Đăng tải trên Twitter, cảnh sát Hong Kong đã đe dọa sẽ dùng "vũ lực cần thiết" để giải tán người biểu tình đang chiếm giữ tòa nhà Hội đồng Lập pháp.
Theo SCMP, đám đông người biểu tình Hong Kong đã đẩy lùi hàng rào phòng thủ của cảnh sát và xâm nhập thành công vào tòa nhà trụ sở của Hội đồng Lập pháp đặc khu hành chính này tối 1/7, ngày kỷ niệm 22 năm Hong Kong được Anh trao trả về với Trung Quốc.
Trước đó, khu vực trung tâm thành phố với các tòa nhà trụ sở chính quyền đã trải qua nhiều giờ bị người biểu tình bao vây, phong tỏa. Người biểu tình đã tìm mọi cách để loại bỏ các chướng ngại vật do cảnh sát dựng lên, thậm chí ném đá vào các cửa kính để buộc cảnh sát rút lui.
Người biểu tình xông vào bên trong tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Ảnh: Twitter. |
Trước sức ép từ người biểu tình, chính quyền Hong Kong đã tuyên bố dừng mọi công việc liên quan tới dự luật dẫn độ và cho biết dự luật này sẽ tự động mất hiệu lực hoàn toàn vào tháng 7/2020.
Nhà chức trách Hong Kong cũng kêu gọi người biểu tình chấm dứt các hành động được miêu tả là "bạo lực" và rời khỏi trụ sở Hội đồng Lập pháp. Trong một thông cáo ngắn, chính quyền Hong Kong cho biết các cơ quan công quyền sẽ đóng cửa trong ngày 2/7 do "vấn đề an ninh".
Phe chống dự luật dẫn độ hiện chưa đưa ra phản ứng trước thông tin chính quyền Hong Kong đã dừng mọi hoạt động liên quan tới dự luật này.
Cuộc biểu tình ngày 1/7 là hoạt động thường niên nhằm ủng hộ nên dân chủ được tổ chức từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Khác với các cuộc biểu tình ôn hòa mọi năm, không khí năm nay chìm trong bạo lực, dư âm từ dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Người biểu tình vẫy cờ nước Anh bên trong tòa nhà của Hội đồng Lập pháp. Ảnh: Twitter. |
Người biểu tình phản đối đạo luật dẫn độ được đề xuất bởi Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga do lo ngại sẽ là công cụ để Trung Quốc dẫn độ các nhà hoạt động dân chủ về Đại lục. Phe phản đối luật dẫn độ yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn luật này và bà Lâm, vốn được coi là thân Bắc Kinh, phải lập tức từ chức.
Đợt biểu tình quy mô lớn nhất vào tháng 6 đã thu hút gần 2 triệu người Hong Kong xuống đường, theo thống kê của ban tổ chức, trong khi con số cảnh sát đưa ra là 330.000. Sau sức ép của người dân, chính quyền Hong Kong đã cho hoãn dự luật dẫn độ, trước khi tuyên bố dừng mọi công việc liên quan tới sửa đổi dự luật này.