Các nhân chứng nói với AFP rằng hàng nghìn người biểu tình đã xông vào văn phòng thủ tướng để giương cao quốc kỳ sau khi cảnh sát và quân đội không thể kiềm chế đám đông dù đã bắn hơi cay và vòi rồng.
Trong khi đó, một người đàn ông chưa rõ danh tính đã xông vào studio của đài Rupavahini giữa lúc ghi hình chương trình trực tiếp, theo AFP ngày 13/7. Người này yêu cầu đài Rupavahini chỉ phát sóng các chương trình liên quan tới cuộc biểu tình cho tới khi nào “cuộc đấu tranh” kết thúc.
Sau đó, tín hiệu bị ngắt giữa chừng và được thay thế bằng chương trình ghi hình sẵn, theo AFP. India Today đưa tin hiện tại, kênh truyền hình Rupavahini đã ngừng phát sóng.
Người đàn ông chưa xác định danh tính yêu cầu đài Rupavahini chỉ phát sóng các chương trình liên quan tới cuộc biểu tình cho tới khi nào “cuộc đấu tranh” kết thúc. Ảnh cắt từ màn hình đài Rupavahini. |
Cùng ngày 13/7, Sri Lanka đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, chỉ ít lâu sau khi có thông tin Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước và trao lại quyền tổng thống cho Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.
Cảnh sát cho biết đang áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên khắp tỉnh miền Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo, để ngăn các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng sau khi Tổng thống Rajapaksa bay đến Maldives bằng máy bay quân sự.
Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung quanh văn phòng thủ tướng, buộc cảnh sát và quân đội dùng súng hơi cay cùng vòi rồng để ngăn họ không tràn vào khu nhà.
Đài Rupavahini hiện đã ngừng phát sóng. Ảnh: Twitter/Rohini Mohan. |
Nhưng theo lời kể của nhân chứng với AFP, hàng nghìn người biểu tình hiện đã vượt qua hàng phòng ngự của quân đội và xông vào được văn phòng thủ tướng.
Ông Rajapaksa bị cáo buộc phạm sai lầm trong quản lý kinh tế, khiến đất nước cạn kiệt ngoại hối để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, đẩy 22 triệu dân Sri Lanka vào tình trạng khó khăn.