Sáng 19/2, theo quan sát của chúng tôi, người dân ở vùng trung tâm ổ dịch tại các xã Phổ Cường, Phổ Văn, Phổ Châu… của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn buôn bán, giết mổ gia cầm công khai. Tại chợ đầu mối ở thị trấn Đức Phổ, gia cầm được người dân bày bán bình thường. Điều đáng lo ngại là gia cầm tại chợ này được người dân vận chuyển, mua rải rác từ những xã vùng dịch kể trên.
Vớt vát vốn liếng
Chị Trần Thiên Lý, một tiểu thương buôn bán tại chợ thị trấn Đức Phổ, cho biết trong vòng nửa tháng qua, nhiều người đã đem gà, vịt số lượng lớn đến chợ bán. “Có thể những đàn gà, vịt này bị bệnh từ vùng có dịch, người ta cố bán để vớt vát lại vốn liếng, khỏi bị tiêu hủy bắt buộc” - chị Lý nhận định.
Thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi, rất nhiều hộ dân nuôi gia cầm đang cố tìm cách đưa đàn gà, vịt của mình ra khỏi vùng dịch. Rất nhiều người dân khi hay tin có ổ dịch đã lập tức gọi thương lái đến thu mua, vận chuyển gia cầm đi nơi khác.
Gia cầm vẫn được bày bán bình thường ở chợ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngày 19/2, trong đó có cả những con vận chuyển từ vùng có dịch. |
Bà Nguyễn Thị Việt - ngụ xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết từ khi có dịch, rất nhiều hộ gọi thương lái đến bán đổ, bán tháo đàn gà, vịt của mình. Nhiều đàn gà có số lượng chết hàng loạt nhưng vẫn được người dân bán và thương lái chở đi nơi khác tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi, dù chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan liên tục vận động, tuyên truyền người dân không được giết mổ, vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch nhưng chính tâm lý chủ quan, thờ ơ khiến dịch bệnh có điều kiện lây lan mạnh.
Cấm mua bán thì lấy gì ăn!
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, Cơ quan Thú y Vùng 4 đã cùng chi cục cấp 200.000 liều vắc-xin và 120 lít thuốc tiêu độc sát trùng cho người dân huyện Đông Hòa để kịp tiêm phòng bao vây, tiêu độc môi trường, dập tắt dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có công điện khẩn yêu cầu giám đốc các sở NN-PTNT, Y tế và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, nghiêm cấm mọi hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong vùng dịch.
Tuy nhiên, ghi nhận vào sáng 19/2 của phóng viên cho thấy, tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch ra bên ngoài vẫn diễn ra bình thường. Sáng sớm, người buôn gia cầm vẫn chở những giỏ gà từ các xã Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Xuân Đông (vùng có dịch), huyện Đông Hòa ra nhiều chợ ở TP Tuy Hòa để bán.
Bà Trần Thị T., một người chuyên mua bán gia cầm từ huyện Đông Hòa ra TP Tuy Hòa, nói như đinh đóng cột: “Gà, vịt nào bệnh, người ta đã tiêu hủy hết rồi. Gà, vịt này mạnh lắm, làm gì có bệnh mà sợ”!
Giải thích về tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch ra bên ngoài, ông Đào Xuân Nhĩ cho rằng, vì tỉnh Phú Yên xuất hiện ổ dịch nhỏ lẻ nên cơ quan chức năng chỉ tăng cường tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc-xin; còn các hoạt động vận chuyển, mua bán gia cầm thì vẫn để diễn ra bình thường. “Tỉnh chưa cấm việc mua bán, vận chuyển gà, vịt ở các chợ. Cấm thì người dân lấy gà, vịt đâu mà ăn vì mình chưa có lò mổ gia cầm tập trung? Chừng nào dịch diễn ra trên diện rộng của tỉnh thì mới cấm” - ông Nhĩ giải thích.
Theo ông Nhĩ, việc vận chuyển gia cầm từ các tỉnh đến Phú Yên và từ Phú Yên đi các tỉnh cũng chưa bị cấm mà cơ quan chức năng chỉ kiểm soát chặt chẽ. Những đàn gia cầm nào có cơ sở chứng minh tiêm phòng cúm, có giấy kiểm dịch thì vẫn được vận chuyển.
Ông Nhĩ cho biết trạm thú y đặt ở các cửa ngõ vào Phú Yên chỉ ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm trôi nổi. Thế nhưng, tình trạng vận chuyển gà chọi từ Phú Yên ra các tỉnh phía Bắc để xuất sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Sáng sớm 19/2, tại một số điểm tập kết gà chọi thuộc TP Tuy Hòa và huyện Tuy An, những giỏ đựng gà bịt kín vẫn sắp lớp chờ xe khách đường dài đến vận chuyển ra phía Bắc. “Họ đi lụi bằng xe khách nên khó phát hiện” - ông Nhĩ nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thúc Hàn - Trạm trưởng Trạm Thú y TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết rất nhiều gia cầm tiêu thụ ở TP này được cung cấp từ thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và Cam Lâm - những nơi có ổ dịch cúm. Vì thế, việc phòng chống dịch ở đây hết sức căng thẳng, nhất là khi không có được sự chung tay của người dân.
Theo ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa, dù tỉnh này đã công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và chi cục cũng thông báo dịch đến từng hộ nuôi nhưng hiện nay, người dân vẫn cứ tái đàn. “Chúng tôi đã thông báo sẽ tiêu hủy cả đàn nếu phát hiện người dân bất chấp, tiếp tục tái đàn trong vùng dịch nhưng lực lượng thú y mỏng, làm không xuể” - ông Thắng phân bua.