Đó là một buổi chiều thứ hai (29/7) yên bình trong tòa thị chính đẹp như tranh vẽ ở Lingolsheim, ngoại ô Strasbourg nước Pháp. Kỳ nghỉ hè của các em học sinh bắt đầu và trời rất nóng. 4h chiều cùng ngày, một điều bất thường đã xảy ra.
11 người bình tĩnh bước vào bên trong tòa thị chính, lịch sự chào hỏi tiếp tân, sau đó bước vào phòng dành cho các cuộc họp hội đồng. Tại đây, họ cẩn thận tháo bức ảnh chân dung của Tổng thống Emmanuel Macron xuống, sau đó, nhẹ nhàng đặt vào một chiếc túi bảo vệ đặc biệt, rồi bước ra ngoài.
Những người biểu tình chống biến đổi khí hậu mang bức ảnh chân dung về nhà và tự hỏi khi nào các cảnh sát địa phương sẽ gõ cửa nhà họ.
Đó là hành động mới nhất trong một phong trào bất tuân dân sự đang phát triển nhanh chóng và bất thường ở Pháp.
Những người biểu tình chống biến đổi khí hậu tháo bức tranh chân dung của Tổng thống Emmanuel Macron ở Paris. Ảnh: Guardian. |
Lần này, mục tiêu của người phản đối là các bức chân dung của Tổng thống Macron.
Theo Guardian, người biểu tình đã tháo bỏ ảnh chân dung ông Macron khỏi hơn 100 tòa thị chính, trải dài từ các làng nhỏ vùng Beaujolais đến thị trấn Normand, từ Biarritz đến Paris.
"Chỗ trống còn lại trên tường tượng trưng cho khoảng trống trong chính sách của chính phủ (Pháp) về tình trạng khí hậu khẩn cấp", những người biểu tình nói sau khi tháo bỏ bức chân dung cuối cùng của ông Macron ở Lingolsheim.
Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu từ hiệp hội Action non-violente COP21 nói rằng chiến dịch "Take Down Macron" (tạm dịch: Hạ Macron Xuống) là một động thái "quyết liệt và khẩn cấp" nhằm buộc chính phủ phải làm nhiều hơn cho tình trạng khẩn cấp khí hậu.
Hơn 100 bức tranh chân dung Macron bị tháo khỏi các tòa thị chính. Ảnh: Guardian. |
Tuy nhiên, hội đồng tư vấn độc lập về khí hậu của Pháp gần đây đã cảnh báo về sự khác biệt giữa tham vọng và thực tế.
Theo các báo cáo, Paris đã không giảm lượng khí thải nhà kính đủ nhanh, đặc biệt ở hệ thống vận tải đường bộ và các công trình xây dựng. Và nếu không có thay đổi lớn về chính sách, thì khó có thể đạt được mục tiêu.
Pháp là quốc gia có lịch sử lâu dài về sự bất tuân dân sự đối với các vấn đề môi trường và xã hội.
Những người tháo tranh chân dung tổng thống tự nhận mình là công dân bình thường, kiên quyết không sử dụng bạo lực. Họ gồm các viên chức, giáo viên đã nghỉ hưu, công nhân đường sắt, sinh viên và nhân viên doanh nghiệp nhỏ.
Tuần trước, hơn 1.000 người đã gặp nhau tại một trạm khí tượng ở đông bắc nước Pháp để chuẩn bị các hành động phản kháng.