Gia đình nội ngoại xuất thân đều là quan lại nhà Thanh, được thừa hưởng một nền giáo dục châu Âu từ thời niên thiếu, thái độ về vật chất của Trương nữ sĩ đầy vẻ tao nhã: "Tôi thích tiền, vì tôi chưa từng nếm trái đắng của nó, không biết mặt xấu của nó, chỉ biết đến mặt tốt của nó mà thôi”. Nói về tiền mà không thấy hôi tanh mùi tiền, cái cốt cách vừa phàm tục vừa thần tiên đó, mấy ai có được.
Trong các tác phẩm của Trương Ái Linh đầy rẫy những câu đích đáng mà thấm thía như vậy. Như: “Đàn bà vô dụng mới là người đàn bà lợi hại nhất” (Hồng loan hỷ), hay “Trong đời Chấn Bảo có hai người phụ nữ, một người là hoa hồng bạch, một người là hoa hồng nhung. Một người là vợ hiền tiết tháo nền nã, một người là tình nhân mãnh liệt nồng nàn, thường xưa nay người ta vẫn chia tách hai chữ ‘tiết liệt’ thành ra như vậy...”. (Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch).
Đó là những trích dẫn trong tập truyện Khuynh thành chi luyến (Bản tiếng Anh chuyển ngữ sát nghĩa đen của tiếng Trung: Love in a fallen city) – một trong hai tập truyện ngắn đã được xuất bản gần đây tại Việt Nam của Trương Ái Linh (tập kia là Sắc, Giới), dịch giả Trần Quang Đức và Trần Trúc Ly chuyển ngữ sang tiếng Việt là Chuyện tình giai nhân, NXB Văn học phát hành.
Tập truyện Khuynh thành chi luyến được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Chuyện tình giai nhân. |
Truyện không dày nhưng vừa đọc lâu vừa nặng trĩu. Không có chỗ cho sự lãng mạn dài lâu, đàn ông thì đểu, đàn bà thì xuẩn, hèn người đi vì yêu, mà rồi ai cũng ích kỷ để mà sống qua ngày trong cái nhà cái ngõ đầy nhóc anh em họ hàng chăm chăm nhìn ngó soi xét.
Những người đàn bà khuynh thành của Trương nữ sĩ đều bi kịch. Hoa hồng bạch Vương Kiều Nhụy ở tuổi trung niên, nhụy úa hương phai, gặp lại người tình cũ Chấn Bảo kia, chàng không nhớ những ngày mặn nồng xưa, chỉ săm soi để ý thấy nàng mập lên. Rồi hai người đàn ông Tây học, hai anh em Chấn Bảo và Đốc Bảo thì thầm gật gù với nhau, tưởng thương cảm mà sặc mùi đạo đức giả: “Già rồi, già đi nhiều rồi”.
Phũ phàng với đàn bà, Trương Ái Linh cũng chẳng ưu ái đàn ông, khi họ cũng chẳng trân trọng gì phụ nữ. Muốn vợ tiết tháo nền nã, nhưng sang Paris học thì chơi gái điếm thành thần, “không sợ chơi hạ lưu, tùy tiện, bẩn thỉu, càng là những chốn hạ đẳng càng có mùi vị nguyên sơ”. Còn như bạn gái cũ, lúc người ta còn trẻ đẹp thì xài, mấy chục năm sau gặp lại, nhan sắc tầm thường, thì lướt luôn chẳng mấy ưu tư.
“Tôi tin vào con người, nhưng tôi không tin vào bản tính của họ”, Trương Ái Linh từng phát biểu như vậy.
Nhìn chung là đời người luôn cô độc, đàn ông đàn bà đến với nhau bởi những xô đẩy sai lầm, các chị gái xinh đẹp hay xấu xí đều quay cuồng trong vòng xoáy mai mối, hẹn hò, hôn nhân sắp đặt, ly hôn “như Tây” nhưng vẫn không thể vượt thoát khỏi cửa ngõ khu nhà tứ hợp viện.
Báo The New Yorker đã bình luận rằng: “Thế giới của Trương Ái Linh là một nơi chốn khắc nghiệt và u uẩn, nơi con người đấu tranh để tìm thấy lối trong tình yêu nhưng thường thất bại dưới áp lực gia đình, truyền thống và tập tục”.
Chúng ta cũng có thể đọc một vài trích dẫn, mà không cần bình luận gì thêm:
"Một người con gái, dẫu có tốt đẹp hơn nữa, nếu đã không có được tình yêu của người khác giới, cũng sẽ không có được sự tôn trọng của những người đồng giới. Ở điểm này, đàn bà con gái nhỏ mọn như vậy đấy”.
“Đàn ông thông thường đều thích dạy cho đàn bà hư đi, sau đó lại thích cảm hoá người đàn bà hư khiến họ trở thành ngoan”.
“Hôn nhân chẳng qua là sự bán dâm trường kỳ”.
"Chạy chọt cho ông ấy ra tù mãi mới xong, vừa về nhà đã chui tọt vào phòng vợ bé".
Có thể thấy sâu sắc dấu ấn của Trương Ái Linh trong các dòng văn học tình cảm xã hội sau này của các nữ tác giả viết tiếng Hoa, như Bạch Lạc Mai, Tân Di Ổ, Đồng Hoa, Phỉ Ngã Tư Tồn…
Những đoạn tả cảnh lụa là long lanh âm u như trong không khí phim Sắc, Giới của đạo diễn Lý An. Những tinh tế phũ phàng cao ngạo được các tác giả ngôn tình học hỏi lại dưới nhiều mức độ khác nhau, cũng phần nào thể hiện mức độ ảnh hưởng sâu rộng của nữ sĩ.
Tinh thần văn hóa và xã hội Đông Á với tất cả tinh túy và khắc nghiệt của nó đầy ắp trong câu chữ u uẩn của Trương Ái Linh, thời gian trôi qua vẫn giữ nguyên, lặng lờ như một mạch nước ngầm sâu rộng, dù có thể hình thức mới trên bề mặt. Văn chương yêu đương hồng tuyết tưởng nhỏ mọn phất phơ mà chất chứa nhiều điều hơn thế. Mới hay, không có cái tầm thường, mà là do lòng người vốn đã mang định kiến vậy.
Lý An đã dựng lại không khí rất chuẩn của các tác phẩm Trương Ái Linh trong phim Sắc, Giới.
Trương Ái Linh đã đem cả việc Hương Cảng sa vào tay giặc để tác hợp cho cặp đôi Bạch Lưu Tô với Phạm Liễu Nguyên trong Khuynh thành chi luyến. Bày trò trời đất nổi can qua cũng chỉ làm bối cảnh cho một đêm riêng tư rã rời nồng cháy. Trong lòng mỗi cặp yêu đương, mối tình của riêng mình đã đủ khuynh thành.