Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, ông Trần Anh Tuấn, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. Vị trí lãnh đạo cao nhất tại nhà băng này vẫn bỏ ngỏ.
Mới đây, thêm một "ông lớn" ngân hàng quốc doanh nữa tiếp tục bỏ trống vị trí lãnh đạo cao nhất này.
Cả VDB và BIDV đều chưa có chủ tịch HĐQT
Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), vừa thôi giữ chức Chủ tịch để chuyển về công tác tại BIDV. Ông Tùng mới giữ chức Chủ tịch VDB từ đầu tháng 6/2016, thay cho ông Nguyễn Quang Dũng, quyền Chủ tịch, nghỉ hưu.
Trao đổi nhanh với Zing.vn, ông Phạm Quang Tùng không nói cụ thể vị trí tại BIDV mà ông đảm nhiệm.
Trước khi làm Chủ tịch tại VDB, ông Tùng có 4 năm đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc tại BIDV, đồng thời là người có 20 năm gắn bó với hoạt động của nhà băng này.
Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT VDB được điều chuyển công tác về BIDV trong bối cảnh ngân hàng này chưa có Chủ tịch HĐQT 15 tháng qua. Ảnh: BIDV. |
Trước đó, ông Trần Bá Huấn, Tổng giám đốc VDB, cũng nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10.
Như vậy, sau khi ông Tùng trở lại BIDV để công tác, VDB đang bỏ trống cả 2 vị trí lãnh đạo cao nhất, là chủ tịch và tổng giám đốc. Còn tại BIDV, vị trí chủ tịch HĐQT vẫn trống kể từ tháng 9/2016, khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu.
Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu theo chế độ, nhiều người tin rằng ngân hàng sẽ có chủ tịch mới "chèo lái" sau khi ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, khi đại hội kết thúc, chiếc ghế chủ tịch nhà băng này vẫn bỏ trống. Ông Trần Anh Tuấn là Thành viên phụ trách HĐQT và ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc ngân hàng là người đại diện theo pháp luật.
Nhà nước cũng chưa tìm được người đại diện 40% vốn tại BIDV, khi mới chỉ có 2 người là ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc và ông Bùi Quang Tiên mỗi người đại diện 30% vốn.
Cho vay nhiều, nợ xấu cũng không ít
Chiếc ghế Chủ tịch tại BIDV bị bỏ trống rất lâu trong bối cảnh ngân hàng này là một trong “tam trụ” ngân hàng thương mại, với quy mô tổng tài sản đạt trên 1 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng cũng thuộc hàng cao nhất hệ thống.
Tuy nhiên, so với 2 người anh em ngân hàng quốc doanh còn lại là VietinBank và Vietcombank, BIDV có phần lép vế hơn về kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản.
Hiện tại, hơn 80% lợi nhuận của các ngân hàng Việt vẫn đến từ hoạt động cấp tín dụng. Dù là ngân hàng có dư nợ tín dụng lớn nhất, BIDV lại là ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất trong nhóm 3 ngân hàng quốc doanh.
Cụ thể, 9 tháng năm 2017, tuy thu về tới hơn 23.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi từ việc cho vay) BIDV lại chỉ đạt 5.555 tỷ lợi nhuận trước thuế. Trong khi con số lợi nhuận bên phía VietinBank là hơn 7.232 tỷ và Vietcombank là 7.934 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/thu nhập lãi thuần của BIDV chỉ 24%, thấp hơn nhiều so với 36% của VietinBank và 49% của Vietcombank. Nguyên nhân chủ yếu do BIDV đã phải dành rất nhiều tiền trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, lên tới 11.886 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, lớn hơn tổng số VietinBank và Vietcombank cộng lại.
Việc trích lập dự phòng cao do BIDV hiện là ngân hàng có khối lượng nợ xấu khá cao, lên tới 17.246 tỷ đồng nội bảng, tương đương 2,08% tổng dư nợ, trong đó hơn 60% là nợ có khả năng mất vốn. Chính khoản nợ xấu này khiến BIDV phải dành rất nhiều tiền để trích lập dự phòng, bào mòn lợi nhuận từ đầu năm đến nay.