“Hoặc là một cuộc bầu cử thứ 5, hoặc là chính phủ liên hiệp”, ông Bennet nói trên sóng truyền hình vào ngày 29/5, Reuters đưa tin.
Từ tháng 4/2019 đến nay, Israel đã tổ chức 4 cuộc bầu cử nhưng đều không có kết quả. Cả đảng cánh hữu Likud của ông Netanyahu và phe đối lập không thể giành đủ 61 ghế ở quốc hội 120 người của Israel để lập chính phủ mới.
Quyết định của ông Bennett có thể giúp người đứng đầu phe đối lập Yair Lapid tập hợp được liên minh các đảng cánh hữu, ôn hòa, và cánh tả để đánh bại ông Netanyahu, lãnh đạo lâu năm nhất của Israel.
Ông Lapid, lãnh đạo đảng ôn hòa Yesh Atid, được tổng thống Israel ra hạn chót thông báo chính phủ mới trong thời gian từ nay đến ngày 2/6.
Khả năng thành công của ông Lapid phụ thuộc chủ yếu vào ông Bennett. 6 ghế mà đảng Yamina của ông Bennett nắm giữ trong quốc hội đủ để khiến ông Bennett trở thành người định đoạt thắng bại trên chính trường Israel vào lúc này.
Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực chưa được xác nhận, ông Bennett sẽ thay thế Thủ tướng Netanyahu trong 2 năm rồi nhường lại vị trí cho ông Lapid.
Naftali Bennett và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước khi Covid-19 xuất hiện tại Israel. Ảnh: Flash 90. |
Ông Bennett có quan hệ lâu dài nhưng trắc trở với Thủ tướng Netanyahu. Theo Reuters, ông Bennett từng làm trợ lý cấp cao cho ông Netanyahu trong các năm 2006-2008 trước khi từ chức vì bất hòa.
Năm 2013, ông Bennett trở lại chính trường và lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu như bộ trưởng Quốc phòng, Giáo dục và Kinh tế.
Sau 4 lần bầu cử bất thành, ông Bennett cho rằng lần bỏ phiếu thứ 5 sẽ là tai họa quốc gia nên đã ngồi vào bàn đàm phán với khối các đảng ôn hòa - cánh tả, phe đối lập chính với ông Netanyahu.
Một điểm chính trong chương trình nghị sự của ông Bennet là việc sáp nhập một phần Bờ Tây - vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967 - vào Israel.
Tuy nhiên, mục tiêu trên hiện không khả thi về mặt chính trị do liên minh chống lại ông Netanyhua còn cần sự ủng hộ của các thành viên người Arab trong quốc hội. Những thành viên này vốn dĩ phản đối hầu hết chương trình nghị sự của ông Bennett.
Ngày 29/5, ông Bennett cho biết cả cánh tả và cánh hữu sẽ phải thỏa hiệp trên một số phương diện như trên.
Không như một số cựu đồng minh thuộc cánh tả tôn giáo, ông Bennett tương đối tự do về các vấn đề như quyền của người đồng tính và quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước.