Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngục tù nhân danh tình yêu

"Căn phòng của Giovanni" khước từ tham vọng đem đến một định nghĩa về tình yêu. Ngược lại, nó là câu chuyện của sự cảnh tỉnh cho những lầm tưởng về tình yêu.

“Thiên hạ muôn hình vạn trạng, sao có thể bị đối đãi hời hợt. Tôi đây muôn hình vạn trạng, sao có thể đáng tin” (trích Căn phòng của Giovanni, James Baldwin).

Thế còn tình yêu, tình yêu liệu rằng cũng muôn hình vạn trạng như cái cách mà F.Scott Fitzgerald đã nói trong Đại gia Gatsby: “Trên thế gian này, tình yêu muôn hình muôn vẻ, nhưng cái tình yêu năm xưa ấy thì không trở lại bao giờ”?

Vậy là, tình yêu muôn hình muôn vẻ, là không thể tin, tình yêu là một đi không trở về. Rốt cuộc, làm sao chúng ta biết được đó là tình yêu chứ không phải một điều gì khác, không phải bất kỳ điều gì “trông giống như tình yêu”?

Can phong cua Giovanni anh 1

Sách Căn phòng của Giovanni. Ảnh: Sách Tao Đàn.

Lời cảnh tỉnh cho những lầm tưởng về tình yêu

Là một câu chuyện viết về tình yêu với tất cả nghịch lý và mâu thuẫn của nó, Căn phòng của Giovanni khước từ tham vọng đem đến một định nghĩa về tình yêu. Ngược lại, nó là câu chuyện của sự cảnh tỉnh, cảnh tỉnh trước cho những lầm tưởng về tình yêu.

Gọi là Căn phòng của Giovanni bởi lẽ đây là sân khấu cho sự hiện thân của tất cả nhân vật, những bản ngã và sự lột trần. Trong căn phòng đó, một tình yêu đã nảy mầm, rồi tình yêu đó lớn lên từng ngày, cùng những đổi thay nếu không muốn nói rằng đó là những vỡ mộng, tan vỡ.

Và khi nó chết đi, người ta không thể ngừng đặt câu hỏi rằng liệu từng có một tình yêu nào tồn tại ở đây hay chưa, ngay trong căn phòng này từng có tình yêu? Hay ngay từ đầu nó vốn dĩ là những lầm tưởng, những thứ méo mó mạo nhận những điều tươi đẹp, âm thầm dồn ép con người ta rơi vào bế tắc và lạc lối?

Trong chính những hoài nghi, bi quan như thể muốn phủ nhận tất cả về tình yêu ấy, Căn phòng của Giovanni tình cờ lại chất vấn mọi người, dùng chính những chất vấn đó để… dạy người ta một cách yêu, dạy người ta cách vượt thoát khỏi những nhầm lẫn về tình yêu.

Tình yêu, đó không phải là học cách chấp nhận đối phương mà hơn hết, là học cách chấp nhận chính mình. Chấp nhận chính mình trước hết là hiểu rõ ràng về bản thân, hiểu được trái tim mình, hiểu được những rung động của nó và không bị đánh lừa bởi những nhịp đập loạn lạc vô cớ vô duyên.

Thách thức lớn nhất của tình yêu nằm ở chỗ: Bản thân ta phải ngừng chạy trốn chính mình, ngừng lừa dối và ngừng chối bỏ chính mình!

Để ngừng ngụy biện với bản thân, con người ta bằng cách này hay cách khác đi tìm đến những sự thật, những điều bên ngoài mình, dùng những phép thử, những tấm gương soi để xem cho rõ diện mạo của bản thân, trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”.

“Nhưng buồn thay, người ta đâu thể nào chế ra cột neo, chế ra tình nhân và bạn hữu, giống như họ đâu thể chế ra cha mẹ mình. Đời trao những thứ này rồi lại lấy chúng đi và điều khó khăn ghê gớm là nói 'vâng' với đời” (James Baldwin).

Người ta làm gì có những cột neo để bám vào? Làm gì có một thứ gì để ta nương tựa mà vượt qua những chông chênh của thế gian này? Cũng như chẳng có một điều gì giúp ta mượn nó để nhận ra bản ngã tiềm tàng. Một tấm gương soi? Bạn tin rằng một tấm gương soi sẽ giúp ta nhìn thấy chính mình ư? Bạn đã quên rằng những gì nhìn được trên tấm gương kia là những ảo ảnh hay sao?

Người ta không thể và cũng không có một chiếc neo nào để dựa dẫm rồi băng qua cuộc đời này. Tương tự, những chiếc gương soi không thể giúp ta nhìn thấu chính mình, một chiếc gương không giúp được ta điều đó, và một tình yêu lại càng không.

Can phong cua Giovanni anh 2

Nhà văn James Baldwin. Ảnh: Getty Images/Oprahdaily.

Những nghịch lý cuộc đời

Tình yêu không phải và không thể là cách để con người ta nhìn thấy chính mình, tìm ra bản thân. Bởi lẽ, tình yêu không tìm ra tôi mà là chính tôi đi tìm lấy tình yêu của mình. Tâm hồn tôi nhờ có tình yêu mà đẹp đẽ nhưng nó không được làm nên chỉ bằng tình yêu.

Tình yêu có thể lấp đầy tôi nhưng tôi chắc chắn sẽ không là một sự trống rỗng nếu vắng bóng đi tình yêu trong cuộc đời mình.

Biết đâu được, ngay cả khi có lấy một tình yêu trong đời, nội tâm vẫn đầy những mông lung và rạn nứt. Ngay cả khi Giovanni ngỡ rằng mình có được tình yêu ấy, ngay cả khi cậu thấy rằng tình yêu ngập tràn cả căn phòng mình thì sự thật rằng căn phòng của cậu vẫn là một mớ hỗn độn, ngột ngạt còn trái tim cậu thì ngổn ngang bao nỗi bất an, lo sợ.

Chúng ta có dám như Giovanni, ngoan cố tin rằng tình yêu là một chiếc neo hay cố chấp bám víu vào những ảo ảnh tình yêu để mong chờ một ngày tìm ra được chính mình như David để rồi nhận lấy một kết cục thê thảm? Vậy thì, tình yêu có là sự cứu rỗi của ta hay chính ta mới là sự cứu rỗi cho bản thân mình?

Các nhân vật của James Baldwin đã lang thang khắp những nẻo đường châu Âu, đã ngược xuôi giữa hai bờ đại dương, đã dọc ngang nam bắc để rồi mỗi giờ phút đều chìm trong sự bất định, đều mông lung không một nơi trở về. Họ tìm kiếm một tình yêu để rồi nhận ra những gì mình đã ngỡ là tình yêu thực chất là sự trái ngược của tình yêu.

Họ nhìn về một mái nhà để rồi ý thức rằng “Anh không có một mái nhà cho đến khi anh rời bỏ nó, rồi khi đã rời bỏ nó, anh sẽ không bao giờ có thể trở về”. Hết thảy là một sự đánh lừa!

Thứ bất biến duy nhất lại là cái tôi mà người ta vẫn hoài loay hoay chẳng sao thấu hiểu. Người ta thường ngỡ rằng tự do để tìm kiếm và khám phá mọi điều mà không biết rằng mình “bị kết án phải tự do” (từ dùng của Jean Paul Sartre). Mình phải tự do, tự do cùng nỗi cô đơn không bao giờ được xoa dịu!

Cũng từ những hành trình mà các nhân vật trong Căn phòng của Giovanni đi qua, dù ít hay nhiều, họ đã nhìn ra được bản chất đầy nghịch lý của cuộc đời này.

Căn phòng của Giovanni đã được viết bằng những nỗi sợ, nỗi hoang mang, bằng sự bất tin và cả những lạc lối. Không thể phủ nhận, đó là câu chuyện của những lầm tưởng, của sự sụp đổ niềm tin, của sự chạy trốn và của cả những tan hoang, vụn vỡ.

Thế nhưng, đó cũng là câu chuyện của niềm tin, của những nỗ lực xây dựng niềm tin bất thành. Có thể, Giovanni đã nhận lấy một cái kết bi thảm, nhưng đó là kết quả sau một chuỗi những ngày tháng cậu trượt dài trong sự tuyệt vọng.

Có thể, David đến sau cùng đã đánh mất tất cả, đã cô độc đến đáng thương, nhưng đó cũng là hậu quả từ những năm tháng “không nhìn vào vũ trụ, không nhìn vào bản thân mình, không ngừng chuyển động”.

Niềm tin, suy cho cùng, có thể không được xây dựng trên một nền tảng vững vàng nhưng nó luôn đủ sức khiến cho con người ta vững vàng bước qua những cơn giông tố của cuộc đời mình, một cách chậm rãi, an yên.

Người Mỹ đang đọc sách gì?

Theo một cuộc khảo sát, người Mỹ thích đọc sách về sắc tộc, tiểu thuyết. Trong đó, cuốn "Dịch hạch" của Albert Camus được nhiều độc giả tìm kiếm.

Lam Thảo

Bạn có thể quan tâm