Cuộc sống của người dân Ấn Độ tạm trở lại bình thường sau chuỗi ngày khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh tạm lắng cũng là lúc người dân đối mặt với khoản nợ chi phí điều trị Covid-19 chất cao như núi.
Mắc Covid-19 trong giai đoạn đỉnh dịch tại Ấn Độ hồi tháng 5, Saurav - 24 tuổi, điều trị Covid-19 tại một bệnh viện tư phía tây bắc New Delhi (Ấn Độ) - từng bước vào giai đoạn thở máy để chống chọi với virus chết người. Sau khi tình hình sức khỏe chuyển biến tích cực, Saurav được đưa về nhà và theo dõi.
Niềm vui của gia đình Saurav tồn tại chưa được bao lâu thì lại phải đối mặt với cơn sóng gió khác - núi hóa đơn viện phí chồng chất của Saurav trong giai đoạn điều trị .
Tình cảnh của Saurav cũng như hàng triệu người dân Ấn Độ khác, những người đang bị nhấn chìm bởi cơn ác mộng viện phí sau khi điều trị Covid-19. Thảm cảnh hơn, hầu hết người dân Ấn Độ đều không có bảo hiểm y tế. Do đó, chi phí điều trị Covid-19 như một bàn tay khổng lồ nhấn họ chìm sâu xuống bờ vực nợ nần.
Ông Anil Sharma chia sẻ hình ảnh con trai Saurav trong thời gian điều trị Covid-19. Ảnh: Taiwan News. |
Dành hết số tiền đang có để chi trả các chi phí như xe cứu thương, xét nghiệm, thuốc men và giường ICU, Anil Sharma - cha đẻ của Saurav - buộc phải vay thêm ngân hàng, bạn bè và người thân để thanh toán viện phí. Thậm chí, ông Sharma còn cầu xin sự ủng hộ từ website gây quỹ cộng đồng của Ấn Độ trên nền tảng Ketto. Cho đến nay, ông Sharma đã thanh toán hơn 50.000 USD viện phí cho con trai mình.
“Saurav đã đấu tranh để giành lại mạng sống. Còn chúng tôi đấu tranh để tạo cơ hội sống sót cho con mình. Từ một người cha đầy tự hào, giờ tôi là kẻ ăn xin”, ông Sharma ngậm ngùi.
Đối với các chuyên gia kinh tế, chi phí điều trị Covid-19 là rào cản, ngăn trở đà phục hồi nền kinh tế tại quốc gia này. Bên cạnh đó, chi phí điều trị Covid-19 đồng thời là gánh nặng lớn của người dân Ấn Độ khi đại dịch đã “quét” sạch cơ hội việc làm, khiến hàng trăm triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp.
“Sau cùng, những gì còn lại chỉ là hệ thống bảo hiểm y tế xã hội thiếu hoàn thiện và hệ thống y tế kém cỏi. Đại dịch tại Ấn Độ đã chỉ ra sự yếu kém và thiếu bền vững của 2 yếu tố này”, chuyên gia kinh tế Vivek Dehejia tại Ấn Độ nhận định.
Nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy đại dịch đã đẩy 32 triệu người Ấn Độ ra khỏi tầng lớp trung lưu - nhóm dân số có thu nhập từ 10-20 USD/ngày. Các chuyên gia ước tính cuộc khủng hoảng làm gia tăng số người nghèo tại Ấn Độ - nhóm dân số có thu nhập từ 2 USD/ngày trở xuống - lên tới 75 triệu người.