Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người chăn nuôi chết đứng với đàn gia cầm

Không bán được sản phẩm hoặc bán với giá rẻ mạt, người chăn nuôi đang chết đứng với đàn gia cầm. Nhiều người nói, thị trường gia cầm đang tái hiện bóng ma dịch cúm 10 năm trước.

Chiều 27/2, các doanh nghiệp giết mổ gia cầm tại trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn, quận Gò Vấp, TP.HCM, nơi thường xuyên cung cấp một nửa sản lượng gia cầm cho thị trường TP.HCM, thông báo lượng gà đưa về giết mổ trong đêm 27 để phục vụ tiêu thụ ngày 28/2 chỉ còn khoảng 40.000 con, giảm 20.000 con so với thời điểm trước khi có dịch cúm A/H5N1. Theo ông Phạm Văn Minh, chủ cơ sở giết mổ gia cầm Gia Nghĩa, giá gà thịt bán sỉ cho tiểu thương chợ lẻ chỉ còn khoảng 38.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ rất chậm. Nhiều đêm chúng tôi nhập có 4.000 con gà, giảm 3.000 con so với trước nhưng giết mổ xong rồi chỉ bán được một nửa, còn lại phải để tồn kho.

Người chăn nuôi mất phương hướng

Cảnh ế ẩm cũng không phải là ngoại lệ đối với trứng gia cầm. Nhiều người nói rằng, thị trường gia cầm hiện nay đang tái hiện lại “bóng ma” dịch cúm gia cầm cách nay mười năm. Vài ngày gần đây có thể dùng từ “đóng băng” khi nói về thị trường gia cầm, giống như đợt dịch cúm nổ ra lần đầu ở Việt Nam vào năm 2003 - 2004. Cũng như mười năm trước, khi thị trường ngưng trệ, người chăn nuôi là đối tượng tổn thương lớn nhất. Họ, một mặt vừa lo đối phó với dịch bệnh lây lan, mặt khác phải chạy vạy tìm thương lái để bán hết đàn gia cầm. Trong hoàn cảnh này, tất nhiên là phải chịu lỗ thê thảm.

Người chăn nuôi đang thua lỗ từng ngày.

Nói về thân phận của mình trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, bà Ngọc Hải, chủ trại gà ở thị xã Tân An, Long An bày tỏ: “Tui sống với nghề chăn nuôi gà đẻ suốt 20 năm nay, nhưng bây giờ biểu phải làm gì thì quả thật là tui không thể định hướng nổi nữa”. 60.000 con gà đẻ của bà Hải vẫn mỗi ngày đẻ ra hơn 55.000 quả trứng. Số trứng này được bà bán cho các chủ vựa và doanh nghiệp trên TP.HCM. Khi dịch cúm nổ ra, thương lái nói với bà là “trứng bán không có người mua” nên  họ “đao” giá nào, bà phải chịu giá đó. Hệ luỵ này, khiến cho không chỉ bà Hải mà hàng trăm, hàng ngàn người nuôi gà đẻ ở khắp các tỉnh/thành phía Nam chịu lỗ thê thảm. Ước tính, giá trứng bán ra đang thấp hơn giá thành sản xuất 300 - 400 đồng/quả. Nếu chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM tiêu thụ mỗi ngày 4 triệu quả trứng, thì số tiền thiệt hại của người chăn nuôi cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Người nuôi gà đẻ lỗ một thì chăn nuôi gà thịt lỗ mười, như cách nói của ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ trại gà tam hoàng ở huyện Long Khánh, Đồng Nai. Cách nay mười năm, gia đình ông Sơn cũng từng mất sạch sau đợt dịch cúm H5N1 khủng khiếp này. Mãi đến năm 2005, khi tình hình dịch dần được kiểm soát, ông mới dám gầy dựng lại nghề nuôi gà tam hoàng. Ông vay tiền đầu tư trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, nhà máy chế biến thức ăn. Hơn 200 lao động đang được ông tạo công ăn việc làm. Đùng một cái dịch cúm xuất hiện trở lại. Giá gà tam hoàng đang từ hơn 40.000 đồng/kg, “rơi” một mạch xuống còn 25.000 - 26.000 đồng/kg, và nhiều khả năng còn xuống nữa vì thị trường có dấu hiệu bị đóng băng. Trước đây, trung bình mỗi ngày ông Sơn xuất bán 6.000 - 8.000 con gà về thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận, nay chỉ còn chưa đến 2.000 con. Lứa trước nuôi ra bán không hết.

Lứa sau đến ngày xuất chuồng cũng bị dồn cục lại. Gà ùn ứ ở chuồng trại nhiều không đếm xuể. Nay, nếu bỏ cám cho gà ăn như mọi ngày cũng chết, mà không cho chúng ăn cũng chết.

“Mấy ngày nay đầu óc tui rối bời, không biết tìm ra lối thoát nữa rồi. Gà nuôi ra bán không được, giá gà cứ ngày một giảm sâu. Nếu trắng tay thêm một lần nữa thì chắc gia đình tui mạt vận mất thôi”, bỏ ra hàng trăm tỉ đồng nuôi gà, nay ông Sơn đang rất lo lắng.

Tự bơi

Cũng như mười năm trước, khoản tiền hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm dành cho người chăn nuôi thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản của họ. Với những đàn gia cầm chưa bị dịch, được phép lưu thông trên thị trường, Nhà nước cũng không có khoản hỗ trợ như phí sát trùng, vắcxin, kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm… Muốn tiêu thụ được sản phẩm, người chăn nuôi phải tự bỏ tiền túi ra đóng hết các khoản này. “Tui vừa mua 50.000 liều vắcxin cúm A hết 15 triệu đồng. Một con gà tam hoàng xuất ra từ trại ở huyện Long Khánh, Đồng Nai về lò mổ An Nhơn cũng mất hai lần phí kiểm dịch”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.

Một quả trứng gà công nghiệp, doanh nghiệp chỉ trả cho người chăn nuôi chưa đến 1.000 đồng, nhưng họ bán ra thị trường tới 2.300 đồng (kể cả hàng bình ổn giá), cao gấp 2,3 lần so với giá mua của nông dân. Trong lúc nông dân đang lỗ thê thảm, doanh nghiệp chỉ cần mua đi bán lại, tốn thêm ít chi phí là có thể kiếm lợi nhuận cao ngất. Chưa hết, có thời điểm thị trường trứng biến động, giá tăng cao như cuối năm 2012, đầu 2013, thì chính những doanh nghiệp tham gia bình ổn lại đi “tố” lên cơ quan nhà nước để kìm giá lại. Rõ ràng, người chăn nuôi đang thiệt đơn thiệt kép. Giá trứng vừa tăng, họ vừa có chút lợi nhuận thì bị bắt hạ xuống. Còn những lúc thua lỗ, như hiện nay, chẳng ai nhìn ngó tới họ. “Trứng gà nếu có trợ giá để bình ổn thì phải dành khoản này cho người chăn nuôi chứ tại sao lại đưa hết cho doanh nghiệp? Cứ để chúng tôi thua lỗ thế này thì mai mốt lấy đâu ra trứng gà để mà bình ổn thị trường”, bà Ngọc Hải, chủ trại gà đẻ ở Long An đã phải thốt lên như vậy.

Cũng liên quan đến chính sách dành cho người chăn nuôi thời dịch cúm, trong cuộc họp mới đây giữa cơ quan Thú y TP.HCM với một số tỉnh lân cận, một giải pháp nhằm giúp phá băng thị trường tiêu thụ đó là làm sao minh bạch hoá dịch cúm để người dân biết, an tâm sử dụng sản phẩm. Lý giải vì sao đưa nội dung này vào bàn thảo, đại diện Thú y TP.HCM cho rằng, thị trường TP.HCM tiêu thụ tới 120.000 - 130.000 con gia cầm, hơn 4 triệu quả trứng mỗi ngày. Nơi đây, với dân số khoảng 10 triệu người, là thị trường giải quyết đầu ra sản phẩm cho rất nhiều tỉnh/thành lân cận, nên nhất thiết mọi thông tin dịch cúm phải rõ ràng, minh bạch, tránh để người dân hoang mang, quay lưng lại.

Thời điểm này, cùng với giải pháp tuyên truyền, nhiều công ty chăn nuôi lớn cũng đang tìm cách tự cứu lấy mình. Đại diện công ty CP cho biết, vài ngày nay họ bán trứng gà chỉ với giá sỉ cho người lao động. Nghĩa là, một quả trứng, thay vì phải mua 1.700 - 2.500 đồng như ở ngoài thị trường, thì người lao động của CP, sẽ mua được với giá chỉ có 600 - 1.000 đồng. “Đây cũng là cách khuyến khích tiêu dùng, giúp chúng tôi có thể bán hết trứng gà trong lúc thị trường gặp khó khăn”, nguồn tin của CP cho hay.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, người nuôi và kinh doanh gà tam hoàng lớn nhất khu vực các tỉnh miền Đông ở huyện Long Khánh, Đồng Nai, thay vì chỉ trông chờ vào lò giết mổ gia cầm An Nhơn, gia đình ông phải tìm thêm đầu ra ở các tỉnh, hòng tiêu thụ hết số gà còn tồn ở các trại. Như lời ông Sơn thì hiện nay, gia đình ông còn tồn ở chuồng trại tới 70.000 con gà tam hoàng.

http://sgtt.vn/kinh-te/187608/chet-dung-voi-dan-gia-cam.html

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Bạn có thể quan tâm