Trăng ơi!
Trăng hãy về đi!
Khuya rồi
Nấn ná làm gì nơi đây!
Đêm xa
Mái phố vơi đầy
Ừ thì vẫn biết chia tay là buồn.
***
Trăng xa
Sắc phố trầm hơn
Thác không ghềnh nữa
Sóng buồn không reo
Gió thổi hun hút lưng đèo
Ly cà phê uống cả chiều chưa vơi.
***
Tạ từ nhau nhé
Trăng ơi!
Sông còn bên lở bên bồi phù sa
Nắng còn tím nhạt tím nhoà
Đêm còn chống chếnh nữa là cô đơn.
***
Người ta khoác áo trầm hương
Bỏ nhau!
Đi ngược con đường heo may…
Lời bình của Nguyễn Thanh Tâm
Bài Ly khúc hiện ra dưới một hình dáng mới, nhưng vẫn gợi về ký ức thể loại lục bát bởi những vần nhịp dùng dằng còn níu vào nhau. Những con chữ chẳng nỡ rời nhau thế mà bài thơ lại nói về nỗi niềm li biệt. Kể ra, cũng thật ngậm ngùi.
Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là buồn, chơi vơi, chống chếnh, cô đơn. Mỗi khổ thơ ẩn chứa một cái nhìn, ngước lên, dõi ra xa để cảm nhận sự lẻ loi của nhân vật trữ tình. Trăng xa, phố trầm hay thác ghềnh gió núi chỉ là hình dung xa xôi của kẻ tự biết rằng từ nay không gian ấy chẳng gợi lên cảm hứng yêu thương cho hành trình đôi lứa.
Tạ từ là khép lại lòng mình, trầm sâu hơn vào lặng lẽ. Dường như, tiếng thở dài được nén lại bởi những suy tư tự thỏa hiệp với tình cảnh biệt ly. Sông còn lở bồi, nắng còn nhòa nhạt, đêm còn chống chếnh… ta nào có cô đơn giữa cõi tâm tình thế gian này.
Bài thơ trôi đi trong nỗi buồn ly biệt, nhưng bỗng chúng ta giật mình vì khổ thơ cuối cùng. Vẫn là cấu trúc mang bóng hình lục bát, cặp sáu tám bị xé làm đôi, ở giữa buông lời “Bỏ nhau”, vừa như sững sờ lại vừa như hờ hững. Hẳn là, sau những đêm cô đơn rất dài, người ta đã thấm thía, đã hiểu, đã thấu tỏ nguồn cơn của ly biệt. Bỏ nhau/ Đi ngược con đường heo may, bài thơ khép lại rồi mà sao rét buốt lại nhiều hơn?