Ông Đức đến với ROV (Remotely Operated Vehicle), từ con số không, theo gợi ý của cựu Tổng giám đốc Vietsopetro Nguyễn Giao: “Ngành dầu khí cần ROV, cậu nghiên cứu xem sao. Không lẽ cứ lệ thuộc mãi vào nước ngoài”.
Tài liệu không. Thông tin trên internet hiếm hoi, lại nhiều thuật ngữ. Tuy nhiên, ngành hẹp đồng nghĩa với cơ hội rộng mở, không bị cuốn vào những cuộc cạnh tranh giá cả. Hơn nữa, cái máu công nghệ cao đã ngấm vào người đàn ông quê gốc Đồng Tháp. Những năm tháng sinh sống ở Mỹ, ông Đức từng đầu quân cho một hãng sản xuất máy ly tâm, dùng để lọc uranium từ đất. Là người nhập cư, ông chỉ được tiếp cận với quy trình sản xuất ở tầng thấp. Nản, ông nghỉ việc, thành lập công ty thương mại, phân phối sản phẩm của một số hãng điện tử Nhật tại Houston.
Ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Mã. |
Mối quan hệ với Petrovietnam khởi đầu từ việc ông hỗ trợ đơn vị này tổ chức một cuộc họp báo kêu gọi đầu tư trước khi Việt Nam và Mỹ nối lại bang giao. Năm 1994, ông bán công ty bên Mỹ về Việt Nam làm đại diện cho Tập đoàn Fairfield, đàm phán với Petrovietnam thành lập liên doanh Petrovietnam Golden (sau đổi tên là Fairfield Vietnam, chuyên thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin địa chấn, làm cơ sở vẽ bản đồ mạng lưới thăm dò tìm kiếm mỏ dầu của Việt Nam. Trụ sở Fairfield Vietnam hiện đặt tại Q.7, TP.HCM.
Khởi nghiệp
Rút khỏi liên doanh Fairfield Vietnam, ông bắt đầu cuộc phiêu lưu mới. Người huấn luyện ông là Chris Tarmey, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc 2 công ty chuyên sản xuất ROV có trụ sở tại Anh. Ông nói: “Họ muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam nhưng khoảng cách địa lý khiến chi phí bảo hành tăng lên rất cao. Đấy là lý do họ chọn mình. Làm kinh doanh, chẳng ai cho không ai cái gì”.
Kết thúc khóa đào tạo, ông Đức thực hiện cam kết bằng cách thành lập công ty Giác Thành, là đại lý được hãng sản xuất Anh Quốc chỉ định phân phối linh kiện đồng thời bảo hành sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Đó là năm 2000. Một năm sau, Vietsovpetro có ROV đầu tiên. Cũng trong năm này, 6 kỹ sư của Việt Nam, trong đó có 2 người của Giác Thành, qua Anh học về ROV.
Sau 6 năm làm nhà phân phối linh kiện, ông Đức thành lập công ty Hải Mã, lấn sân sang cung cấp dịch vụ cho thuê và vận hành ROV, gồm trợ lực khoan thăm dò, khảo sát đáy biển, sửa chữa bảo dưỡng các giàn khoan dầu khí ngoài khơi... Thay vì nhập nguyên con, ông chủ trương mua linh kiện để lắp ráp. Lắp ráp được thì sẽ sửa chữa rất nhanh nếu ROV gặp sự cố. Chi phí đầu tư ban đầu có thể giảm xuống hơn phân nửa. Ông Đức nói: “Tôi ngứa nghề. Bằng lòng với thương mại thì chẳng học thêm được cái gì. Đương nhiên, đã làm kinh doanh là phải hạch toán. Làm kỹ thuật lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng rất cao. Đáy biển trùng trùng cạm bẫy”.
Thập tử nhất sinh
ROV được nối với ca-bin điều khiển thông qua một sợi dây giống như cuống rún, dài vài trăm mét, tùy thuộc độ sâu và trọng lượng của ROV. Dải san hô ngầm sắc như dao, cá mập, thủy lưu chảy xiết đẩy ROV cà vào mảnh sắt nhọn khi khảo sát giàn khoan, xác tàu đắm... là những rủi ro có thể gặp phải. Lớp vỏ dây bị cứa đứt sẽ gây chập điện, phát nổ do ROV vận hành bằng điện thế 3.000 V.
Thế nhưng, sự cố lớn nhất Hải Mã từng gặp lại đến từ một đối tác. Khi chuẩn bị hạ thủy ROV để khảo sát giàn khoan của Vietsovpetro, đội lái người Na Uy được thuê lái ROV bất ngờ đòi Hải Mã tăng giá thêm... 1 triệu USD. “Tình thế của chúng tôi lúc ấy mong manh, thập tử nhất sinh như con cua đang lột”, ông nói.
Đối tác đưa ra yêu sách có lẽ vì họ tin rằng Hải Mã không thể xoay xở kịp. Quân của ông Đức lại chưa đủ năng lực ngồi ca-bin điều khiển. Cơ hội tìm được cơ trưởng gần như bằng không bởi sức ép về thời gian. Theo ông Đức, trên thế giới mới có khoảng 5.000 cơ trưởng ROV, nhưng không phải loại ROV nào cơ trưởng cũng lái thành thục. Quy trình hoạt động trên giàn khoan rất nghiêm ngặt, được lên kế hoạch chi tiết, không thể tùy tiện thay đổi. Trung bình, mỗi giàn khoan có chi phí hoạt động lên đến cả triệu USD/ngày. Khi ROV làm việc, có thể một số bộ phận hoặc toàn bộ giàn khoan phải tạm ngưng hoạt động. Thành ra chậm tiến độ so với hợp đồng thì sẽ bị phạt rất nặng. Gay go hơn, đấy lại là thương vụ đầu tiên của Hải Mã. Nếu đổ bể, xem như cánh cửa thị trường bị đóng lại. Tình thế buộc ông Đức phải đưa ra một quyết định táo bạo. Chấm dứt hợp đồng với đối tác nước ngoài, cầu viện 3 cơ trưởng của Vietsovpetro, dù họ chưa từng lái loại ROV của Hải Mã. Hình ảnh liên tục được truyền về màn hình trong ca-bin điều khiển, nhưng chỉ khi ROV nổi lên mặt nước ông Đức và các cộng sự mới thở phào. Còn đối tác lật kèo bỏ của chạy lấy người. Nhờ vậy, Hải Mã đã tiết kiệm được 1 triệu USD.
To hơn, khỏe hơn, sâu hơn
Việc nguồn cung thiếu hụt buộc ngành dầu khí Việt Nam phải tìm kiếm, thăm dò những lô mới, xa hơn và sâu hơn. ROV cũng phải to hơn, khỏe hơn để có thể xuống sâu hơn.
Trên thực tế, các ROV của Việt Nam hiện chỉ xuống sâu tối đa 600 mét. Trong khi đó, một lô dầu khí Việt Nam và đối tác Nga dự kiến khai thác trong vài năm tới nằm ở độ sâu 1.650 m.
Đầu năm 2013, Hải Mã đã khai trương xưởng mới rộng gần 2.000 m2. Hệ thống thiết bị ở xưởng mới cho phép lắp ráp ROV với trọng lượng lên đến 20 tấn, có thể lặn sâu đến 2.000 m. Đến nay, Hải Mã đã xuất xưởng được 4 ROV hạng nặng, nâng tổng số ROV doanh nghiệp sở hữu lên con số 7. Mặc dù vẫn phải thuê chuyên gia thiết kế ROV từ Anh sang giám sát nhưng vị trí trưởng xưởng, vốn do kỹ sư nước ngoài đảm trách trong nhiều năm, đã được thay thế bằng một kỹ sư người Việt. Anh thuộc thế hệ kỹ sư đầu tiên gia nhập Hải Mã.
Cũng nhờ có ROV hạng nặng, Hải Mã đã xuất khẩu được dịch vụ. Cụ thể là hợp đồng lắp đặt đường ống dẫn khí kéo dài 4 tháng cho một tập đoàn dầu khí ở Thái Lan. Trước đó, Hải Mã đã thành lập văn phòng đại diện tại quốc gia láng giềng này. Ở thị trường trong nước, Vietsovpetro chỉ sử dụng ROV cho nhu cầu của mình. Đơn vị còn lại sở hữu ROV là Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thì liên kết với Hải Mã từ năm 2008, giành lại thị trường từ các công ty dịch vụ nước ngoài với thị phần dao động từ 80-90%, tùy từng năm.