gái trong xã tuổi từ 13 đến 20. Ông Kiểm nhớ lại khi đó một mình ông vừa phải chạy ngược xuôi để liên hệ mua áo đồng phục cho cả 2 đội bóng: "Thời kỳ ấy in chữ còn rất khó khăn và tốn kém lắm, kinh phí thì hạn hẹp tôi phải đi xin phim chụp x-quang trong bệnh viện, rồi về khoét từng chữ trên tấm phim, và đặt vào áo lấy mực quét lên làm logo lên áo của các cầu thủ lại vừa phải lo tập luyện cho các cầu thủ cả 2 đội. Mệt mỏi lắm, nhưng đam mê thì không sợ vất vả, hơn nữa là một người lính trở về từ cõi chết, thì còn gì tôi không trải qua".

"Cuộc thi hôm đó hôm đó diễn ra vừa bi vừa hài, mấy chục người chạy qua không đá trúng 1 quả bóng. Khán giả chen chúc nhau có tới khoảng 4.000 người đến xem cười lăn cười bò. Lần đầu tiên họ được chứng kiến và biết đến bóng đá nữ ở vùng quê còn nghèo nàn lạc hậu và lần đầu tiên họ thấy các cô gái lại mạnh mẽ và quyết liệt đến vậy", ông Kiểm nói tiếp.

Từ đó “bầu Kiểm” trở thành huấn luyện viên không công cho tới hôm nay.  Có những thời điểm khó khăn, câu lạc bộ của ông không có kinh phí để hoạt động, thầy Kiểm mang theo thúng dẫn các em đi đến nhà dân để quyên góp ủng hộ cho đội bóng. Kết quả, ông và các học trò của mình đã xin được 300 nghìn đồng và sáu tạ thóc. Ông đem đi bán để có tiền đưa vào quỹ hoạt động của lớp. Chính quyền xã Nghiêm Xuyên cũng đã ủng hộ 3 sào ruộng để lấy chỗ cho ông và các học trò của mình làm sân tập. Cho đến tận bây giờ, hết ngày này qua ngày khác, cứ 2h chiều, không kể nắng mưa ông Kiểm và các học trò của mình lại ra sân tập luyện.

Gần 20 năm nay, các thế hệ học trò đã được “bầu Kiểm” huấn luyện lên tới khoảng gần 300 người, có những gia đình ông dạy từ thế hệ mẹ đến con. Ông Kiểm cho chúng tôi xem danh sách và ảnh các cầu thủ đã từng qua tay ông đào tạo, trong số đó có những người đang là gương mặt sáng giá của đội tuyển trẻ Hà Nội và của quốc gia. Tiêu biểu như Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thanh Hường, Đỗ Thu Trang, Phạm Thu Trang, Phạm Hải Yến… CLB của ông cũng đã đoạt nhiều huy chương cấp huyện, thành phố, toàn quốc và cả trong khu vực. Nhiều học trò của ông đã được bổ sung vào đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội và Quốc gia.

Ông Kiểm chụp ảnh cùng học trò Dương Thị Khánh Ly – Thủ môn “vang bóng một thời” của nước nhà
Ông Kiểm chụp ảnh cùng học trò Dương Thị Khánh Ly – Thủ môn “vang bóng một thời” của nước nhà.

Ông Kiểm vui mừng khoe với chúng tôi rằng ông vừa cho đội bóng của mình tham gia giải bóng đá “vui chơi mùa hè năm 2014” do Sở TDTT Thành phố Hà Nội tổ chức, cả ba đội bóng của ông đã đạt được ba giải nhất, nhì, ba. Trong đó có hai cháu được tuyển vào đội tuyển trẻ U14 của thành phố Hà Nội.

Hình ảnh ông già với vầng trán cao, mái đầu bạc phơ, hàng ngày vẫn cùng đám trẻ con trong làng ra sân tập bóng không còn xa lạ đối với người dân làng Nghiêm Xá như trước đây nữa. Ước muốn lớn nhất của thầy Kiểm là có một sức khỏe tốt, để có thể huyến luyện cho các học trò của mình trở thành những mầm thể thao của nước nhà được đi thi đấu trên đấu trường quốc tế.

Phi Hùng

Bạn có thể quan tâm