Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người chi tiền tỷ săn cá tiến vua tự nhiên về bán

Biết đến 3 trong 5 loại cá tiến vua có thịt thơm ngon và rất hiếm, anh Việt, chủ một nhà hàng ở Văn Quán, Hà Nội đã chi cả tỷ đồng để săn cá tự nhiên về bán.

Là người sành ăn, lại đang sở hữu một nhà hàng thủy sản ở Văn Quán, Hà Nội nên anh Đỗ Hồng Việt luôn ấp ủ dự định chinh phục những loài cá tiến vua quý hiếm ở Việt Nam.

Anh cho biết, trước đây, những loại cá tiến vua như anh vũ, chiên, dầm xanh,...chỉ phổ biến hàng đông lạnh và hầu hết chưa có nhà hàng nào cung cấp cá tươi ở Hà Nội. Chính vì thế, anh nảy ra ý định sẽ đưa các loại đặc sản này về Hà Nội, bán theo dạng tươi sống. Khi bắt tay làm, phải mất 2 năm hỏi han, thử nghiệm, anh mới tìm ra phương pháp đưa cá tươi đánh bắt bắt tự nhiên về thủ đô.

"Theo nghiên cứu, có 5 loại cá tiến vua từng được nhắc đến thì hiện tại tôi đã sở hữu 3/5 loại là cá anh vũ, cá dầm xanh và cá chiên. Do quý hiếm và phải đánh bắt tự nhiên nên những loại cá này có giá cao hơn hẳn so với các loại 'bình dân' khác", anh Việt nói.

Tại cửa hàng, cá dầm xanh có giá 850.000 đồng/kg, cá chiên 1,2 triệu đồng/kg, phổ biến ở khu vực Mai Châu (Hòa Bình) và sông Gâm (Tuyên Quang). Bên cạnh đó, hiếm và đắt nhất là cá anh vũ loại sống ở vùng Tây Nguyên với cân nặng khá lớn, giá dao động 2,5-2,6 triệu đồng/kg.

Những con cá tiến vua được nuôi sống có giá trị cao gấp 5-6 lần so với cá đông lạnh. Ảnh: Ngọc Lan.

Để săn tìm được những đặc sản tiến vua này, anh Việt cho biết đã phải trải qua thời kỳ "đau đớn" khi mất gần 2 năm nghiên cứu, 6 lần liên tiếp thất bại với hàng trăm kg cá chết trắng, số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

"Ban đầu, do cách tiếp cận cũng như không hiểu đặc tính của giống cá này nên chúng tôi thu mua cá được đánh bắt thủ công, mổ cá chết và bán đông lạnh. Khi ấy, mỗi kg cá anh vũ chỉ khoảng vài trăm nghìn. Nếu bán cá tươi sống, giá lên đến tiền triệu, cao gấp 5-6 lần bình thường", anh Việt chia sẻ.

Sau nhiều lần thử nghiệm đưa cá về Hà Nội, anh Việt dần rút ra kinh nghiệm và tìm được giải pháp giúp chữa lành vết thương cũng như chế độ nuôi thuần giống cá này. Anh chi 500 triệu cung cấp miễn phí ngư cụ như bè, lưới vây,... và cử 1-2 người nằm vùng ở Tây Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ để trực tiếp hướng dẫn cách đánh bắt cho người dân sao cho độ sát thương của cá ít nhất có thể. Sau đó, anh làm bè ngay tại trên sông để cá tự chữa lành vết thương và nuôi thuần với môi trường nước nông. Trung bình mỗi lứa nuôi thuần kéo dài khoảng 15-20 ngày.

Bể cá tiến vua gồm cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên tại cửa hàng anh Việt. Ảnh: Ngọc Lan.

Mặt khác, do phải vận chuyển đường xa từ các tỉnh miền Bắc, Trung... ra đến Hà Nội, nên tỷ lệ cá sống sót rất thấp, chỉ khoảng 40%. Vì thế, anh Việt phải đóng thùng lớn, thuê xe tải và có chuyên gia kiểm tra độ PH, thay nước 4 tiếng một lần. Mỗi chuyến thu mua về Hà Nội mất khoảng 10-15 ngày, dao động từ 60 đến 80 kg, tổng chi phí một năm cũng lên đến tiền tỷ.

Cá sống có giá trị cao gấp nhiều lần so với cá đông lạnh nên việc thuần nuôi cá tự nhiên cũng mang lại thu nhập cao cho bà con ở nơi đây. Anh Nguyễn Hiếu, một người nuôi cá tại Tây Nguyên cho biết:"Cá anh vũ thường sống ở khu vực vực lòng sống, nơi nước chảy siết nên rất khó đánh bắt. Trước kia, chúng tôi đánh bắt thủ công, để cá chết và mổ bán đông lạnh cho các nhà hàng ở Hà Nội và TP HCM. Giá mỗi kg cá đông lạnh chỉ khoảng 500.000 đồng. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, áp dụng phương pháp đánh bắt cá tươi sống, mỗi con nặng khoảng 2 kg cũng thu về được gần 2 triệu đồng".

Cá dầm xanh được anh Việt thu mua trực tiếp từ ngư dân ở Tây Nguyên. Ảnh: NVCC.

Cá tiến vua ngày càng hiếm, đặc biệt là cá anh vũ và dầm xanh nên việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn. "Chúng rất chậm lớn, mỗi con phải có tuổi đời khoảng 5 năm, nặng chừng 2-4 kg mới cho thu hoạch. Vì thế, tôi chỉ đánh bắt những con đủ trọng lượng để cung cấp ra thị trường còn cá bé được thả về môi trường tự nhiên. Do đó, vào tháng Giêng và đầu hè, lượng cá to rất hiếm, cung không đủ cầu". 

Vừa bán vừa cung cấp cho các nhà hàng khác ở quanh khu vực Hà Nội, trung bình một tháng, anh Việt bán được khoảng 2-3 tạ cá chiên, 2 tạ cá dầm xanh và cá anh vũ. Trong đó, cá anh vũ bán chạy hơn cả, bởi mỗi lần thu hoạch chỉ được khoảng 40 con nhưng chỉ tiêu thụ trong 25 ngày là hết hàng.

Anh Dương Việt Hùng, chủ một nhà hàng lớn ở Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, trước kia việc thu mua được cá tươi sống rất khó, hiếm, bởi phụ thuộc hầu hết vào ngư dân đánh bắt thủ công tại các tỉnh trọng điểm của các loại cá này như Tuyên Quang, Hòa Bình,... Nhiều khách đặt đến 2 tháng cũng không có hàng. Thậm chí, chất lượng cá không đảm bảo do người dân đánh bắt thủ công và chưa biết cách nhận biết. "Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, do tìm được nguồn cung ổn định bên anh Đỗ Hồng Việt của nhà hàng Làng vạn chài, việc cung cấp sản phẩm cá tiến vua cho khách hàng thường xuyên và được chọn lọc kỹ càng hơn", anh Hùng nói.

Để chinh phục những con cá tự nhiên về môi trường nhân tạo, anh Việt đã phải bỏ rất nhiều tiền của cũng như công sức 2 năm trời nghiên cứu. Hiện tại, việc này vẫn chưa đem lại lợi nhuận nhưng trước mắt đang phát triển theo hướng tích cực. Anh Việt cho biết, rất tự hào về điều này bởi anh đã chinh phục đam mê ấy đến cùng.

Gà Đông Tảo thuần chủng: Lắm tiền chưa chắc đã mua được

Tỷ lệ trứng nở thành công thấp, gà vụng nuôi con và dễ bị bệnh nên số lượng gà Đông Tảo thuần chủng ngày càng hiếm, không dễ để mua.

 

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm