Là một sự kiện văn hóa thường niên từ nhiều thập kỷ, Hội chợ sách quốc tế (FIL: Feria Internacional del Libro) Cuba được tổ chức tại Thủ đô La Habana vào dịp đầu tháng hai và kéo dài đến hết tháng năm tại các tỉnh, thành khác, thu hút đông đảo người yêu sách từ mọi vùng, miền.
Năm 2020, Việt Nam được tham gia với tư cách khách mời danh dự. Sau hơn hai tháng chuẩn bị, 10 đơn vị xuất bản, phát hành sách (Kim Đồng, Thái Hà, Thế giới, Văn học, Hội Nhà văn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Lao động Xã hội, Trẻ, và Phương Nam) đã mang đến ba tấn sách để trưng bày tại pháo đài San Carlos de la Cabaña và tặng cho Viện sách Cuba.
Mỗi lần nhớ lại chuyến công tác trong khuôn khổ 10 ngày đó, nhiều đại diện đơn vị làm sách trong nước đều ấn tượng và thích thú trước quy mô tổ chức và nền văn hóa đọc của nước bạn.
FIL Cuba để lại ấn tượng khó phai
Là quốc đảo với dân số chỉ hơn 11 triệu, nhưng lượng bạn đọc đến đây đông như đi hội. Sức hút của sự kiện khiến giới làm sách Việt Nam “không khỏi choáng ngợp”.
Dù đã tổ chức bán vé từ cả tuần trước, song những ngày diễn ra FIL, pháo đài San Carlos de la Cabaña vẫn tấp nập người xếp hàng mua vé vào tham quan. Ảnh: Albaciudad. |
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - chia sẻ sự thích thú khi được tham dự một trong những hội chợ sách hàng đầu Mỹ Latinh. Đối với ông, nó thực sự tạo ra không gian văn hóa, kết nối bạn đọc với người làm sách.
Hồi tưởng lại những buổi tiếp khách, đón bạn đọc, TS Nguyễn Mạnh Hùng - đại diện Thái Hà Books - cho rằng việc có mặt tại đây là một “nhân duyên” và bức tranh về dòng người hối hả đến tham dự FIL Cuba luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Ông Hùng cũng mong hình ảnh các gia đình chen nhau đi Hội sách ở La Habana sẽ lan tỏa đến Việt Nam.
Mong hình ảnh các gia đình chen nhau đi Hội sách ở La Habana sẽ lan tỏa đến Việt Nam.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thái Hà Books
Theo ông Phạm Trần Long, ngoài việc đắm mình vào thế giới của sách vở, người Cuba còn dành thời gian cho những hoạt động cộng đồng, trao đổi văn hóa tại pháo đài. Đơn giản là họ đang “tận hưởng cuộc sống theo cách đầy đủ nhất, giữa thiên nhiên, gia đình, bạn bè, và những trang sách”.
Tình yêu sách được thấm nhuần từ nhiều phía
Trong lễ khai mạc FIL Cuba có sự hiện diện của Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel Bermúdez, Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernández, Phó Thủ tướng thứ nhất Roberto Morales Ojeda, Bí thư TW Đảng Víctor Gaute, cùng nhiều lãnh đạo Bộ Chính trị, Bộ Văn hóa và Viện sách Cuba.
Nhiều lãnh đạo cấp cao Cuba có mặt tại pháo đài để tham dự lễ khai mạc FIL lần thứ 29. Ảnh: Presidencia Cuba |
“Tôi rất bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh nhiều lãnh đạo cấp cao Cuba đến tham dự, nhưng không chỉ với tư cách công việc, họ còn đưa vợ con đến như một ngày hội thực thụ. Họ tham quan, mua sách, vui vẻ ăn uống và trò chuyện tại pháo đài”, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết.
Sự có mặt của các quan chức nhà nước, theo Phó Giám đốc Phương Nam Books Trịnh Hải Phương, cũng góp phần truyền thông hội sách và văn hóa đọc đến toàn thể người dân. Theo ông, đây là cách làm hay mà chúng ta nên học hỏi.
Từng có thời gian 5 năm theo học tại quốc đảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều xúc động khi được quay trở lại nơi đây: “Tôi đã gặp ở đó rất nhiều quan chức đến nghe thuyết trình và mua sách. Dù bận trăm công nghìn việc, vai trò của một người yêu sách vẫn không rời bỏ họ. Chỉ khi đặt mình vào vị trí của bạn đọc, họ mới thực sự biết được sự cần thiết của sách đối với dân trí”.
Theo người đứng đầu giới cầm bút trong nước, chính sự hiện diện của phía lãnh đạo Cuba đã đánh thức ham muốn đọc sách của toàn thể người dân. Khi chính quyền và người dân cùng chung một mục đích, cùng bước chung trên một con đường, thì họ sẽ cùng đi đến đích.
Niềm ham mê đọc sách trong từng người dân là chất xúc tác tác động ngược trở lại đối với giới lãnh đạo.
Ông Phạm Trần Long – Phó Giám đốc NXB Thế giới
Mặt khác, Phó Giám đốc NXB Thế giới quan điểm: “Văn hóa đọc ở Cuba được thấm nhuần theo cả hai hướng từ trên xuống và từ dưới lên. Các cấp lãnh đạo quan tâm, chú ý thúc đẩy văn hóa đọc; và ngược lại, niềm ham mê đọc sách trong từng người dân cũng là chất xúc tác tác động ngược trở lại đối với giới lãnh đạo”.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Cuba Alex Pausides đã trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông nói: “Năm nay chúng tôi có thể khó khăn về nhiều thứ, nhưng số lượng sách được in ấn, phát hành so với lúc nền kinh tế của Cuba khá nhất, cũng không hề thuyên giảm”.
Ở mọi hoàn cảnh, sách trong đời sống của người Cuba luôn giữ được sự cân bằng, bởi cả nhà nước, người làm sách và người dân quốc đảo đều coi đó là một chiến lược tạo nên tri thức.
Trong điều kiện khó khăn, việc mua sách không hề bị cắt giảm
2020 là một năm vô cùng khó khăn đối với người dân xứ “hòn đảo lửa” (xăng dầu, thực phẩm khan hiếm) nhưng trong điều kiện eo hẹp, họ vẫn mời được hơn 40 nước đến tham dự. Dường như hoàn cảnh không làm thay đổi cách con người ta ứng xử với sách và tri thức.
Hàng triệu người dân bản địa, khách du lịch, sinh viên nước ngoài đang theo học tại quốc đảo đều không bỏ lỡ cơ hội đến với lễ hội văn hóa thường niên này. Từ một không gian rộng lớn trên cao, 10 ngày diễn ra sự kiện, pháo đài San Carlos de la Cabaña được “lấp đầy” bằng những khuôn mặt mang trong mình niềm hân hoan chọn mua sách.
Hòn đảo Cuba bị cấm vận hơn nửa thế kỷ nay, nhưng chỉ dịch bệnh mới là lý do khiến họ ngừng tổ chức FIL. Người dân nơi đây thường nói đùa: “Chum gạo của chúng tôi có thể vơi, nhưng tủ sách thì không bao giờ”.
Trong chuyến công tác, điều khiến nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động nhất là khi bắt gặp một gia đình lặn lội từ Camagüey (một tỉnh miền Trung của Cuba) lên tận La Habana để tham dự FIL. Trò chuyện với họ, ông biết được họ đã phải dành dụm một số tiền nhất định để đến đây mua lượng sách lớn về dùng cho cả gia đình trong một năm.
Người Cuba sống nghèo khó, nhưng cảm hứng về sách của họ thì luôn dư thừa.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Theo ông, điều quyết định số phận của văn hóa đọc không phải khâu tổ chức mà chính là người dân. Người Cuba sống nghèo khó, nhưng cảm hứng về sách của họ thì luôn dư thừa.
“Sự tính toán cho việc mua sách của người Cuba đôi khi còn quan trọng hơn mua một chiếc xe hơi. Tôi gửi họ một chút tiền nhưng nhận lại sự từ chối. Chỉ đến khi nói rằng tôi muốn tặng họ những cuốn sách hay nhưng không biết chọn cuốn nào nên nhờ họ chọn hộ, nói như thế họ mới đồng ý nhận tiền”, ông Thiều kể.
Câu nói “Chum gạo của chúng tôi có thể vơi, nhưng tủ sách thì không bao giờ” tưởng chừng vui đùa, nhưng hóa lại là thật. Nếu như với họ, đọc sách là một nghi lễ thì quả không ngoa khi cho rằng FIL Cuba là một lễ hội thực thụ.