Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người biểu tình Thái chiếm trụ sở quân đội

Một đám đông đã tràn vào đại bản doanh của quân đội Thái Lan và trụ sở của đảng cầm quyền nhằm gây sức ép để Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

Khoảng 1.500 người đã tràn vào trụ sở của quân đội Thái Lan và 1.000 người bao vây trụ sở của đảng cầm quyền Pheu Thai hôm 29/11, Reuters đưa tin.

"Chúng tôi muốn biết quân đội ủng hộ phe nào trong tình hình hiện nay", một người biểu tình nói.

Một binh sĩ đứng giữa những người biểu tình trong trụ sở quân đội Thái Lan hôm 29/11. Ảnh: AP.

Sau khi cánh cửa trụ sở quân đội mở toang, người biểu tình tràn vào các phòng bên trong và yêu cầu những vị tướng phải chọn phe. Ngoài khoảng 100 binh sĩ đứng gác, những người còn lại không làm gì để ngăn chặn những người biểu tình. Vài trăm sĩ quan và lính chỉ đứng trên các ban công và quan sát.

Do dự đoán trước tình hình, quân đội Thái Lan đã chuyển trung tâm chỉ huy tới một doanh trại ở ngoại ô phía bắc thủ đô Bangkok từ ba ngày trước. Nhưng hành động chiếm trụ sở quân đội vẫn mang ý nghĩa biểu tượng, bởi quân đội đóng vai trò lớn trong một đất nước từng trải qua 18 cuộc đảo chính hoặc âm mưu dảo chính trong 80 năm qua. Hiện tại Yingluck kiêm nhiệm luôn chức Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng quân đội vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng.

"Quân đội mong các bên giải quyết bất đồng vì lợi ích của đất nước", đại tá Winthai Suvaree, người phát ngôn của quân đội, nói.

Việc người biểu tình chiếm đại bản doanh của quân đội và bao vây trụ sở của đảng cầm quyền diễn ra sau khi đảng Dân chủ tuyên bố họ sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm. Người biểu tình cho rằng nội các hiện nay chịu sự điều khiển của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, vị tỷ phú đang sống lưu vong sau khi quân đội lật đổ ông vào năm 2006. Họ cũng cáo buộc bà Yingluck lợi dụng thế đa số tại hạ viện để vận động các nghị sĩ thông qua dự luật ân xá để Thaksin có thể về nước.

Thủ tướng Yingluck kêu gọi người chống chính phủ ngừng biểu tình và đàm phán với chính phủ để tìm ra giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Tuy nhiên, cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva khẳng định rằng khủng hoảng chỉ chấm dứt khi Thủ tướng từ chức.


Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm