Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lão nông Lạng Sơn thu trăm triệu từ trồng đào tiến vua

Từ sở thích chơi cây, sau gần 16 năm miệt mài nghiên cứu, ông Đặng Vĩnh Chuyên đã thành công với số lượng đào thất thốn khủng, cho thu trăm triệu mỗi dịp Tết.

Vốn đã gắn bó với cây sanh, si cảnh gần 5 năm, nhưng kể từ khi một người bạn ở Hà Nội đem lên tặng một cây đào thất thốn - giống đào quý tiến vua ngày xưa, ông Chuyên dần bị mê hoặc. Những bông hoa đỏ thắm huyền bí đâm ra từ gốc và chỉ nở vào sau Tết 1 tuần khiến ông mê mẩn. Ông Chuyên quyết định bỏ hết xanh, si để nghiên cứu giống đào này. 

“Cây đào dáng trực, ra hoa thắm, nhưng không hiểu vì sao năm nào cũng ra hoa sau Tết. Nghiên cứu trên thị trường mới biết đây là loại đào ‘đặc sản tiến vua’. Vì thế tôi quyết chinh phục bằng được nó”, ông Chuyên kể.

Ông Chuyên phải mất 16 năm để có thể chinh phục được giống đào đặc sản tiến vua. Ảnh: Ngọc Lan.

Chưa có kinh nghiệm trồng đào, ông phải tìm đến các chủ vườn lân cận để học cách chiết, ghép cành và kích cho cây ra hoa. Tuy nhiên, năm sau cây con được chiết mọc rất chậm, chỉ nở được vài bông sau Tết. 

Số lượng người trồng đào thất thốn ở Lạng Sơn rất hiếm nên ông phải lên mạng Internet tìm hiểu và nhờ một số người bạn ở Hà Nội tư vấn. Từ cây đào được tặng, ông bứt toàn bộ quả để nhân giống. Không ngờ, lứa đào F1 phát triển rất nhanh và đều. Tuy nhiên, sau vài năm, dáng cây đã đi vào hoàn thiện nhưng việc nở hoa thì “vô phương cứu chữa”, khiến ông thiệt hại một khoản lớn.

Tưởng chừng đã thất bại với giống đào “khó tính” này khi gần 8 năm miệt mài thử nghiệm thì đến năm thứ 9 chinh phục, ông Chuyên đã tìm ra phương pháp cho đào nở đúng dịp Tết. “Ngoài chế độ chăm sóc, cách uốn, tỉa cây thì việc tạo môi trường nhiệt, nước cực kỳ quan trọng. Nắm được điểm yếu của loại đào này, việc cho nó nở hoa đúng dịp Tết đã không còn khó khăn nữa”, ông Chuyên cười nói.

Cây đào thất thốn mọc trong hốc đá giá 5 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Lan.

Vận dụng kỹ thuật sẵn có và rút kinh nghiệm dần từ các năm trước, những năm tiếp theo, cứ đến chừng 27-28 Tết là nụ hoa bắt đầu chúm chím. Thậm chí có cây con mới trồng được 1 tuổi nhưng đã cho ra 50 bông hoa, ngoài sức tưởng tượng của ông. Sau 16 năm với nghiệp trồng đào, tỷ lệ thành công tăng dần.

Tuy nhiên, theo ông Chuyên, việc chăm đào thất thốn vất vả và tốn công hơn rất nhiều so với trồng các loại cảnh khác. "Những loại cây khác có sức đề kháng với thời tiết rất tốt, trong khi cây đào lại rất nhạy. Nhiệt độ thay đổi một chút là trạng thái yếu, khỏe của cây thay đổi. Chỉ cần lơ là một chút là coi như đi tong cả một năm trời uốn nắn”, ông Chuyên nói. Bên cạnh đó, lá đào thất thốn đài gấp 3-4 lần đào thường, chừng 23-25 cm che hết các mắt cây, nên khi uốn thân và kích mọc nụ người làm phải hết sức khéo léo. Chỉ cần chấm sai mắt vài milimet là hỏng cả cây.

Mỗi năm, ông Chuyên nhân giống từ việc trồng hạt được khoảng 100 cây đào thất thốn. Tỷ lệ ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán đạt 80-90%. Do thị yếu chơi đào thất thốn ở Lạng Sơn chưa phổ biến nên giá bán khá rẻ. Thông thường, cây con 1-3 năm tuổi, giá 700.000 đồng đến 2 triệu đồng. Những cây trên 5 năm giá dao động 8-10 triệu đồng. Đặc biệt những cây lâu năm, giá lên đến 20-50 triệu đồng.  

Trồng đào thất thốn mạo hiểm nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Lan.

Năm nay, do nhuận 1 tháng nên phù hợp để đào thất thốn nở đúng dịp Tết, ông có trên 100 cây có giá trị trên thị trường. Đặc biệt, tại triển lãm cây cảnh ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), lần đầu tiên đưa cây xuống đất thủ đô, ông Chuyên đã chọn 68 cây đào thất thốn để trưng bày. Giá mỗi cây thấp nhất 5 triệu đồng. Đặc biệt một cây đào cổ, dáng độc được ông Chuyên tung ra tại thị trường năm nay với giá 160 triệu đồng. Đã có nhiều người hỏi thuê 20 triệu đồng, hay mua dứt với giá trên 100 triệu nhưng ông chưa đồng ý.

Ông cho biết, hiện tại nhà ông chỉ còn khoảng 20 chậu đào thất thốn được đưa về Lạng Sơn để phục vụ cho Tết năm sau. Với số lượng đào như hiện nay, chỉ trong dịp Tết này, trừ chi phí vận chuyển, chăm trồng, ông Chuyên cũng thu về hàng trăm triệu đồng. Ông cho biết, năm sau sẽ mở rộng thị trường ở các tỉnh lân cận, đặc biệt Hà Nội và sẽ nhận chăm nuôi các cây đào thất thốn cho các nhà, vườn có nhu cầu.

"Xét về mặt thẩm mỹ dưới con mắt người chơi cây, đào thất thốn được coi là 'hoàng hậu' của các loại đào rừng, bạch đào,....bởi vẻ đẹp tiềm ẩn cũng như nét đẹp tinh tế mà các giống đào khác không có được. Còn xét về tiềm năng kinh tế, thì quả thực người gắn bó với giống đào này phải rất mạo hiểm, nhưng một khi nắm được điểm yếu của nó và biết cách khắc phục thì sẽ mang lại hiểu quả kinh tế cao. Chỉ trong 1-2 năm, thế cây hoàn thiện, dáng đẹp có thể cho giá 3-5 triệu đồng, hơn hẳn so với các loại cây khác", ông Chuyên nhấn mạnh.

Đào thất thốn dáng độc được trả 150 triệu đồng chưa bán

Dáng độc, gốc xù xì, hoa mọc dày đỏ thẫm, cây đào thất thốn cổ của một người làm vườn ở Bình Gia, Lạng Sơn được rao bán 160 triệu đồng. Khách trả 150 triệu mà chủ chưa đồng ý.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm