Tương tự nhiều quán bar và massage khác trong phố Nhật ở hẻm 15B Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM), chị Vy - chủ quán Koko Bar buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do tạm ngưng đóng cửa theo chỉ đạo của UBND TP. Dù đối mặt với nhiều khó khăn sắp tới, nhà đầu tư này vẫn thanh toán đầy đủ lương cho nhân viên, đồng thời hỗ trợ 1 triệu/người/tháng, tổng cộng 45 triệu đồng cho 10 nhân viên.
Quyết định này khiến chị cân nhắc nhiều, bởi quán mới hoạt động 3,5 tháng, với chi phí vận hành trung bình 120-150 triệu đồng/tháng (riêng tiền mặt bằng lên đến 3.000 USD). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến quán trước khi đóng cửa cũng đã sụt giảm nặng nề. Nếu trước đây, mỗi ngày quán đạt doanh thu 10-15 triệu đồng, thì từ ngày 25/2 chỉ còn 2-3 triệu.
"Tôi và 2 người bạn góp vốn vẫn đang cố gắng xoay sở. Dù khó khăn, nếu chúng tôi đối xử không tốt với những nhân viên buộc thôi việc này, thì đến khi dịch bệnh kết thúc sẽ khó tìm người lắm", chị Vy nói.
Tuy nhiên, không nhiều chủ doanh nghiệp đủ khả năng tài chính để làm như vậy.
40 nhân viên thôi việc ngay trong ngày
Duy Diễm (23 tuổi), nhân viên một doanh nghiệp lớn chuyên phê bình ẩm thực, du lịch có trụ sở tại quận 4 (TP.HCM), cho biết cô cùng khoảng 40 nhân viên khác vừa phải thôi việc trong chiều 20/3.
Lúc 14h, Diễm nhận được email thông báo công ty sẽ cắt giảm nhân sự và giảm 50% lương đối với trưởng bộ phận, do gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khoảng 40 phút sau, Diễm cùng các nhân viên trong phòng được bộ phận nhân sự yêu cầu ký vào đơn xin nghỉ việc, với lý do "bận việc riêng".
Mặc dù vậy, Diễm không đồng ý và ghi rõ lý do xin nghỉ việc là "công ty yêu cầu". Lá đơn này được bộ phận nhân sự cho là sai thủ tục, do đó công ty chỉ thanh toán lương tháng 3 bằng tiền mặt chứ không chuyển khoản.
"Tôi đã làm việc 6 tháng, có hợp đồng lao động đầy đủ. Giờ công ty buộc thôi việc do tình hình kinh doanh, không phải do tôi, mà lại ép tôi viết đơn xin nghỉ với lý do cá nhân, tôi thật sự hoang mang. Dù công ty có thanh toán lương tháng này thì các tháng tới tôi biết sống sao? Hợp đồng thuê nhà vẫn còn đến tháng 6, nhưng bây giờ chắc phải về quê luôn chứ rất khó xin việc trong thời điểm này", Diễm tâm sự.
Nhân viên một quán bar lớn trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) ngồi bàn tán khi quán đóng cửa đột ngột. Ảnh: Chí Hùng. |
Dưới góc độ doanh nghiệp, chị Lan Thanh - chủ 2 quán ăn tại quận Gò Vấp và Phú Nhuận (TP.HCM) cho rằng "đau lòng nhưng hết cách". Để hạn chế lây lan dịch bệnh, chị đã tạm ngưng phục vụ khách hàng tại quán, chỉ bán theo đơn hàng trực tuyến và mua mang về. Đồng thời, do lượng khách thời gian qua cũng sụt giảm khoảng 50%, chị quyết định cắt giảm khoảng 8 nhân sự ở 2 chi nhánh.
Theo chị, đây là giải pháp tối ưu để cắt giảm chi phí. Ước tính chị có thể tiết kiệm 40% trong tổng chi phí vận hành lên đến 45-50 triệu đồng/tháng.
"Có người hiểu thì họ dò hỏi trước và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, nhưng cũng có nhân viên bày tỏ bức xúc. Biết sao được, cứ coi đây là giai đoạn sàng lọc. Người nào làm tốt và có tâm được giữ lại, còn ai làm việc đối phó, cẩu thả thì phải tự nhìn nhận lại", chị Thanh chia sẻ.
Hiện nay, dưới tác động của Covid-19, hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề như du lịch, F&B, giáo dục... bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi nhiều người mất việc, số khác chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách chấp nhận mức lương giảm đi hoặc không nhận thưởng, trợ cấp.
Theo dự đoán của Tổ chức Lao động quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc, có đến 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vì dịch Covid-19. Thu nhập của người lao động trên thế giới cũng giảm đi 3,4 nghìn tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong tháng 2 vừa qua, đã có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 59,2% so với tháng 1/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo cơ quan này, ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao. Ngay trong tháng 3 này áp lực về người lao động mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Duy trì lương thưởng, hỗ trợ nhân viên làm việc tại nhà
Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và đang duy trì hoạt động kinh doanh tương đối ổn định vẫn cam kết duy trì lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ cho nhân viên như thời điểm trước dịch.
Một số đơn vị áp dụng hình thức thưởng theo KPI cũng quyết định giảm KPI theo tình hình thực tế, nhằm hỗ trợ nhân viên duy trì thu nhập.
Đến nay, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, hàng loạt công ty ở nhiều ngành nghề, từ các tên tuổi lớn như Vingroup, Vinamilk, Unilever, AB Inbev, Nielsen... đến các start-up đều đã chính thức áp dụng, hoặc khuyến khích hình thức làm việc tại nhà. Trong đó, nhân viên được hưởng đầy đủ lương, thưởng, trợ cấp, không phân biệt giữa người làm việc tại nhà và làm việc tại văn phòng.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp còn cấp laptop cho những nhân viên chưa được trang bị trước đây. Trong mùa dịch này, để đảm bảo hiệu quả công việc, Nielsen Việt Nam đã cung cấp khoảng 50 laptop cho các nhân sự vốn sử dụng máy tính để bàn trên văn phòng. Toàn bộ nhân viên Unilever Việt Nam cũng được cấp laptop với các công cụ làm việc trực tuyến bản quyền hiện đại.
Nhiều doanh nghiệp cung cấp thiết bị làm việc với nhiều công cụ làm việc trực tuyến cho người lao động làm việc tại nhà. Ảnh: Getty. |
Trao đổi với Zing.vn, đại diện HSBC Việt Nam khẳng định, việc duy trì đãi ngộ và đảm bảo công cụ làm việc cho nhân viên khi làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19 là một phần trong kế hoạch liên tục kinh doanh và chính sách làm việc linh hoạt của nhà băng này.
"Chúng tôi hiểu rằng, cho nhân viên được làm việc linh hoạt và hỗ trợ họ tối đa sẽ giúp chúng tôi trở thành một tổ chức tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cộng đồng", ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Kim Anh - Giám đốc nhân sự cấp cao khu vực Đông Nam Á của Nielsen, khẳng định điều quan trọng nhất là nhân viên đảm bảo hiệu quả công việc, còn công ty sẵn sàng cung cấp đủ công nghệ và nền tảng.
Ghi nhận trên mạng xã hội, nhiều người lao động bày tỏ sự hào hứng khi làm việc tại nhà trong giai đoạn này. Họ vừa cảm thấy yên tâm trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa thoải mái khi dễ dàng cân bằng công việc và cuộc sống hơn.