Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người ăn xin xài 3 xe máy

Ngã tư Trung Chánh, quận 12, TP.HCM thời gian gần đây một số người dân địa phương gọi là ngã tư “ăn xin” bởi nhiều trẻ em, người già, phụ nữ, người tàn tật kéo về đây khá đông.

Ngày 24/12, có mặt tại ngã tư này, chúng tôi ghi nhận có hai bé gái (khoảng 8 tuổi), dáng người gầy còm, đen đúa liên tục ngửa mũ xin tiền khi người đi đường dừng đèn đỏ. Theo người dân địa phương, hai bé gái này do một người phụ nữ khoảng 30 tuổi chăn dắt, hành nghề ở khu vực này từ nhiều tháng qua, họ ở trọ cách ngã tư Trung Chánh khoảng 200m. 

Người phụ nữ và hai bé gái ăn xin tại ngã tư Trung Chánh.
Người phụ nữ và hai bé gái ăn xin tại ngã tư Trung Chánh.

“Người phụ nữ thường ngồi bên hông cửa hàng thức ăn nhanh trên đường Nguyễn Ảnh Thủ để quan sát và chỉ xuất hiện khi cần hoặc đến lúc gom tiền mà hai bé gái xin được”, một người dân cho biết. Khi thấy chúng tôi chụp hình, người phụ nữ này liền gọi hai bé gái đến và nói điều gì đó rồi bỏ đi rất nhanh.

Thời điểm chúng tôi có mặt, còn có người đàn ông trung niên cụt hai nửa bàn chân, bộ dạng khắc khổ, ngồi trên lề đường Nguyễn Ảnh Thủ ôm thùng nhựa nhỏ xin tiền người đi đường. “Ngày nào ông ta cũng ra đây ngồi, mỗi ngày đi một xe máy khác nhau. Ngồi đến trưa là ổng thay đồ, mang giày đi về”, tài xế xe ôm tên T. cho biết.

Người đàn ông đi ăn xin có đến 3 xe máy.
Người đàn ông đi ăn xin có đến 3 xe máy.

Cũng theo anh T., người đàn ông này chỉ “làm việc” từ khoảng 9h sáng đến 14h chiều rồi đi về. Phương tiện người này dùng để di chuyển là 2 xe máy (hiệu Wave và Tarus) và một xe tay ga hiệu Nouvo. Tất cả đều mang biển số Bình Dương. Thời điểm chúng tôi có mặt, xe máy hiệu Tarus của người đàn ông này được gửi ở quán nước mía trên đường Nguyễn Ảnh Thủ. 

Hơn 1 giờ quan sát, chúng tôi ghi nhận, người đi đường cho tiền người đàn ông khá nhiều, khi tiền trong thùng nhựa kha khá, ông ta liền xếp lại và bỏ trong túi. Thỉnh thoảng ông lôi chai nước ra uống và tưới lên đầu hoặc vào trong mát ngồi ăn bánh mì và hút thuốc.

Tối cùng ngày, chúng tôi quay trở lại ngã tư Trung Chánh, ghi nhận một bà cụ hơn 70 tuổi người gầy còm giả dạng bán tăm bông để xin tiền. Cứ khoảng 30 phút  bà lão lại lên vỉa hè, móc tiền bỏ vào nón lá xếp ngay ngắn cho vào túi áo rồi ra xin tiếp. Đến 21 giờ 10, một người đàn ông lớn tuổi, mặc bộ đồ nâu đi nạng (do cụt chân trái) đến ra hiệu cho bà cụ này ra về. 

Thấy tiền trong thùng nhựa khá nhiều, người đàn ông ngồi xếp tiền ngay trên vỉa hè.
Thấy tiền trong thùng nhựa khá nhiều, người đàn ông ngồi xếp tiền ngay trên vỉa hè.

Cả hai tiến nhanh về phía cổng nhà sách Nguyễn Văn Cừ gần đó rồi leo lên xe máy do một người đàn ông đeo khẩu trang kín mặt cầm lái đang chờ sẵn. Sau đó, cả 3 người lao vút trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, người cầm lái không quên quay đầu lại quan sát đề phòng. Phát hiện có người đeo bám phía sau, người cầm lái liền tăng ga cắt đuôi. Gần 4km bám theo, chúng tôi ghi nhận điểm tập kết cuối cùng của bộ ba này là căn phòng trọ nằm trong hẻm 891 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12.

Chiều 25/12, tại ngã tư Bà Điểm (giáp ranh huyện Hóc Môn với quận 12) chúng tôi cũng bắt gặp một cụ bà đầu đội nón lá, một tay chống gậy, một tay bê rổ nhựa đựng tăm bông mời chào người đi đường mua ủng hộ. Qua tìm hiểu, bà cụ tên Thanh (79 tuổi, quê Thanh Hoá) do gia cảnh khó khăn nên vào Sài Gòn bán tăm bông để mưu sinh. Khi chúng tôi nói đến việc đưa người ăn xin vào trung tâm xã hội thì bà Thanh liền chỉ vào số điện thoại 0169.249.2640 được ghi trong vành nón, nhờ chúng tôi gọi cho người đàn ông nói là đến để đưa về.

Cũng tại ngã tư này còn có người đàn ông mù hơn 50 tuổi (quê Thanh Hoá), đội mũ tai bèo quỳ gối ở góc đường Phan Văn Hớn và liên tục cúi lạy để xin tiền người đi đường. Còn bao tăm bông vẫn buộc kín miệng để ở gốc cây sau lưng. Nhân viên bảo vệ của một công ty gần đấy cho biết, hằng ngày ông này được một bé trai khoảng 13 tuổi dắt ra ngã tư Bà Điểm để “hành nghề”, còn mình thì vào cửa hàng điện thoại gần đó để nghỉ mát và quan sát. 

Khi chúng tôi tiến lại gần để hỏi thông tin thì bé trai này liên tục trả lời “không biết”, tìm cách lảng tránh và đi lại xốc người đàn ông mù đi nơi khác. Khoảng 20 phút sau, người đàn ông mù này được cậu bé đưa lại ngã tư để tiếp tục xin tiền người đi đường. Đến khoảng 22h đêm, bà Thanh được hai phụ nữ đi xe máy đến đón đi đâu không biết, còn người đàn ông mù và bé trai được đôi nam nữ đi xe máy đến chở về. 

Qua quan sát cùng với tìm hiểu từ người dân, chúng tôi khẳng định những người già, tàn tật ăn xin tại hai ngã tư trên đều bị các đối tượng chăn dắt. Họ đều là dân tỉnh lẻ, được kẻ chăn dắt đưa vào Sài Gòn, thuê nhà trọ bao ăn ở, hàng ngày chúng chở ra các ngã tư để họ hành nghề, đến tối quay lại đưa về nhà trọ. Cả người ăn xin và người chăn dắt đều rất cảnh giác, dường như họ đều được “đào tạo” nên cách nói chuyện rất… trơn tru, hầu hết người ăn xin đều mang theo bao tăm bông, kẹo cao su… bán rong, nhưng chỉ để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, trong khi công việc chính là xin tiền người đi đường.

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&id=531205

Theo Tiến Mạnh/Công An TP.HCM

Bạn có thể quan tâm