Ngư dân Philippines không thể đánh bắt ở bãi Scarborough sau khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát khu vực này. Ảnh: Reuters |
Bên ngoài bờ biển của thị trấn Masinloc, một tàu đánh cá bằng gỗ dài khoảng 10 m neo vào cầu tàu xi măng nhỏ hơn sân bóng. Tàu đã không ra khơi từ hơn hai năm nay.
Nhiều thập kỷ qua, bãi cạn Scarborough như "vườn địa đàng" đối với các ngư dân ở Masinloc. Nó nằm cách thị trấn khoảng 125 hải lý về hướng đông. Tổ tiên của hơn 50.000 người dân Masinloc mưu sinh bằng nghề bắt cá ở Scarborough. Không chỉ là một ngư trường dồi dào, vùng đầm phá ở bãi cạn giúp các ngư dân tránh những cơn bão dữ trên Thái Bình Dương.
Nhưng sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012, Bắc Kinh cử tàu tuần duyên canh gác nghiêm ngặt ở Scarborough. Các tàu vừa làm nhiệm vụ ngăn chặn "tàu lạ", vừa tạo điều kiện để ngư dân Trung Quốc vơ vét tài nguyên ở bãi cạn. "Họ đang đánh cắp những thứ thuộc về chúng tôi", một ngư nói.
Từ khi Trung Quốc cản trở người dân Masinloc bắt cá ở vùng biển quen thuộc, họ không còn thấy những nụ cười bừng sáng trên gương mặt rám nắng của những ngư dân trở về sau một hành trình dài ngày trên biển. Nhiều người tiếc nuối nhớ khoảng thời gian bắt cá tự do trên bãi Scarborough. Khi đó, ngư dân Philippines, Trung Quốc và Đài Loan cùng đưa thuyền đến đây trong mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 7.
"Chúng tôi trao đổi xăng, thực phẩm, nước và thuốc lá, tâm sự với nhau. Chúng tôi không cần phải nói tiếng Hoa để hiểu nhau", ông Jefferey Elad, 40 tuổi, nói với Straits Times.
Ông Pedro Manglicmot từng là một ngư dân kỳ cựu. Hiện nay ông là ủy viên hội đồng thị trấn sau khi ngừng ra khơi. Người đàn ông 40 tuổi cho biết, Scarborough không bao giờ bạc đãi ngư dân. "Nếu vào tuần thuận lợi, ngư dân chỉ cần thả lưới ở đây hai ngày để bắt số cá giá trị 300.000 peso (khoảng 6.500 USD, lợi nhuận gấp 10 lần chi phí ra khơi", ông Pedro nhớ lại.
Do vậy, nhiều người vẫn cố gắng tìm cách vượt qua sự canh gác của các tàu Trung Quốc để bắt cá tại Scarborough. "Tôi đã bỏ cuộc, vì tôi không muốn mạo hiểm tính mạng để kiếm sống như vậy", ông Pedro cho biết.
Khi không thể tiếp tục đánh bắt ở Scarborough, ngư dân Philippines phải chuyển vào đất liền để tìm công việc khác. Họ bán tàu để lấy vốn làm ăn, mua xe cơ giới, ôtô chở khách, mua gia súc chăn nuôi hoặc làm nông nghiệp. Một nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW trở thành nơi tạo công ăn việc làm chủ yếu cho hàng nghìn ngư dân ở Masinloc.
Một số người vẫn cố gắng bám biển dù không ra khơi. Họ mở những quầy hàng bán cá, lặn biển bắt tôm, cua, hoặc chở khách du lịch tham quan xung quanh vịnh. Tháng 4 vừa qua, ông Elad cùng một số người liều lĩnh lên thuyền tiến về bãi Scarborough. Hành trình diễn ra suôn sẻ. "Nhưng chắc chắn đó sẽ là lần cuối cùng tôi tới bãi", ông Elad nói.