Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người biểu tình Hong Kong tìm cách phá cửa tòa nhà Hội đồng Lập pháp

Các cuộc đụng độ nhỏ lẻ trong ngày 1/7 báo hiệu cuộc biểu tình kỷ niệm 22 năm Hong Kong được trả về Trung Quốc sẽ diễn ra căng thẳng, bắt nguồn từ đạo luật dẫn độ gây tranh cãi.

Cuộc biểu tình thường niên ủng hộ dân chủ tại Hong Kong chính thức bắt đầu vào khoảng 15h ngày 1/7 tại công viên Victoria ở khu vực Vịnh Đồng La, theo CNN.

Đây là sự kiện diễn ra ngày 1/7 hàng năm, ngày kỷ niệm Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc. Dịp kỷ niệm năm nay, lần thứ 22, diễn ra sau hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ ở đặc khu hành chính này hồi tháng 6. Người biểu tình phản đối đạo luật dẫn độ được đề xuất bởi Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

bieu tinh Hong Kong anh 1
Người biểu tình bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong tìm cách phá cửa kính, dù cảnh sát chống bạo động bên trong cảnh báo sẵn sàng dùng vũ lực. Ảnh: Getty.

Các vụ đụng độ lẻ tẻ xảy ra trước cuộc biểu tình chính báo hiệu một buổi chiều căng thẳng tại trung tâm Hong Kong.

Trưa nay, một nhóm người biểu tình đã tìm cách phá cửa kính cường lực tại tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong.

Người biểu tình còn tìm cách chặn các tuyến đường dẫn đến tòa nhà Hội đồng Lập pháp bằng chướng ngại vật và barrier bằng sắt. Cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay và đạn cao su giải tán các khu vực này nhưng bất thành. Một số người bị thương.

Cảnh sát chống bạo động cũng được triển khai bên trong tòa nhà Hội đồng Lập pháp, sẵn sàng đối phó người biểu tình quá khích phá cửa xông vào. Một nhóm những nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã tìm cách ngăn cản, thuyết phục người biểu tình không leo thang bạo lực.

bieu tinh Hong Kong anh 2
Hàng nghìn người tuần hành ôn hòa trong sự kiện kỷ niệm 22 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Vào 15h, khi cuộc tuần hành quy mô lớn tại trung tâm Hong Kong bắt đầu trong ôn hòa, một nhóm những người biểu tỉnh trẻ tiếp tục nhắm đến khu vực văn phòng chính quyền thành phố. Họ dùng những cột và barrier kim loại đập cửa kính một lối ra vào không có cảnh sát bảo vệ.

Ở khu vực tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong, tình thế đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình tiếp tục căng thẳng nhưng chưa xảy ra xô xát.

Cuộc tuần hành quy mô lớn ngày 1/7 đã được thay đổi lộ trình sau vụ đập phá trước cửa Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Thay vì đổ về đường Harcourt ở khu trung tâm, người tham gia tuần hành sẽ kết thúc sự kiện tại đường Charter. Trước đó, chính quyền Hong Kong đã tìm cách thuyết phục ban tổ chức hoãn buổi tuần hành vì các vụ xô xát.

bieu tinh Hong Kong anh 3
Người biểu tình tập trung trên đường Hartcourt bên ngoài khu vực văn phòng chính quyền Hong Kong. Ảnh: AFP.

Đợt biểu tình quy mô lớn nhất vào tháng 6 đã thu hút gần 2 triệu người Hong Kong xuống đường, theo thống kê của ban tổ chức, trong khi con số cảnh sát đưa ra là 330.000. Sau sức ép của người dân, chính quyền Hong Kong đã cho hoãn dự luật dẫn độ. Tuy nhiên, những người biểu tình muốn dự luật được hủy bỏ hoàn toàn và bà Lâm phải từ chức.

Trung Quốc tuyên bố không cho phép thảo luận về Hong Kong tại G20

Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc nói G20 là diễn đàn tập trung vào các vấn đề kinh tế toàn cầu và Bắc Kinh sẽ không cho phép thảo luận về vấn đề Hong Kong.

Trung tâm Hong Kong ngập trong người biểu tình và khói hơi cay

Những con đường lớn bị chặn và trung tâm thành phố đóng cửa sau khi hàng chục nghìn người biểu tình bao vây trụ sở chính quyền để phản đối dự luật dẫn độ đang được bàn thảo.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm